Những điều cơ bản về bản quyền sản phẩm / tác phẩm

Hổm rài báo chí cứ rần rần những chuyện liên quan tới cái vấn đề bản quyền – vấn đề vô cùng nhức nhối và ngứa ngáy đặc biệt là ở Việt Nam. RGB và các designer cũng rất quan tâm đến chủ đề nóng này cũng như không ít lần vướng phải những khúc mắc về bản quyền cho các sản phẩm sáng tạo của mình. Thiết nghĩ bản thân cũng mang tiếng là làm thiết kế nên quyết định dành ra mấy ngày trời lục lọi những tài liệu có liên quan tới bản quyền trên mạng cũng như tài liệu sách vở và từ các buổi talkshow xoay quanh vấn đề này. Đây là một bài viết, tài liệu chia sẻ những điều cơ bản nhất về bản quyền mà đối tượng tập trung chính là những Designer/Artist vẫn còn ngờ ngợ, a-ma-tơ về nó, điều mà ở các trường học/trung tâm dạy thiết kế đồ hoạ không hề dạy bạn mà đáng ra phải được phổ cập từ lúc sinh viên bắt đầu bước vào ngành. Đọc để hiểu, hiểu để biết bảo vệ bản thân, bảo vệ những sản phẩm/tác phẩm sáng tạo của mình, để biết tôn trọng công sức của người khác vì đây không chỉ là vấn đề liên quan đến luật pháp mà đây còn là đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp của một người làm sáng tạo/người nghệ sĩ

Những người làm sáng tạo nói chung, những designer/artist nói riêng phải đấu tranh với nạn bản quyền mỗi ngày

Tác phẩm của tác giả June Vi

I. Bản quyền là gì?

Bản quyền (copyright) là sự độc quyền kiểm soát tái bản và khai thác thương mại trong lĩnh vực sáng tạo có hiệu lực tại thời điểm sản phẩm được tạo ra. Bản quyền là hình thức bảo vệ được cung cấp cho các tác phẩm gốc có tác giả, bao gồm các tác phẩm văn học, kịch, nhạc, đồ họa và các sản phẩm nghe nhìn. “Bản quyền” nghĩa đen là quyền được sao chép, nhưng nghĩa rộng là phần chính của các quyền độc quyền theo luật pháp được cấp cho chủ bản quyền để bảo vệ tác phẩm của mình. Bảo vệ bản quyền nghĩa là chủ bản quyền có thể kiểm soát việc sử dụng nhất định đối với tác phẩm của mình. Quan trọng nhất là biện pháp bảo vệ này cung cấp cho chủ bản quyền quyền kiểm soát việc sao chép nội dung của họ, điều chỉnh và truyền tải nội dung. Việc tải lên và chia sẻ nội dung qua Internet hàm ý nhiều quyền độc quyền của chủ bản quyền. Bản chất độc quyền của bản quyền nghĩa là chỉ chủ bản quyền mới có thể quyết định ai tham gia vào những hoạt động liên quan đến nội dung của họ bao gồm các sản phẩm:

  1. Tác phẩm nghe nhìn
  2. Bản ghi âm thanh và bản nhạc
  3. Tác phẩm viết
  4. Tác phẩm hình ảnh
  5. Trò chơi video và phần mềm máy tính
  6. Tác phẩm kịch

Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, các nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

II. Nếu tôi được thuê và được trả tiền để làm? (work made for hire)

Trên thực tế, tất cả các sản phẩm do người sáng tạo tạo ra sẽ mặc định thuộc quyền sở hữu của người đó theo luật bản quyền. Nếu bạn được thuê và được trả tiền để tạo ra sản phẩm thì mặc định sản phẩm đó sẽ thuộc quyền sở hữu của người sử dụng lao động. Điều này áp dụng rõ ràng nhất là khi bạn làm việc toàn thời gian (full time) cho một công ty, một doanh nghiệp (điều này luôn được ghi rõ ràng trong hợp đồng lao động/hợp đồng bảo mật thông tin). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thương lượng với người sử dụng lao động về vấn đề sở hữu sản phẩm/tác phẩm, quyền tác giả (xem thêm tại mục IV)

