Tranh cãi đằng sau bức “Những cô nàng ở Avignon” của Pablo Picasso

Những cô nàng vùng Avignon (Les Demoiselles d’Avignon – 1907) là một ví dụ điển hình về khả năng bậc thầy của Pablo Picasso trong trường phái lập thể. Tác phẩm nghệ thuật này đã gây náo động khi được trưng bày trước đại chúng, bởi lối mô tả những phụ nữ khỏa thân theo cách phi truyền thống. Những phụ nữ trong tranh có vẻ ngoài góc cạnh, không nữ tính và cũng chẳng có vẻ e thẹn khi đang khoả thân. Với tác phẩm này, Picasso muốn khẳng định mình là một trong những họa sĩ vĩ đại tại thời điểm đó và sự thật đã chứng minh rằng ông đã đạt được mục tiêu ấy. Singulart sẽ phân tích sự sáng tạo của Picasso trong Trường phái lập thể, bố cục của Những cô nàng vùng Avignon và lý do vì sao bức họa vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc tranh luận và phản ứng cho đến tận ngày nay.

Tác phẩm Les Demoiselles d’Avignon (Tạm dịch: Những cô nàng vùng Avignon),
Pablo Picasso, 1907

• • •

Picasso thăng hoa cùng Trường phái Lập thể

Tuy Picasso được biết đến nhiều nhất với phong cách lập thể, nhưng ông lại bắt đầu sự nghiệp hội họa mình với phong cách tân nghệ thuật – art nouveau và chủ nghĩa tượng trưng – symbolism. Tại Barcelona, Picasso thường xuyên lui tới quán cà phê Els Quatre Gats, gặp gỡ các nghệ sĩ như Henri Toulouse-Lautrec và Edvard Munch. Những nghệ sĩ này cùng với người bạn thân Jaime Sabartés đã đưa Picasso đến với phong trào avant-garde, điều đó đã truyền rất nhiều cảm hứng cho các tác phẩm của ông.

Cái chết của người bạn thân vào năm 1901 đã truyền cảm hứng cho thời kỳ màu xanh lam của Picasso và khi đó, ông đã cho ra đời các tác phẩm, như bức Nhạc công guitar già (The Old Guitarist – 1903). Năm 1904, ông chuyển sang thời kỳ sắc hồng bằng việc sử dụng một bảng màu sáng hơn, chủ yếu là màu đỏ và hồng. Thời kỳ sắc hồng này đã được đón nhận nồng nhiệt (đặc biệt so với thời kỳ màu xanh, khi không thu hút nhiều người mua) và ông nhanh chóng nhận được sự bảo trợ từ một số khách hàng giàu có.

Tác phẩm The Old Guitarist (Tạm dịch: Nhạc công Guitar già), Pablo Picasso, 1903

Vào năm 1907, sau khi Picasso tham gia một phòng trưng bày do nhà buôn nghệ thuật Daniel-Henry Kahnweiler mở, ông bắt đầu thử nghiệm các ảnh hưởng của phong cách Châu Phi trong sáng tác của mình. Những cô nàng vùng Avignon được lấy cảm hứng từ nghệ thuật Iberia và có thể nhìn thấy những ảnh hưởng Phi Châu ở mặt nạ của các nhân vật góc phải bức tranh. Picasso đã bắt đầu thể hiện bước đầu hình thành Trường phái Lập thể thông qua các hình thể sắc lẹm, góc cạnh cùng màu đơn sắc và Những cô nàng vùng Avignon được coi là tác phẩm tiên phong của loại hình nghệ thuật lập thể. *

Picasso tiếp tục thử nghiệm Trường phái Lập thể cùng với nghệ sĩ lập thể Georges Braques. Ông mô tả bản thân và Braques là “hai người leo núi, dây nối với nhau”, vừa là đồng đội vừa là đối thủ cạnh tranh. Họ cùng nhau tiên phong trong kỹ thuật lập thể phân tích, tách các vật thể ra và phân tích hình dạng. Các nghệ sĩ theo Trường phái Lập thể từ chối phối cảnh và không khắc họa các đối tượng theo cách chân thực.

