Nhà thiết kế nhiều kinh nghiệm Alexis Lloyd đã bắt đầu làm giám đốc sáng tạo của phòng R&D tại Thời báo The New York Times, sau đó rời công ty để trở thành nhân viên số hai tại Axios rồi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Đổi mới Thiết kế tại Automattic.
Một trong những vai trò của cô là tập trung vào việc thiết kế các trải nghiệm về cách chúng ta đọc và viết trên internet. Khi sự đầu tư ngày càng nhiều và công việc ngày một rõ ràng hơn, Lloyd đã ra mắt Ethical Futures Lab, một cộng đồng thiết kế và bản tin nhấn mạnh tầm quan trọng của các lựa chọn nhỏ có thể ảnh hưởng đến tương lai theo một cách to lớn.
Cô chia sẻ: “Những nhà thiết kế có cơ hội định hình cách chúng ta giao tiếp và tìm hiểu thế giới xung quanh. Đó là điều thực sự mạnh mẽ giúp tôi tiến về phía trước”
Dưới đây là cuộc trò chuyện với Lloyd – hiện là Phó chủ tịch Thiết kế Sản phẩm tại Medium – về giá trị đạo đức trong thiết kế, cách quản lý một nhóm thiết kế giỏi và cách các nhà thiết kế có thể xây dựng một nền tảng internet vững mạnh hơn là “bóc lột” tối đa.
***
Cô đã dành 9 năm làm việc tại phòng R&D của Thời báo The New York Times (từ năm 2007 đến 2016), một khoảng thời gian khá dài để thấy được sự thay đổi trong cách chúng ta tiêu thụ báo chí?
Đó là khoảng gian siêu thú vị vì có rất nhiều điều đã xảy ra cùng lúc vào năm 2007: Twitter mới được thành lập, Facebook mở rộng ra ngoài các trường đại học, iPhone vừa được ra mắt. Nhiệm vụ của phòng chúng tôi là tìm kiếm những thách thức và cơ hội khi áp dụng các công nghệ vào thực tế và bắt đầu các cuộc thảo luận về cách chúng ta tiếp cận chúng như một tổ chức cũng như ngành công nghiệp.
Từ The New York Times, Axios, Automattic đến Medium, cô luôn tập trung vào các trải nghiệm viết lách và báo chí trực tuyến. Sự tham gia của một nhà thiết kế trong công việc đó là gì?
Nhiều người nghe đến “thiết kế” và họ nghĩ đơn thuần chỉ là vẽ một khuôn mặt đẹp lên giấy. Nó sâu sắc hơn nhiều. Thiết kế trải nghiệm người dùng là về thiết kế hệ thống. Và những hệ thống đó định hình các khả năng cũng như kỳ vọng về cách mọi người tương tác với thế giới xung quanh. Vì vậy, thiết kế các trải nghiệm về cách mọi người đọc và viết là tạo ra khuôn khổ cho cách chúng ta thấu hiểu thế giới và thấu hiểu nhau.
Tại sao điều quan trọng là các nhà thiết kế phải hiểu rõ điều này?
Chúng tôi đã nhìn thấy tác động mà thiết kế của các hệ thống mang lại. Chẳng hạn, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội phần lớn được thiết kế để tối ưu hóa cho hiệu ứng lan truyền và chạm đến những khuôn mẫu. Điều đó có ảnh hưởng sâu sắc đến các cuộc đàm luận cá nhân hoặc chính trị. Các nhà thiết kế có thể cân nhắc tác động của những quyết định nhỏ như là những khuôn mẫu và cách chúng ta sử dụng chúng để tạo điều kiện cho các hiệu ứng lâu dài mà chúng ta muốn chúng có.
Có các nhà thiết kế làm việc tại công ty, nội bộ hoặc trong bộ phận R&D. Giá trị của mỗi trải nghiệm là gì?
Lợi thế khi làm việc tại một công ty là bạn có thể nắm bắt những điều mới với mọi dự án, vì vậy bạn không ngừng học hỏi về một công ty hoặc ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, bạn thường phải đưa ra các khuyến nghị và không được thực hiện lặp đi lặp lại, thử nghiệm và học hỏi các phần của quy trình thiết kế.
Khi bạn làm việc nội bộ, bạn sẽ hiểu hơn về người dùng và sản phẩm của mình. Nó cho phép lối suy nghĩ lâu dài hơn. Và R&D là có một nhóm người có thể nghĩ xa hơn một chút và là người tiên phong để hiểu những gì khả thi trong tương lai và làm thế nào chúng ta có thể đi từ A đến B.
Cô có nhận ra điều gì về việc tạo nên một người cố vấn hay người quản lý tốt không?
Cung cấp cho mọi người không gian để khiến bạn ngạc nhiên. Bạn có thể cố gắng đi một con đường trực tiếp đến kết quả mà bạn muốn. Hoặc bạn có thể trồng rất nhiều hạt giống không liên quan đến nhau và để chúng phát triển. Sau đó, bạn là một người làm vườn vì môi trường, tìm ra những đòn bẩy có thể giúp toàn bộ sinh vật đồng hành cùng bạn.
