Yaroslava Yatsuba | Tubik

Nếu muốn thành công trong thiết kế, các tân binh đừng bỏ qua 12 thói quen này

Để có được tấm bằng thiết kế đồ họa thật không phải chuyện dễ. Chúng ta phải trải qua nhiều kiên nhẫn, cần cù và sắp xếp khoa học để đương đầu với vô vàn thử thách, những kỳ thi và deadline trong học tập lẫn công việc.

Hãy cùng tham khảo qua những thói quen tích cực sau đây để có thể tăng gấp đôi năng suất và cải thiện hiệu suất nha.

Minh họa: Freepik

1. Sắp xếp hợp lý

Một việc cực kỳ quan trọng mà sinh viên thiết kế nên học và trân trọng chính là kỹ năng sắp xếp, trong bất cứ tình huống nào. Sắp xếp lịch trình là một ví dụ. Một cuốn lịch đơn giản có thể giúp bạn lên kế hoạch tốt hơn. Hãy điền chi tiết mọi thứ lên đó và theo dõi hàng ngày, hàng tuần hoặc ngay cả trong suốt học kì.

Sử dụng lịch để theo dõi các deadline cũng như quá trình của dự án. Bất cứ thiết bị di động hay máy tính nào cũng được cài đặt lịch cả, và bạn có thể tùy chỉnh thích hợp với bản thân. Bạn cũng có thể tải các ứng dụng theo dõi và nhắc nhở công việc để giúp tận dụng thời gian tối đa.

Nếu không sắp xếp deadline của mình hợp lý, bạn có thể bị tụt lại hoặc bỏ lỡ những việc quan trọng. Sử dụng lịch để liệt kê công việc và deadline để hình dung tốt hơn về thời gian mình cần dành riêng cho mỗi dự án.

Học cách bám sát deadline và đảm bảo không lỡ bất cứ bài tập, dự án nào vì nó phản ánh khả năng đáp ứng kỳ vọng của bạn trong sự nghiệp sau này.

2. Học cách biết ưu tiên

Phân bổ thời gian học và chơi hợp lý cũng là một kỹ năng rất cần thiết, chẳng hạn: thời gian cho các hoạt động xã hội chỉ nên bằng một nửa so với thời gian làm việc dự án của bạn. Bởi vì thiết kế là một lĩnh vực học tập khắc nghiệt nhưng rất đáng giá.

Hãy học cách ưu tiên. Điều này cũng áp dụng cho việc quản lý dự án và môn học. Nếu có thể xác định môn học nào cần thiết hơn, bạn chỉ cần tập trung vào chúng. Mẹo này cũng giúp bạn có thêm thời gian và cải thiện hiệu suất trong lớp.

3. Học cách “quan trọng hóa vấn đề

Thiết kế cần rất nhiều thời gian. Do đó, bạn nên biết rằng dự án và bài tập không thể xong trong một sớm một chiều được. Các dự án thường được đưa ra sớm và cần nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần hay nhiều tháng để hoàn thành, tùy thuộc vào độ khó của chủ đề.

Luyện cho mình khả năng đánh giá thời lượng cần thiết cho mỗi dự án – và lúc nào cũng nên trừ hao dài hơn một chút. Đây là một mẹo quan trọng để bạn hoàn thành dự án tốt hơn. Nếu hoàn thành trước thời hạn, bạn sẽ có thêm thời gian để làm nhiều việc khác, thậm chí kiểm tra lại tiến độ hoặc sản phẩm hoàn thiện của mình

Khi bước chân vào nghề thiết kế, bạn sẽ thấy khả năng này giúp bạn tiết kiệm thời gian một cách đáng kể, cho phép bạn định hướng tốt hơn và hiệu quả công việc cũng cao hơn.

