Nghệ thuật của việc “không làm gì cả”

Trong quyển sách “How to Do Nothing: Resisting the Attention Economy” của  mình, Jenny Odell đã tái định nghĩa #FOMO (Fear of Missing Out: hội chứng sợ bỏ lỡ một điều gì đó) thành #NOMO (No More), sự cần thiết của việc bỏ lỡ.” Cal Newport (tác giả của quyển Digital Minimalism) cũng ủng hộ điều này trong quyển sách của mình “Những người theo chủ nghĩa tối giản không bận tâm những điều nhỏ nhặt, thứ họ bận tâm là bức tranh tổng thể lớn hơn, thứ sẽ tạo nên cuộc sống tốt đẹp của họ.” Việc nói “Không” hoặc từ chối có thể giúp ta tập trung vào những công việc quan trọng và có ích hơn.

***

Khi nào nên nói “Đồng ý”: Hãy thiết lập ra những hướng dẫn để giúp bạn dễ dàng quyết định hơn.

Vậy khi nào nên từ chối? Chúng ta thường đồng ý với gần như mọi thứ vì chúng ta không có một lằn ranh rõ ràng nào để nhận biết rằng mình nên đồng ý hay không. Đề ra các hướng dẫn cho việc khi nào nên đồng ý có thể giúp bạn quyết định tốt hơn, phục vụ cho những ưu tiên của bản thân. Dưới đây là một vài ví dụ về việc khi nào bạn nên “đồng ý”:

#1. Bạn thật sự có thời gian. Đừng chỉ đồng ý vô thức rồi khốn đốn với việc tìm cách cho nó vào thời gian biểu của mình. Hãy nghiền ngẫm lịch trình trước khi phản hồi và đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian.

#2. Bạn thật sự muốn làm nó. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu bạn thực sự muốn làm điều gì đó và có thời gian cho nó, cứ làm đi. Còn nếu không muốn làm, cứ việc từ chối.

#3. Nó phù hợp với sứ mạng và giá trị của bản thân. Nếu bạn không có sứ mạng cụ thể nào cho cuộc sống và công việc của mình, hãy bắt đầu xác định ngay đi. Khi biết được sứ mạng của mình, nó sẽ trở thành kim chỉ nam cho bạn. Nếu một công việc không phù hợp với hướng đi của bạn, có lẽ nên bỏ qua thôi.

#4. Bạn có tài nguyên để làm nó. Một khi biết rằng mình có đủ thời gian, chắc rằng mình muốn làm nó hay không, và cân nhắc nó có phù hợp với sứ mạng và giá trị của mình không, điều quan trọng nhất là xem xét bạn đã đủ nguồn lực để thực hiện nó không (tiền bạc, kỹ năng, mối quan hệ, kiến thức v.v)


Và đây là những lúc bạn nên “từ chối”:

#1. Bạn đang cảm thấy hoặc đã kiệt sức. “Trong tuần này, tôi cảm thấy mệt hơn thường ngày sau khi nhận quá nhiều việc và tham gia các buổi gặp mặt xã hội hơn bình thường. Tôi quyết định nghỉ ngơi và dành ra một ngày để làm việc gì đó khuây khỏa tinh thần.” Hãy chú ý tới sức khỏe của bản thân và những tín hiệu của cơ thể để nghỉ ngơi hợp lý.

#2. Bạn không muốn làm nó. Có một vài công việc và trách nhiệm xã hội mà bạn sẽ thấy khó khăn để né tránh. Tuy nhiên nếu bạn không muốn làm điều gì, bạn có thể từ chối và tìm cách thích hợp để giải thích quyết định của mình.

#3. Nó không có phù hợp với mục tiêu của bạn. Chúng ta chỉ có ít thời gian để vừa làm việc và sống. Nếu bạn biết điều gì là quan trọng với mình, bạn có thể phân biệt cái gì là thừa thải. Xem lại sứ mạng và giá trị của mình trước khi đưa ra quyết định và tự hỏi xem công việc đó có giúp gì cho bản thân hay không.

#4. Bạn không có đủ tài nguyên (mặc dù rất muốn nhận công việc). Đôi khi chúng ta không có đủ thời gian, sức khỏe, tiền bạc, hay những nguồn lực khác để làm một việc gì đó, bất kể ta ham muốn tới đâu. Mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng bạn nên gác nó lại để tích lũy nhiều tài nguyên hơn hoặc chờ đợi một thời khắc tốt hơn.


Tận hưởng khoảnh khắc nghỉ ngơi này

Mục đích của việc nói “đồng ý” hoặc “từ chối” là nhằm giúp chúng ta tích hợp những khoảng lặng và thời gian nghỉ ngơi vào lịch trình công việc và cuộc sống, bất kể là thời điểm nào trong năm. Khi nghĩ về việc nghỉ ngơi, chúng ta thường hình dung ra một kì nghỉ dài giúp chúng ta lấy lại năng lượng. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đạt được điều đó trong nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày của bạn thân.

Trước khi bắt đầu, xin nói rõ: thời gian ngồi trên màn hình máy tính không được gọi là thời gian nghỉ ngơn vì đầu óc bạn vẫn nhận thông tin. Nếu phải định nghĩa, thì thời gian nghỉ ngơi chính là “khoảng thời gian mọi sự sản xuất đều dừng lại đặc biệt là trong quá trình thiết lập hệ thống hoặc sửa chữa.” Tất nhiên, đây là khái niệm liên quan về kỹ thuật, nhưng nó cũng phù hợp với cách hiểu của chúng ta.

Hãy dành ra 15 phút mỗi ngày để luyện tập khoảng lặng cho bản thân. Sử dụng khoảng lặng này để không làm gì cả. Có nhiều cách để bạn làm được việc này: tách biệt mình trên chuyến tàu lửa hoặc khi ngồi trong xe hơi, không nhìn vào bất kì màn hình nào cả khi đang ở hàng chờ, nghỉ ngơi một chút khi làm việc và tản bộ v.v…bất cứ cách nào bạn cảm thấy thuận tiện cho mình nhất.


Không làm gì cả có thể mang lại nhiều ý nghĩa hơn

Nếu chúng ta luôn “đồng ý” với mọi thứ, làm thế nào biết được điều gì là thực sự quan trọng? Nếu ta nhồi nhét mọi thứ một cách vô thức, làm thế nào để biết được mình muốn gì? Nếu không có những khoảng lặng cuộc sống, chúng ta sẽ quên đi tiếng nói của bản thân. Càng khó để hiểu được chính mình và càng khó hơn để biết thực sự chúng ta muốn gì từ công việc lẫn cuộc sống.

Việc không làm gì cả cũng quan trọng như năng suất và sự sáng tạo vậy. Như cách Jenny Odell giải thích, “Chúng ta định nghĩa năng suất là phải làm việc tạo ra một thứ gì đó mới, trong khi đó chúng ta lại không xem việc việc bảo dưỡng và chăm sóc cũng năng suất như vậy.” Thời gian nghỉ thoạt nhìn thì không năng suất như những việc khác, chúng ta cũng cảm thấy nó không năng suất, nhưng nếu chúng ta tích hợp vào cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ nhận thấy một góc nhìn tích cực hơn, làm việc hiệu quả hơn và khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Tác giả: Tina Essmaker | Theo 99u
Minh họa: Mark Brooks
Biên dịch: BB | RGB.vn