Chân dung đạo diễn Bùi Thạc Chuyên do Nhựt Nguyễn vẽ cho tạp chí Đẹp

III. Vậy nếu có người muốn sử dụng sản phẩm/tác phẩm sáng tạo của tôi cho mục đích cá nhân thì sao?

Bạn hoàn toàn có thể chuyển nhượng quyền tác giả (vô thời hạn hoặc có thời hạn) hoặc cung cấp hạng mục sử dụng tác phẩm cho người muốn sử dụng sản phẩm/tác phẩm sáng tạo. Ở vai trò là một Designer, có 3 hạng mục cơ bản mà bạn có thể cấp quyền cho họ là:

  • Tái bản (reproduce), phát hành lại sản phẩm/tác phẩm
  • Sử dụng hiển thị (display) trên các phương tiện truyền thông, báo chí, in ấn, truyền hình, internet,…
  • Sửa chữa, cập nhật (derivative works) dựa trên bản gốc của sản phẩm/tác phẩm

IV. Những điều cần chú ý khi chuyển nhượng quyền tác giả

Khi khách hàng bỏ tiền để thuê bạn làm việc cho họ và họ sẽ muốn toàn quyền sở hữu sản phẩm/tác phẩm của bạn. Chính vì vậy, hay thật cân nhắc về vấn đề thời hạn và mục đích sử dụng sản phẩm/tác phẩm. Ví dụ: Bạn được thuê để vẽ minh hoạ cho một tạp chí hàng tuần, mức giá của bạn đưa ra là cố định và được tính cho một lần sử dụng. Mặc dù mọi điều khoản trong hợp đồng đều rõ ràng, 2 bên đều có lợi, bạn đồng ý kí chuyển nhượng quyền sử dụng tác phẩm cho họ nhưng trên thực tế có một yếu tố bạn vô tình bỏ qua đó chính là số lần sử dụng tác phẩm.  Với quyền sở hữu sản phẩm/tác phẩm trên tay, tờ tạp chí đó hoàn toàn có thể sử dụng hình minh họa của bạn một lần nữa chẳng hạn như in ấn thành cách ấn phẩm postcard, poster quảng cáo tạp chí, v..v… mà vẫn ko mất thêm một xu nào để trả cho tác giả là bạn. Nếu trong hợp đồng có ghi rõ số lần sử dụng tác phẩm, mọi hình thức tái bản đều phải chi trả với một mức phí nhất định và phải được sự đồng ý của bạn. Thêm một lý do nữa để giữ lại bản quyền cho mình chính là để chắc chắn rằng bạn có thể sử dụng hoặc phát triển một sản phẩm/tác phẩm tương tự cho một khách hàng khác mà không ảnh hưởng hoặc vi phạm bản quyền với khách hàng trước. Mặt khác, với những sản phẩm/tác phẩm như mang tính thương hiệu (logo, website, bao bì sản phẩm, …), khách hàng phải thường xuyên tái bản và sử dụng thì việc bạn tính toán quyền lợi cho mỗi lần tái bản là hoàn toàn không phù hợp. Bạn nên cân nhắc kĩ về vấn đề này!

Tác phẩm của Nhựt Nguyễn trên tạp chí Đẹp

V. Những hành động tự bảo vệ và tôn trọng bản quyền

  • Tôn trọng bản quyền của người khác, không sao chép, sử dụng sản phẩm/tác phẩm khi chưa được sự cho phép của tác giả
  • Đặt tên và đứng tên cho sản phẩm/tác phẩm thuộc quyền sở hữu của bạn
  • Công bố hoặc cho phép người khác công bố sản phẩm/tác phẩm của cá nhân trên các phương tiện truyền thông
  • Cảnh báo về việc sử dụng sản phẩm/tác phảm cá nhân trên các phương tiện truyền thông
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của sản phẩm/tác phẩm
  • Tìm hiểu rõ nguồn gốc, tác giả, thông tin về sản phẩm/tác phẩm mà bạn có ý định sử dụng lại dù với bất kì mục đích nào và chỉ sử dụng khi được sự cho phép của tác giả
  • Không ủng hộ, chia sẻ những sản phẩm vi phảm bản quyền
  • Tạo thói quen cho bản thân biết tôn trọng bản quyền
  • Đăng kí bản quyền
  • Sao lưu tất cả các tài liệu về sản phẩm/tác phẩm khi có thể