Yaroslava Yatsuba | TUbik

4. Thiết lập các mối quan hệ

Thiết kế có rất nhiều mảng khác nhau. Khi bắt đầu đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng mình cần chuyên gia từ các lĩnh vực khác. Từ bây giờ, bạn nên liên lạc với những đối tác tiềm năng, bạn bè hay những nhà thiết kế khác – những người có thể giúp bạn trong công việc sau này.

Nhớ là hãy thân thiện và kết nối với những người mà sau này có khả năng sẽ chuyên vào những lĩnh vực khác nhau. Thiết lập các mối quan hệ, cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp trong tương lai.

5. Hãy luôn giữ nhiệt huyết và trực giác nhạy bén

Thiết kế là một công việc đòi hỏi tâm huyết, và vì thế có thể khiến bạn nhụt chí. Tuy nhiên, bạn có thể vượt qua các thử thách với ý chí và quyết tâm của bản thân. Đam mê thúc đẩy sáng tạo – mấu chốt quan trọng nhất trong thiết kế.

Luôn tự hỏi bản thân tại sao mình lại chọn con đường này và luôn nhắc nhở bản thân về nó. Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành việc học tối đa nhiệt huyết và thành công trong lĩnh vực của mình.

6. Luôn luôn sáng tạo

Yêu cầu tối cần thiết cho các sinh viên thiết kế là hãy luôn sáng tạo trong suốt sự nghiệp của mình.

Là một nhà thiết kế, khả năng sáng tạo sẽ được phản ánh lên chính tác phẩm của bạn. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy năng lực ấy bị tiêu giảm, đừng nản chí nhé vì sẽ luôn có cách giúp bạn duy trì và cải thiệt khả năng sáng tạo của mình. Hãy luôn nhớ điều này và đừng ngại chấp nhận rằng mình đang cần giúp để tìm cảm hứng và ý tưởng.

Trong giới thiết kế, ý tưởng giống như một đơn vị tiền tệ – không có chúng thì thật gay go. Luôn luôn đưa ra ý tưởng của mình. Đừng vội nản chí nếu như chúng bị từ chối. Thiết kế cũng như thị trường marketing vậy, cứ đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, lưu trữ chúng phòng trường hợp tương lai nếu cần.

7. Hãy là một học trò đầy tham vọng

Học, học nữa, học mãi. Tận dụng tối đa thời gian khi còn là sinh viên. Học từ bạn bè, từ giảng viên. Lấy cảm hứng từ những ý tưởng của đồng nghiệp và ghi nhớ những gì bạn nghe và thấy vào kho lưu trữ của mình, bạn sẽ cần chúng vào những lúc không ngờ nhất đấy. Sử dụng internet, sách vở và cả những tình huống bạn gặp phải. Khám phá và học hỏi. Kinh nghiệm hiện hữu xung quanh bạn, cả thành công lẫn thất bại, hãy học hỏi từ chúng.

Đừng bao giờ ngưng học hỏi cả. Kinh nghiệm chính là người thầy tốt nhất, và chúng ta chỉ thất bại khi ta ngừng học hỏi từ những sai lầm mà thôi.

8. Đầu tư vào portfolio của bản thân

Hãy đầu tư thời gian xây dựng portfolio của mình. Học cách xử lý điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đối chiếu công việc của mình và hiểu tại sao lại chọn chi tiết đó cho portfolio. Việc hiểu được lý do này sẽ giúp bạn lựa chọn chi tiết hợp lý nhất cho portfolio

RGB.vn_12thoiquenthietke_9

9. Cởi mở với lời chỉ trích

Luôn chuẩn bị tinh thần rằng bạn sẽ bị phê bình bởi giảng viên và bạn bè. Sự nhạy cảm không giúp gì cho bạn đâu. Những lời phê bình này giúp bạn lựa chọn tốn hơn và có những ý tưởng chất lượng hơn trong khi hoàn thiện kỹ năng của bản thân.

Một lời phê bình không phải là công kích cá nhân, nhưng là một cách để nói rằng bạn còn có thể phát triển được và bạn có thể làm tốt hơn. Một ý kiến cá nhân về tác phẩm của bạn không phải là dấu chấm hết, hay xác định bạn là một nhà thiết kế tệ hại.

