nga.wonder – Chia sẻ về quá trình học tập sáng tạo cá nhân, quy trình sáng tạo trong dự án tốt nghiệp Vùng Không Còn & các dự định tương lai..
Tôi có dịp đến tham quan bài tốt nghiệp (tại trường dạy thiết kế đồ họa ngắn hạn) của một học sinh. Tôi có phần ấn tượng về cách bạn đưa ra vấn đề (chủ đề cần thiết kế) và cách bạn sử dụng thiết kế / minh họa để giải quyết nó.
Có lẽ đó, Vùng Không Còn là dự án “nhất” trong lòng tôi kể từ khoảnh khắc ấy. Tôi đã nghiền ngẫm đọc đi, đọc lại những nội dung có bên trong một cách đầy nghĩ ngợi. Một câu chuyện tình cờ khác là tôi đã biết đến tác giả (làm ra dự án) thông qua những kết nối làm Sáng tạo xung quanh Sài Gòn.
nga.wonder: “[Hai mươi tuổi] & sống chậm một xíu, quá trình học sáng tạo trong quá khứ hay luyện tập nhiều kỹ năng liên quan”
Thiên Nga (nga.wonder) – chủ nhân dự án Vùng Không Còn – hiện đang theo học Đại học Fulbright. Cô gái sinh năm 2002, với sự hồn nhiên của tuổi 17 và sự trầm lặng trong quan điểm “taking things slow – sống chậm” hay nổi loạn trong màu sắc. “Mình hay để trên trang cá nhân (bio) là ‘[tuổi của mình] and taking things slow’, hiện giờ là ‘twenty and taking things slow’. Vì đối với mình, ở mỗi độ tuổi mình sẽ có những định nghĩa nhất định về bản thân, nhưng việc sống chậm mà chắc, trân trọng từng bước phát triển của bản thân là điều sẽ không bao giờ thay đổi.”
Nga thổ lộ việc học liên quan đến Thiết kế sáng tạo được bắt đầu từ Sáng tạo, “mình học sáng tạo trước, sau đó là minh họa & thiết kế”. Câu chuyện được bắt đầu từ lần đầu tiên cô tiếp xúc Sáng tạo năm 2010, một lần với việc vẽ bullet journal (tạm dịch: sổ tay vẽ sáng tạo về kế hoạch, dự định), tiếp sau, cô đăng lớp Art năm 11.
“Cô mình phát hiện mình vẽ khá tốt nên đã cho mình vào học lớp AP Art: Drawing Studio. Và đó là lần đầu tiên mình ‘dựng concept’ cho 08 bức vẽ hoàn thành trong 01 năm học đó. Và một điều thú vị là mình đã làm một bộ tranh hoàn chỉnh nói về cách chúng ta nhìn cuộc sống, từ bé tới lớn.
Mình cảm thấy góc nhìn của mình về cuộc sống của mình khác đi lúc đó, mình bắt đầu nghĩ sâu sắc hơn về những thứ mình thấy ở xung quanh. Từ năm 12 đến năm 03 đại học, mình tiếp tục thử nghiệm với nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Lớp 12 mình vẽ tay, đầu đại học năm nhất mình vẽ digital (kỹ thuật số), năm nhất đại học mình kết hợp cùng với một photographer (người chụp hình) để lên concept cho 02 bộ ảnh và vẽ minh hoạ cho chúng.”
Đó là sự khởi đầu Sáng tạo mà Nga chia sẻ. Còn việc thiết kế đồ họa được rèn luyện vào hèn năm 02 Đại học. Cô quyết định đăng ký khóa học dài hạn ở DPICenter, “mình gánh 02 trường 01 lúc!”. Nhờ vậy, cô có góc nhìn đa dạng để thể hiện hình ảnh sáng tạo qua thiết kế. “Mình học thiết kế đồ họa từ việc lắng nghe lý thuyết, thực hành. Rồi phá bỏ nó, sử dụng trải nghiệm cá nhân, & bứt phá khởi giới hạn của bản thân..”
Thông tin khác mà Nga chia sẻ thêm, ngoài 02 thứ chính cô học được như Vẽ minh họa và Thiết kế đồ họa. Cô còn học hỏi (trải nghiệm) nhiều những kỹ năng khác liên quan đến Nghệ thuật có thể kể đến: vẽ đa chất liệu (vẽ tay màu nước, vẽ kỹ thuật số..), kỹ năng concept creator (tạm dịch: người sáng tạo trong cách thể hiện hình ảnh), một người thực hành nghiên cứu – researcher (ở Fulbright), lập trình..
