Một nghệ sĩ làm thí nghiệm đặt cá vàng vào máy xay sinh tố và yêu cầu du khách bật công tắc. Có người đã bật.

Vào năm 2003, tại Bảo tàng Trapholt ở Đan Mạch, một tác phẩm “nghệ thuật” đồng thời là thí nghiệm tâm lý có tên Helena & El Pascador của nghệ sỹ Marco Evaristti đã khiến nhiều người kinh hãi bởi tính chất tàn bạo của nó. 

Cụ thể, Evaristti đã cho lắp đặt 10 máy xay sinh tố trong đó chứa nước và một con cá vàng còn sống đang bơi lội quanh các lưỡi dao. Khách tham quan đối diện với một lựa chọn đơn giản: nhấn nút “BẬT” và kết liễu đời chú cá bên trong máy xay sinh tố, hoặc không chạm vào nút và để con cá sống.

Theo BBC, “tác phẩm” thách thức tâm lý này có mục đích buộc mọi người phải “chiến đấu với lương tâm của họ”.

“Đây là một cuộc phản đối chống lại những gì đang diễn ra trên thế giới, chống lại chủ nghĩa giễu cợt, sự tàn bạo đang ngấm ngầm trong thế giới mà chúng ta đang sống”, Evaristti chia sẻ. 

Có lẽ nếu những máy xay này là giả hoặc không được cắm điện thì chúng sẽ là một màn trình diễn đầy sức gợi về mặt đạo đức. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn là thật và nút bật công tắc cũng hoạt động.

Trong khi hầu hết mọi người không nhấn nút, ít nhất có một du khách đã bật công tắc và giết chết hai con cá vàng trong chớp nhoáng, khiến nhiều người chứng kiến ngỡ ngàng.

Nhận được nhiều lời phàn nàn về việc máy xay có cắm điện, cảnh sát đã yêu cầu chủ bảo tàng Peter Meyer phải rút điện ngay lập tức. Tuy nhiên Meyer từ chối và bị cảnh sát phạt 2.000 kroner (khoảng 205 đô la Mỹ). Phản đối khoản tiền phạt dưới danh nghĩa “tự do nghệ thuật”, Mayer không trả tiền phạt và đã bị lôi ra tòa vì hành vi tàn ác với động vật.

Thật đáng kinh ngạc, tòa đã tuyên trắng án cho Meyer, sau lời khai của ông giải thích rằng con cá đã chết gần như ngay lập tức, do đó không phải chịu đựng sự đau khổ kéo dài, và đó không phải là hành vi tàn ác. Meyer sau đó thoát khỏi mọi hình phạt, kể cả việc đóng tiền phạt.

Nhiều năm trôi qua, “tác phẩm” này vẫn là một cái nhìn đáng lo ngại về sự tàn bạo của một số con người, khi họ nắm quyền sinh sát trong tay và chẳng cần một lý do hay lời biện minh nào cho hành động tàn ác của mình. 

Năm 2007, Evaristti cũng trở lại với một tác phẩm “nghệ thuật” khiến nhiều người phàn nàn khác: ông tổ chức một bữa tiệc tối với những viên thịt được làm từ mỡ của chính mình.

Ảnh: Evaristti