Phong trào này càng đậm chất hơn khi Picasso và Braques bắt đầu đưa các yếu tố khác vào tác phẩm của họ, cái được gọi là chủ nghĩa lập thể tổng hợp. Hai nghệ sĩ đã kết hợp các vật liệu như giấy báo và giấy dán tường vào các tác phẩm và gọi đó là Cắt dán giấy (papier-colle).

Tác phẩm cắt dán giấy Fruit Dish and Glass (Tạm dịch: Đĩa hoa quả và Cốc), Georges Braque, 1912

Mặc dù Trường phái lập thể dần mờ nhạt vào năm 1918 do ảnh hưởng ngày càng tăng của phong trào chủ nghĩa siêu thực, nhưng đã có một sự hồi sinh vào những năm 1920. Trường phái này đã mở đường cho các phong trào quan trọng khác như Nghệ thuật Trang trí (Art Deco) và Chủ nghĩa tối giản (Minimalism).

• • •

Những cô nàng ở Avignon được truyền cảm hứng từ khát vọng của Picasso trong việc thay thế vị trí trung tâm của nghệ thuật hiện đại của Henri Matisse. Khi Matisse trưng bày Niềm vui cuộc sống (Le Bonheur de Vivre – 1906) tại Một buổi trưng bày tuyển tập tác phẩm của Cézanne năm 1907, tác phẩm này đã được báo trước là một trong những kiệt tác của nghệ thuật hiện đại và nhanh chóng được nhà sưu tập nhiệt thành tên Gertrude Stein giành quyền sở hữu. Bản năng cạnh tranh của Picasso đã truyền cảm hứng cho ông tạo ra Những cô nàng vùng Avignon, tác phẩm mà ông hy vọng sẽ gây ra nhiều tranh cãi hơn cả Niềm vui cuộc sống.

Những cô nàng vùng Avignon dường như đối lập hoàn toàn với những dáng hài ủ ê la lướt, uyển chuyển của Niềm vui cuộc sống. Chúng ta có thể thấy trong bức tranh này là năm phụ nữ, là gái mại dâm từ một nhà thổ trên đường Carrer d’Avinyó ở Barcelona, ​​đang hung hăng nhìn chằm chằm người xem. Ba trong số những người phụ nữ có khuôn mặt giống người, trong khi hai nhân vật bên trái (?) có khuôn mặt như lấy cảm hứng từ mặt nạ thổ dân châu Phi.

Tác phẩm Le Bonheur de Vivre (Tạm dịch: Niềm vui Cuộc sống), Henri Matisse, 1906

Các chiều trong tranh bị san phẳng, từ bỏ phong cách vẽ tranh ba chiều truyền thống của thời kỳ Phục hưng. Picasso đã phá vỡ ảo giác ba chiều theo đúng nghĩa đen, khi những người phụ nữ trông góc cạnh và xiên vẹo. Ví dụ, người phụ nữ bên trái bức tranh có một bên chân như thể được vẽ khi nhìn từ nhiều góc độ. Bởi vì các mặt phẳng của tác phẩm nghệ thuật được làm phẳng, hầu như không thể phân biệt chân của cô ấy với nền phía sau, gần như hòa trộn các hình thể với màu sắc xung quanh.

Picasso đã vẽ những người phụ nữ này theo một phong cách bắt mắt. Đứng từ độ cao hơn 2,1m, họ nhìn chằm chằm vào người xem một cách thoải mái, không chút xấu hổ về sự lõa lồ của bản thân. Ban đầu, Picasso vốn định vẽ một nam sinh viên y khoa bước vào nhà chứa thay vì người phụ nữ bên góc trái, nhưng sau đó, ông chỉ vẽ phụ nữ trong tác phẩm này. Có ý kiến ​​cho rằng, bằng cách loại bỏ sự hiện diện của nam giới khỏi tác phẩm nghệ thuật, người xem trở thành ‘khách hàng’ của những người phụ nữ này; họ không còn bị giới hạn trong việc chú ý đến nam giới trong bức tranh nữa.

• • •

Điều gì khiến Những cô nàng vùng Avignon có sức ảnh hưởng lớn đến vậy?