Vùng Không Còn: Dịp để nghĩ về gia đình, lớn hơn là chiêm nghiệm về bản thân – mọi người xung quanh
Với dự án Vùng Không Còn, Nga bộc bạch: “Dự án là một ‘hệ sinh thái’ chứa ‘cái tôi’ của mình. Một mặt mình xây dựng nó dựa trên những trải nghiệm cá nhân của một con bé 20 tuổi đầu. Một mặt mình xây dựng nó vì mình quan tâm đến gia đình của mình và những người cũng đã mất đi người thân giống mình.”
Vùng Không Còn được mô tả là một vùng đất của những linh hồn đã khuất, nhưng cũng là nơi mà những tái kết nối giữa người sống và người chết được diễn ra. ‘Hệ sinh thái’ này được thiết kế để người tham gia đi từ việc bước vào thế giới đó (Cổng Thực tại), đến việc ký gửi thân xác của mình để linh hồn được tiến vào gặp người thân của mình (Ngỏ Ký gửi), và quan trọng nhất là những ‘trạm dừng’ dành riêng cho sự kết nối của người tham gia và linh hồn người thân của họ (Quảng trường Gặp gỡ và Đỉnh Vẹn toàn).
“Dự án này mình dành toàn tâm, toàn ý dành tặng cho người bà và người ông đã mất của mình, bà mình mất năm mình 03 tuổi và ông mình mất khi mình chưa chào đời. Ở một độ tuổi đầy hoài bão, phải xông pha ở cuộc sống, mình đã tự ngồi hỏi bản thân: Liệu có bao giờ mình sống chậm một tí, để nhận ra người thân của mình đang nghĩ gì về mình? Đặc biệt là người ông, người bà đã nghĩ gì về mình trong quá khứ?
Chính câu chuyện của bản thân, mình được hòa mình vào những khu vực ở Vùng Không Còn. Cổng Thực tại là một cánh cửa ‘thoát hiểm’ mà mình nghĩ những người như mình đang cần ở lúc này, để trân trọng cuộc sống hơn và từ đó bước vào Ngõ Ký gửi để tạm rời xa những lo âu trên thân xác vô thường của loài người.
Bước vào Quảng trường Gặp gỡ để check-in vào một vùng đất không phải của ta, để biết rằng rồi ta phải quay lại vùng đất của những lo âu, bận rộn, nhưng ta sẽ quay lại với một trái tim biết yêu thương hơn.
Rồi ở Đỉnh Vẹn toàn, ta cùng người thân của mình tiến vào những ‘trò chơi’ tưởng chừng không thể khiến trái tim mở lòng. Nhưng, tình cảm gia đình là vĩnh viễn và luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Đó cũng là câu chuyện thật nhất và sâu sắc nhất mà mình mong muốn đem đến Vùng Không Còn.” nga.wonder kể lại
Quy trình sáng tạo dựa trên những bước có thể kể đến: (1) Tìm nhiều ý tưởng trong chủ đề lớn, sử dụng phương pháp Research để tìm hiểu và nghiên cứu ý tưởng. (2) Thu thập, định hình ý tưởng từ những gì đã nghiên cứu trước đó, để bắt đầu vào phần chi tiết. (3) Xây dựng concept / moodboard – những phong cách, cách để thể hiện (4) Bắt đầu phác thảo, thiết kế / minh họa chi tiết (5) Thử nghiệm cho nhiều bản và kết thúc dự án
Chi tiết hơn, Nga có giải thích thêm: “(1) Mình sẽ bắt đầu với những ý tưởng mình nghĩ đến khi đang sinh hoạt hằng ngày, và sẽ có một ý tưởng thôi thúc mình phải viết xuống. Sau đó sẽ đến những câu hỏi: ‘Nếu được trò chuyện với người thân đã mất của mình thì sao nhỉ?’. Và nó dẫn đến ‘Một thế giới toàn là linh hồn có thật không nhỉ?’ chẳng hạn. Từ những câu hỏi này mình sẽ mindmap (tạm dịch: tạo kết nối bằng sơ đồ) ra mình có thể làm những gì để trả lời những câu hỏi này và làm cho mọi người đồng cảm với câu trả lời của mình.