Sai lầm về bản quyền

  • Không có chú thích về bản quyền nghĩa là không có bản quyền và không thuộc quyền sở hữu của ai
  • Mọi thứ trên Internet đều miễn phí
  • Tuy rằng tôi sao chép nhưng việc làm của đó là phi lợi nhuận, mang tính chia sẻ
  • Tuy không xin phép tác giả, nhưng có để link đến bài gốc và ghi rõ nguồn
  • Mọi chi phí truy cứu các vấn đề liên quan đến bản quyền rất rườm ra và mất thời gian, tiền bạc
  • Ở Việt Nam, đó là chuyện bình thường

VI. Lý do tại sao bạn nên đăng kí bản quyền

Mặc dù bạn có sở hữu quyền tác giả ngay sau khi bạn tạo ra sản phẩm/tác phẩm của bạn , nhưng theo luật pháp tại Mỹ, bạn không có quyền để thực thi bản quyền của bạn cho đến khi bạn đăng ký quyền tác giả. Nói chung, bạn phải nộp đơn xin đăng ký bản quyền trước khi vi phạm xảy ra để có đầy đủ các quyền lợi bảo vệ bản quyền như việc cung cấp cho bạn hai biện pháp quan trọng là quyền thu hồi chi phí luật sư của bạn khi bạn giành chiến thắng trong vụ kiện , và quyền được bồi thường thiệt hại theo luật định.

VII. Hồ sơ đăng kí bảo hộ quyền tác gỉa tại Việt Nam

  • Tờ khai đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;
  • Hai bản sao tác phẩm đăng ký bảo hộ quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
  • Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
  • Các tài liệu khác có liên quan theo yêu cầu.

Thời hạn đăng ký quyền tác giả và các quyền liên quan: 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ do người đăng kí cung cấp.

Địa chỉ:

Trụ sở: 151 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba đình, TP. Hà Nội Điện thoại: +84.4.38236908; Fax: +84.4.38432630; Email: cbqtg@hn.vnn.vn Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Điện thoại: +84.8.39308086; Fax: +84.8.39308087; Email: covhcm@vnn.vn Văn phòng Đại diện tại TP Đà Nẵng: 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, Điện thoại: +84.511.3606967; Email: covdanang@vnn.vn Xem thêm tại: http://www.cov.gov.vn/ Chi phí đăng kí: http://www.noip.gov.vn/

Những thông tin tổng hợp trên đều do mình sưu tầm từ một số văn bản nước ngoài, wikimedia và cũng như từ kinh nghiệm cá nhân nhắm đóng góp cho cộng đồng thiết kế/mỹ thuật có cái nhìn thực tế hơn về bản quyền, đặc biệt là vấn đề bản quyền tại Việt Nam vẫn đang có rất nhiều lỗ hổng khiến nhiều cá nhân/tập thể vô tình hoặc cố ý vi phạm bản quyền, và không ai khác là chính các Artist/Designer là những người thiệt thòi. Bài viết không tránh một số sai sót, luôn mong mọi người có thể chia sẻ đóng góp để nền sáng tạo Việt Nam được tốt hơn. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, bạn có thể liên hệ tới các cơ quan luật pháp để được tư vấn rõ hơn. Nếu bạn có ý định xuất bản lại bài viết xin vui lòng gửi email đến banbientap@rgb.vn

Viết bài và biên tập: Trịnh Huy Hùng Ban biên tập RGB

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!