Làm thế nào để “sạc” lại năng lượng làm việc?!

Làm thế nào khi bạn cảm thấy bản thân không còn tí năng lượng làm việc nào?

“Luôn có một sự đấu tranh ngầm khi chúng ta kiệt sức, chẳng hạn như: Tôi nên làm một việc gì đó nhưng tôi không tài nào gượng dậy nổi.” – Josh Cohen, nhà phân tích tâm lý học và tác giả của quyển sách Not Working: Why We Have to Stop chia sẻ. “Đó là cảm giác bạn đã bị tụt lại so với vị trí đáng lẽ ra bạn phải đang ở đấy và bạn cảm thấy bản thân chẳng còn khả năng làm bất kì việc gì nữa.”

Cuộc sống hiện đại luôn đòi hỏi những nhu cầu liên tục, và bản thân mỗi cá thể cũng có những nhu cầu như thế, do đó chẳng lạ gì mà tình trạng “kiệt sức” ngày càng trở nên phổ biến. Chúng ta luôn bị ám ảnh và mệt mỏi với suy nghĩ rằng bản thân không cố gắng đủ, một hiên tượng mà Anne Helen Petersen đã khám phá ra trong bài luận của mình về chủ đề này. “Tôi viết ra mục tiêu mỗi tuần mình cần làm, và chúng cứ thế trôi qua hết tuần này đến tuần khác, ôi! Khiến tôi mệt mỏi trong hàng tháng trời”.

Sự kiệt sức trong công việc và mọi thứ được ví như vòng luân hồi lẩn quẩn. Chính vì thế, các chuyên gia và nhà sáng tạo chia sẻ với chúng ta làm thế nào nhận biết được tín hiệu này và xây dựng chiến lược để đối phó và vượt qua.

***

Tránh sự so sánh

Nhà thiết kế đồ họa và nghệ sĩ Kelli Anderson thừa nhận cô hiếm khi gặp tình trạng này. Một phần vì khả năng đối phó với những cảm xúc trong công việc, một phần khác là từ sự thỏa thuận tiến độ deadline dự án với khách hàng. Tuy nhiên, theo cô, bí quyết để tránh hiện tượng “kiệt sức” chính là: “thói quen xấu là cứ so sánh bản thân với người khác” – một hành động trực tiếp dẫn đến những mục tiêu tùy tiện và phi thực tế.

Thật khó chịu khi sự so sánh khó mà tránh được. “Chúng ta sống trong nền văn hóa mà đâu đâu cũng ngập tràn sự soi mói,” – Rob (chồng của Terri Bogue), đồng tác giả của quyển Extinguish Burnout: A Practical Guide to Prevention and Recovery chia sẻ. Trong cuộc sống thực và trên các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta tiếp xúc với nhiều kiểu bạn bè, người quen lẫn xa lạ. Và đâu đó, những cuộc dã ngoại hoành tráng, công việc đáng ngưỡng mộ, thói quen chăm sóc sức khỏe công phu, bữa ăn gia đình hoặc thậm chí những bức ảnh gia đình hoàn hảo đôi khi được “dàn dựng” công phu.

“Chính vì những thứ như thế đôi khi lại ảnh hưởng đến sự hi vọng của bản thân bạn cũng mong muốn đạt được những gì người khác cho bạn thấy.”

Nhận biết được điều này là bước quan trọng đầu tiên, để quay về với cuộc sống thực tại của bạn (điều đó cũng đồng nghĩa bạn nên giảm thiểu việc sử dụng các phương tiên xã hội đi.)

Tái định hình mối quan hệ về năng suất và thành tích

Cùng với các kiểu so sánh vô tận, cuộc sống hiện đại của chúng ta còn được xây dựng trên khái niệm “năng suất liên tục”. Dù chúng ta đạt được bao nhiêu thành công, đôi khi đều là không đủ.

Đây cũng là yếu tố dẫn đến việc kiệt sức. Nhà phân tích tâm lý học Cohen nói thêm: “Giống như một giọng nói trong đầu bạn luôn phát lên: Bạn cần phải cố gắng hơn nữa, bạn cần phải đạt được nhiều hơn nữa.”

Hầu hết mọi người đều quen thuộc với “cái tôi” của mình – luôn phán xét và phê bình bản thân. Ngược lại, ít có ai hiểu đúng về “lý tưởng bản ngã” (hình ảnh bên trong bản thân mỗi cá thể muốn trở thành) của mình – Cohen tin rằng nó có liên hệ mật thiết đến các cung bậc tinh thần dẫn đến sự kiệt sức.

So sánh với “cái tôi” thì “lý tưởng bản ngã” tích cực hơn. Nó giống như việc huấn luyện viên thể dục thúc đẩy bạn tập nhiều động tác bổ ích hơn. Có thể nói, nó là đồng minh và bạn bè của bạn, nó muốn bạn làm nhiều hơn vì biết bạn có thể làm được nhiều hơn. (Với nhiều người trong chúng ta, đó như giọng nói của một người trưởng thành luôn khuyến khích chúng ta không nên nghĩ rằng mình có giới hạn – bất kì việc gì cũng có thể làm được nếu như chúng ta làm việc đủ chăm chỉ)

“Hỏi bản thân về việc mình thích làm – chứ không phải là nên làm”

Đối với đa số chúng ta, cảm giác liên tục cố gắng đôi khi không bền vững. Duy trì được trạng thái không kiệt sức đòi hỏi sự thấu hiểu, nhìn nhận thực tế và động lực thúc đẩy bên trong – đó đôi khi là cho phép bản thân nghỉ ngơi một chút và không nhìn cuộc sống như thứ cần phải tối ưu hóa.

