Sử dụng hàng chục và đôi khi cả hơn trăm tờ giấy, nghệ sĩ Ayumi Shibata đến từ đất nước mặt trời mọc đã xây dựng nên những khu rừng và cảnh quan thành phố phức tạp với độ chi tiết cực kỳ cao. Khi được chiếu sáng, các lớp giấy trắng lấp lánh với độ sâu đầy chất điện ảnh.
Giấy không chỉ là vật liệu tiện dụng, rẻ tiền mà còn mang ý nghĩa sâu sắc đối với người nghệ sĩ. Trong tiếng Nhật, từ “kami” có nghĩa là “thần” hoặc “tinh thần” cũng như “giấy”. Khác với nhiều người, Shibata không bị làm khó bởi độ trắng của một tờ giấy mới. Thay vào đó, cô nhìn thấy những khả năng vô tận.
Mỗi lớp giấy được cắt tỉa một cách hoàn toàn tự do mà không cần sử dụng bất kỳ loại bút chì nào. Tất cả những gì người nghệ sĩ này cần để bắt đầu là hình ảnh tinh thần của bối cảnh điêu khắc. “Tôi sử dụng kỹ thuật của mình để bày tỏ lòng biết ơn đối với ‘Kami’ vì đã được sinh ra trong cuộc đời này. Tôi nghĩ rằng thông qua việc cắt giấy, tôi đã thanh lọc được tâm trí và tâm hồn mình.”
Đối với Shibata, quá trình tạo ra tác phẩm nghệ thuật cũng quan trọng như kết quả cuối cùng. “Giấy trắng thể hiện khí dương, ánh sáng,” cô giải thích. “Và quá trình cắt thể hiện khí âm, hay bóng tối.” Bằng cách này, Shibata coi việc thực hành nghệ thuật của mình là một cách để thổi sức sống mới vào từng tác phẩm nghệ thuật.
Shibata tỉ mỉ trong các tác phẩm điêu khắc giấy của mình đến mức cô ấy thêm vào nhiều chi tiết mà người xem không thể thấy được — nhằm tôn vinh câu nói nổi tiếng của Nhật Bản “thần mặt trời đang dõi theo bạn”.
Người nghệ sĩ hy vọng rằng thế giới giấy của mình sẽ là nơi mọi người có thể giao tiếp và cùng tồn tại với ‘Kami’. “Các tác phẩm của tôi thể hiện mong muốn chúng ta có thể cùng tồn tại với lòng biết ơn và trân trọng cho vạn vật cũng như thiên nhiên đã duy trì cuộc sống của chúng ta.”
RGB tổng hợp
Ảnh: Ayumi Shibata
Để lại đánh giá