Nhật Bản phát triển trò chơi điện tử giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp

Hai trường Đại học Y khoa Tohoku và Sendai Broadcasting của Nhật Bản mới đây đã cùng nhau phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh tên là Meteor Blaster cho phép bạn kiểm tra trạng thái thị giác của mình trong thời gian ngắn nhằm mục đích phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp.

Được thiết kế như một trò chơi bắn súng di động hoàn toàn miễn phí, Meteor Blaster có khả năng xác định các dấu hiệu ban đầu của bệnh tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp hiện đang là nguyên nhân gây mù lòa số một ở Nhật Bản. Lý do là ở giai đoạn đầu của bệnh, hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng cho đến khi cảm thấy thị lực bất thường và đến bệnh viện khám thì tình trạng bệnh đã trở nặng.

Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đã cùng nhau hợp tác tạo ra một cách đơn giản hơn để phát hiện các vấn đề về thị lực sớm và nhanh chóng mà không cần phải đến gặp bác sĩ. Chỉ trong năm phút, người chơi Meteor Blaster sẽ có thể tìm hiểu xem họ có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hay không.

Gameplay của trò chơi khá đơn giản, người chơi chỉ việc cho nổ các thiên thạch đang lao tới bằng một khẩu pháo laser ở trung tâm, đồng thời bắt các chấm trắng trên mặt màn hình. Vì đây vẫn là một bài kiểm tra thị lực, người dùng được khuyến khích giữ điện thoại thông minh của họ ở khoảng cách là 30cm.

Trò chơi đánh giá phản ứng của người chơi đối với các vật thể trong vòng năm phút, sau đó trình bày một báo cáo gồm 16 phần với điểm đánh giá được xếp hạng từ 1 đến 5. 1 là điểm số hoàn hảo, còn nếu người chơi bị chấm 5 điểm thì được khuyến khích tham khảo ý kiến ​​chuyên gia, tờ SoraNews24 đưa tin.

Trò chơi đồng thời là bảng đánh giá ngắn hạn súc tích này đã được cấp bằng sáng chế vào tháng 7 năm ngoái, có thể mang lại những tác động tích cực đến việc chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp.

Giáo sư Toru Nakazawa, một trong những nhà phát triển trò chơi, nói rằng ước tính có khoảng 4,65 triệu người ở Nhật Bản bị bệnh tăng nhãn áp, “nhưng khoảng 90% lại không đến bệnh viện.” Một bài kiểm tra mắt nhanh chóng tại nhà có thể giúp chẩn đoán sớm căn bệnh gây nên chứng mù loà vĩnh viễn này.