Những ai sớm nhận ra cảm giác kiệt sức, điều cần làm đầu tiên là nên dừng lại. Rob chia sẻ: một ngày nghỉ phép hoặc một kỳ nghỉ có thể không là phương án lâu dài, “tuy nhiên nó là giây phút cho phép bản thân bạn dừng lại và nghỉ ngơi.” Hãy hỏi bản thân điều mình muốn làm – chứ không phải điều bạn nghĩ mình nên làm. “Và sau đó, hãy thực hiện nó mà không cảm thấy tồi tệ hoặc có lỗi.”

Đánh giá lại kỳ vọng của bản thân

Việc xem xét lại các kỳ vọng cũng tương tự như khía cạnh năng suất. Cohen cho biết có rất nhiều người cảm thấy họ không thể ngừng công việc một giây phút nào vì có quá nhiều yêu cầu từ khách hàng và áp lực về thời gian. Nếu đây là vấn đề bạn đang quan tâm thì hãy nên tính toán lại tình hình làm việc cụ thể của bản thân.

Siobhan Murray, nhà trị liệu tâm lý tại thủ đô Dublin và tác giả của quyển The Burnout Solution khuyên mọi người nên dành thời gian xem xét lại các hoạt động và nghĩa vụ của mình. Cứ 1 lần trong mỗi quý, Murray kiểm tra lại toàn bộ tiến trình công việc hiện tại và xem xét sự thay đổi nào là lớn nhất. Nếu cô cảm thấy quá mệt mỏi, cô sẽ tìm cách giảm stress và thỏa thuận lại vấn đề thời gian.

“Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đánh lừa chúng ta bởi ý nghĩa nó không chỉ có thể làm được mọi thứ mà còn khiến mọi thứ trở nên tuyệt mỹ hơn”

Chẳng hạn như: vài năm trước đây, Murray đã có ý định thành lập một câu lạc bộ sách – nghe có vẻ dễ dàng và thú vị đấy. Nhưng sự thật thì phức tạp hơn nhiều. Người mẹ đơn thân này phải dành thời gian đọc sách, thuê bảo mẫu mỗi khi có cuộc họp trong câu lạc bộ diễn ra. Và thế là sau 6 tháng, kế hoạch của cô thất bại. “Tôi thực sự muốn thực hiện điều đó, nhưng nó không dành cho tôi rồi.” Công việc và những đứa trẻ của cô? – Là ưu tiên. Còn câu lac bộ sách? – Dĩ nhiên là không ưu tiên rồi.

Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đánh lừa chúng ta bởi ý nghĩa nó không chỉ có thể làm được mọi thứ mà còn khiến mọi thứ trở nên tuyệt mỹ hơn. “Chúng ta không thể thành công khi chúng ta có mười dự định và quyết tâm làm được bằng hết.”

Như vậy, các bạn nên bắt đầu bằng việc vẽ ra các ý định mà mình muốn thực hiện, sau đó tách chúng ra theo yếu tố cốt lõi cá nhân hay khát vọng. Sau đó, tính toán thời gian các ý đinh này sẽ khiến bạn tiêu tốn. Nếu như kết quả ra được là “thâm hụt”, vậy thì đấy là lúc bạn cần điều chỉnh kỳ vọng bản thân dựa trên các dự định mong muốn thực hiện.

Dành thời gian để nghỉ ngơi

Để tránh bản thân khỏi kiệt sức, bạn nhất thiết nên dành thời gian nghỉ ngơi thật sự. Điều đó trước tiên bản thân bạn phải chấp nhận. Đồng ý là phần cốt yếu của con người là tham gia, hoạt động và kết nối nhưng “chúng không là thứ duy nhất định hình chúng ta.” – Cohen nói – “Công bằng thì chúng ta nên đối xử với bản thân mình hơn là thế giới ngoài kia.”

Trong những trường hợp này, đơn giản nhất là thiền và yoga có thể giúp chúng ta trở thành những “cỗ máy” hiệu quả hơn.

Murray cũng đề cập đến xu hướng tương tự. Khi xem xét lại công việc cá nhân, cô cũng bao gồm các hoạt động liên quan về sức khỏe – hoạt động có thể giết nhiều thời gian và năng lượng. “Có thể bạn sẽ cảm thấy việc tham gia 3 lớp yoga mỗi tuần vào 5:30 sáng không thực sự hiệu quả, còn việc ngồi trên Youtube 20 phút lại dễ quản lý hơn nhiều.”

Trớ trêu thay, nền công nghiệp sức khỏe đôi khi cũng khiến chúng ta kiệt sức với vô vàn kiểu thuyết phục như nên ăn nhạt đi, tập luyện nhiều hơn v.v. Thay vì theo đuổi một chế độ quá sức với bản thân, chúng ta hãy tìm lịch phù hợp. Có thể là yoga, có thể là chạy bộ, cũng có thể là đi bộ 15-20 phút mỗi ngày. Vì đơn giản là “hãy đi từ những gì cơ bản nhất”.

Viết bởi Laura Entis.  Minh họa bởi The Project Twins
Biên dịch: CiCi Giang | RGB