(2) Sau đó mình sẽ đi sâu hơn vào những chi tiết của dự án, viết ra rất nhiều những nội dung cần, và những trải nghiệm mà người xem sẽ trải qua khi xem dự án của mình. Với Vùng Không Còn, mình đã xây dựng những khu vực ở bước này.
(3) Xác định hình ảnh của dự án dựa trên target audience (tạm dịch: đối tượng hướng tới) mà mình đang nhắm tới, những cảm xúc mà mình muốn mang lại và dựa trên cả phong cách cá nhân của mình. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng moodboard (tạm dịch: bảng gợi cảm xúc trước khi thiết kế) và xác định những hạng mục thiết kế cần hoàn thành.
(4) & (5) Làm việc với 1000 bản sketch (phác thảo) và chốt một hình ảnh hoàn chỉnh để những thiết kế còn lại có thể follow (đi theo) hình ảnh ấy. Trộn mọi thứ lại là hoàn thành những mục tiêu mình đã đặt ra.”
Phần nghiên cứu (Research), Nga kể với tôi với đầy sự chân thành, “thật ra mình đã nghiên cứu rất nhiều về tháng Cô Hồn, nhưng chưa có sử dụng nó”. Bên cạnh đó, cô cũng xem những bộ phim liên quan về chủ đề vùng đất linh hồn: Soul, Coco và Mirror.
Gần cuối buổi trò chuyện, tôi dành ra nhiều câu hỏi có vẻ ‘thử thách’ với Nga: Tại sao bạn lại chọn cách thực hiện là Vẽ minh họa (sở trường bạn vốn có) mà không phải là Thiết kế đồ họa như khóa học đang dạy?
Mình cũng hay thúc đẩy bản thân làm nhiều design (thiết kế) mang tính graphic (đồ họa) hơn là illustration (vẽ minh họa). Nhưng cuối cùng, với một dự án dài hạn và khá to bự này, mình đã chọn thứ mà mình cảm thấy thoải mái để làm nhất – vẽ minh hoạ. Mình mong là sau này mình sẽ cảm thấy thoải mái với việc cầm chuột nhiều hơn cầm bút, chắc là không xa đâu!
Sau tất cả, Vùng Không Còn là gì?
Sau tất cả, Vùng Không Còn là lời nhắc nhở từ mình đến mọi người đó: “Hãy về thăm gia đình nhé mọi người.” À, và nó cũng là món quà mình tặng cho ông ngoại và bà nội của mình, cũng như người cô cấp 2 của mình mới mất đây không lâu.
Kết thúc dự án, cảm xúc của bạn là gì?
Thú thật là sau khi dựng xong mô hình Vùng Không Còn và chạy tới chạy lui quá nhiều trong 3 tháng thì mình hơi kiệt sức, nên vừa xong dự án mình không hào hứng với việc đi “khoe” thành quả của mình lắm. Nhưng mà một tháng trở lại đây, mình bắt đầu ngẫm nghĩ lại dự án của mình hơn, và cảm thấy yêu nó rất nhiều vì Vùng Không Còn cho mình cơ hội để tái kết nối với người thân của mình. mình cảm thấy tự hào, và xúc động trước dự án mà chính mình làm ra, không biết các bạn xem dự án của mình thì thế nào nữa..
Tính ứng dụng của dự án Vùng Không Còn?
Ai biết được một ngày nhân loại tìm ra cách đi thăm vùng đất của linh hồn, và họ sẽ phải mượn dự án của mình để xây dựng lên các khu vực như thế để chúng ta gặp lại người thân đã mất của mình.
Nga có chia sẻ về việc gap year (nghỉ xả hơi 01 năm) để có nhiều thời gian dành cho gia đình, bản thân, cân bằng giữa cuộc sống và tinh thần. Sau đó, cô sẽ bắt đầu lựa chọn chuyên ngành học tại Đại học Fulbright. “Mình đang dự định học thêm về 3D và animation (hoạt hình). Sau gap (nghỉ ngơi) mình sẽ quay lại đại học chăm chỉ hết nấc, có thể là về Art & Computer Science. Mình đang nghĩ vậy, mình chưa biết, có thể tháng 09/2023 mình sẽ thay đổi.” Nga hài hước.
Bạn có thể xem thêm dự án của @nga.wonder tại đây!
Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nga.wonder
Để lại đánh giá