Khi Những cô nàng vùng Avignon lần đầu tiên được trưng bày vào tháng 7 năm 1916, nó đã gây sốc cũng như khiến khán giả phẫn nộ với sự miêu tả trần trụi về cảnh phụ nữ khỏa thân. Một bài đánh giá đăng trên Le Cri de Paris đã mô tả như sau: “Những người theo Trường phái Lập thể không chờ đợi chiến tranh kết thúc để khơi mào những hành động thù địch chống lại ý thức tốt. Họ đang trưng bày những người phụ nữ khỏa thân với các phần thân thể được thể hiện rải rác ở cả bốn góc của bức tranh: đây là mắt, ở đây là tai, ở kia là tay, ở trên là bàn chân, ở dưới là miệng… tại Galerie Poiret. Và Picasso, nhà lãnh đạo của họ, có lẽ là người đáng thất vọng nhất trong số đó. Ông ta đã vẽ, hay đúng hơn là bôi trát, năm người phụ nữ, nếu như lời đồn đại là sự thật, với thân thể bị phanh bày, nhưng bằng cách nào đó tay chân vẫn còn trụ vững. Hơn nữa, họ có những khuôn mặt bẩn dơ với đôi mắt lơ đễnh đeo trên gương mặt”.

Chi tiết trong tác phẩm Những cô nàng vùng Avignon

Như học giả nghiên cứu Picasso là Janie Cohen đã nói, “Những người phụ nữ này đang nhìn thẳng vào chúng ta và đó là thứ gây phẫn nộ. Nó khiến người ta kinh hãi, khiến họ tức giận”. Ngay cả trong những năm gần đây, tác phẩm đã vấp phải tranh cãi do được cho là đã thể hiện sự kỳ thị nữ giới của Picasso, vì đã vẽ những người phụ nữ này chỉ để phục vụ mục đích ngắm nhìn của nam giới.

Vẽ “những người phụ nữ của bóng đêm” vốn đã là một chủ đề cấm kỵ, nhưng Picasso đã đưa điều cấm kỵ lên cực điểm với những cô gái điếm khỏa thân không chút e thẹn. Ngay cả bạn bè và các nghệ sĩ đồng nghiệp của Picasso cũng bị tác động bởi tác phẩm; Matisse gọi bức tranh là “gớm ghiếc” và những người khác cho rằng đó là một trò đùa thô tục. Tuy nhiên, Daniel-Henry Kahnweller, nhà kinh doanh nghệ thuật của Picasso thì ủng hộ và đã viết vào năm 1920 rằng:

Đầu năm 1907, Picasso bắt đầu vẽ một bức tranh lớn mô tả phụ nữ, trái cây và tấm rèm rủ mà ông đã bỏ dở giữa trừng… Những dáng hình lõa lồ, với đôi mắt to vô cảm, đứng cứng nhắc, giống như những con ma-nơ-canh. Cơ thể cứng và tròn của họ mang màu da thịt, lẫn đen cùng trắng. Đó là phong cách của năm 1906. Tuy nhiên, ở tiền cảnh, khác biệt với phần còn lại của bức tranh, xuất hiện một hình người cúi gằm và một bát đựng trái cây. Các vật mẫu này được vẽ một cách góc cạnh, không tròn trịa như quy tắc Chiaroscuro. Màu sắc là sự kết hợp giữa xanh lam dịu dàng, vàng nhạt, màu đen và trắng tinh khiết. Đây là sự khởi đầu của Trường phái Lập thể, sự trỗi dậy đầu tiên, một cuộc đụng độ gay gắt với tất cả các vấn đề cùng một lúc. ”

Bài luận về tác phẩm Những cô nàng vùng Avignon trong cuốn Picasso dans le Musée, Barcelone (Tạm dịch: Picasso trong Bảo tàng, Barcelona), NXB Dosde

Những cô nàng vùng Avignon vẫn còn gây sốc và gây nhiều ý kiến trái chiều cho đến tận ngày nay như  khi được ra mắt vào năm 1916. Như Jonathon Jones đã viết cho The Guardian, “Các tác phẩm nghệ thuật cuối cùng cũng sẽ trở nên đáng kính. Nhưng, 100 năm trôi qua, tác phẩm của Picasso vẫn còn quá mới, quá rắc rối, và sẽ là một sự xúc phạm nếu gọi đây là một kiệt tác”.

Bài viết gốc The Controversy Behind Les Demoiselles d’Avignon by Pablo Picasso
Bởi SINGULART MAGAZINE

Lược dịch bởi Artplas