Có phải đó là lý do cô thực hiện một playbook (một bộ các quy tắc đề xuất) cho Automattic?
Tôi nghĩ rằng playbook và các nguyên tắc thiết kế có thể là một cách hữu ích để đánh giá công việc của chúng tôi. Quan trọng nhất, đó là một công cụ tạo điều kiện cho các cuộc hội thoại tập trung vào trải nghiệm người dùng. Cụ thể tại Automattic, chúng tôi giữ nó ở cấp độ đủ cao nhưng không phải các quy định cứng nhắc để giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như các kỳ vọng.
Cô có gợi ý gì cho những ai muốn làm một playbook cho công ty của họ không?
Đó là một quá trình mà tôi đã tập hợp mọi người trong nhóm lại để đưa ra các chủ đề chung và tổng hợp thành những nguyên tắc cũng như áp dụng thực tiễn tốt nhất. Tôi phải nói rằng: “Đây là cả một quá trình chắt lọc mà chúng tôi thực hiện cùng nhau chứ không chỉ là những ý tưởng của tôi.” Và bạn cũng nên làm điều đấy.
Nói về quản lý con người, cô có lời khuyên nào cho việc quản lý các đội từ xa không?
Một chiến thuật của tôi là “giờ giải lao cà phê”, chỉ là một cuộc gặp gỡ từ xa nơi mà mọi người có một tách cà phê hoặc trà, và rõ ràng là không nói về công việc. Đó là một cách để tạo dựng những khoảnh khắc bình thường khi bạn gặp ai đó – nơi bạn thực sự bắt đầu xây dựng niềm tin và các mối quan hệ. Tại Medium, toàn bộ đội ngũ thiết kế thực hiện nó trong nửa giờ mỗi hai tuần. Cuộc trò chuyện dẫn đến nhiều đề tài khác nhau, từ hình xăm cho đến kế hoạch du lịch và những loại côn trùng họ sợ.
Cô và đồng nghiệp cũ tại Thời báo The New York Times – Matt Boggie đã bắt đầu Ethical Futures Lab cùng nhau. Điều gì khiến cô cảm thấy thú vị?
Thật dễ dàng khi nói về giá trị đạo đức một cách chung chung, như kiểu làm việc thiện hoặc làm việc ác. Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến các cấp độ ra quyết định; điều gì là khuôn mẫu? Kỳ vọng về cách mọi người sử dụng nó như thế nào? Làm thế nào để chúng ta đưa tất cả các lựa chọn một cách rõ ràng để xây dựng khung chuẩn và thiết kế?
Con đường dành cho sự tiến bộ công nghệ là chắc chắn xảy ra. Nhưng đó thực sự là một tập hợp các lựa chọn rõ ràng được thực hiện bởi con người. Chúng ta càng phản ánh về điều đó bao nhiêu, chúng ta càng có thể tưởng tượng các lựa chọn khác được thực hiện theo cách có chủ ý hơn bấy nhiêu. Đó là những lựa chọn dẫn đến các hệ thống vững mạnh hơn là “bóc lột” chúng.
Matt và tôi bắt đầu viết một bản tin cứ sau vài tuần gọi được là Six Signals – nơi chúng tôi tìm kiếm những tín hiệu của tương lai. Chúng tôi muốn chuyển sang xây dựng cộng đồng nhiều hơn, tạo ra nhiều hơn và thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và sáng tạo.
Làm thế nào để cô xây dựng lối suy nghĩ về giá trị đạo đức tại giai đoạn đầu của công việc?
Tôi bắt đầu nghĩ đến những người không phải là người dùng mặc định của tôi. Chúng ta thường có xu hướng thiết kế trạng thái lý tưởng nhất những gì chúng ta tạo ra và lên kế hoạch cho đối tượng khách hàng mục tiêu. Tôi thì lại đặt ra câu hỏi: “Điều tệ nhất một số người có thể làm với nó là gì?” – Câu hỏi này khiến mọi thứ được phơi bày – từ lạm dụng vô tình đến ác ý cố tình.
Chúng ta có thể đi quá xa với vô số trải nghiệm khi tạo ra sản phẩm. Chúng ta đã thấy sự lạm dụng khủng khiếp của các phần mềm cũng như nền tảng xã hội bởi hệ thống đó được tạo ra bởi một nhóm người đồng nhất, những người không bao giờ xem xét các câu hỏi dành cho những đối tượng khác. Chẳng hạn: cách các nền tảng xã hội có thể được sử dụng để theo dõi và lạm dụng là điều cần cân nhắc, vì thực sự đôi khi chúng ta lại không đặt nó vào tâm trí. Đó là lúc chúng ta nhìn ra những điểm khả thi, cả tốt lẫn xấu.
Tác giả: Emily Ludolph | Theo 99u
Ảnh: Alexis Lloyd
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn
Để lại đánh giá