Đừng bảo thủ quá khi nghe góp ý hay phản hồi từ người khác. Hãy cởi mở với những nhận xét về cách bạn có thể cải thiện tác phẩm của mình. Hãy nhớ là bạn có thể học hỏi rất nhiều từ người khác.

Những tác phẩm của bạn không chỉ để hài lòng bản thân, mà còn cả những mong chờ từ người khác nữa, vì thế nó được đòi hỏi phải mang tính hiệu quả và bắt mắt. Đôi khi, ta cần từ bỏ đi góc nhìn cá nhân hoặc bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

10. Nắm bắt xu hướng thiết kế mới nhất

Có những nguyên tắc trong thiết kế đã tồn tại từ lâu nhưng chúng vẫn luôn tồn tại và được sử dụng để tạo ra những tác phẩm hài hòa và cân đối.

Bên cạnh đó, cũng có những xu hướng đã cũ và không còn được áp dụng nữa. Có thể chúng vẫn còn sử dụng được, nhưng trong một thế giới thiết kế trực quan đầy chuyển biến như hiện tại, ai cũng cần phải học hỏi điều mới và làm chủ chúng để tạo ra một phong cách mới và đương đại hơn cho các chi tiết thiết kế trực quan.

11. Tin vào bản thân

Bạn không thể đòi hỏi người khác trân trọng tác phẩm của bạn như bạn được. Cách bạn nhìn bản thân sẽ được phản ánh qua tác phẩm của mình. Nó cũng sẽ ảnh hướng đến hình ảnh của bạn. Nếu bạn không tin chính mình, không tin vào những gì mình làm và thành quả đạt được, bạn chắc chắn sẽ thất bại.

Bạn phải hiểu thời gian và công sức bạn dành cho tác phẩm của mình đáng giá thế nào. Nếu bạn tự tin vào bản thân và những giá trị bạn tạo ra, bạn sẽ chẳng bao giờ bị chùn bước từ những lời phê bình gay gắt.

Thiết kế là một ngành khắc nghiệt và bạn cần phải biết được giá trị của bản thân và học cách trân trọng để mọi người đều nhận ra và trân trọng như vậy.

12. Học cách giữ bình tĩnh

Căng thẳng và lo lắng là những cảm xúc thường thấy đối với những người trong nghề. Nếu như bạn cảm thấy ngột ngạt và không tìm được cảm hứng hay ý tưởng nào cả, hãy nghỉ ngơi và thư giãn một chút. Gạt hết những cảm giác đang đè nặng. Điều này sẽ giúp bạn tịnh tâm cũng như tìm thấy được một góc nhìn mới cho vấn đề.

Hãy lưu ý những mẹo nhỏ này khi còn trên giảng đường và nó sẽ giúp bạn học hành hiệu quả hơn. Bạn sẽ có thêm thời gian để hoàn thành dự án cũng như làm việc hiệu quả hơn, thậm chí là tốt nghiệp loại ưu tú. Với những thành tích này, bạn có nhiều cơ hội để chứng minh bản thân, nổi bật hơn trong đám đông và thành công trong nghề nghiệp sau này.

Nguồn: Visme
Dịch: BB | RGB

Bài viết mang đến bởi FPT-Arena Multimedia, trung tâm thuộc tập đoàn FPT liên kết với tập đoàn đào tạo CNTT toàn cầu Aptech.

Được thành lập vào tháng 7-2004, FPT-Arena là trung tâm đầu tiên đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện và cũng là trung tâm đầu tiên triển khai chương trình AMSP của Arena Ấn Độ tại Việt Nam với các chương trình đào tạo: Graphics Suite, Web & Digital Design, Film Making & Game Design, 3D Animation.

Liên hệ FPT Arena Multimedia tại:
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Instagram | Youtube

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!