Tạp chí eVolo Magazine vừa công bố người chiến thắng trong cuộc thi “Tòa nhà chọc trời năm 2020”. Trong số 473 dự án nhận được, Ban giám khảo đã chọn ra 3 giải chiến thắng và 22 giải đề cử danh dự. Được khởi xướng từ năm 2006, giải thưởng hàng năm này ghi nhận những ý tưởng thách thức cách chúng ta hiểu về kiến trúc chọc trời và mối quan hệ của chúng với bối cảnh xung quanh. Trong khi các dự án hư cấu này giải quyết mối bận tâm về môi trường, xã hội, chính trị; thì vừa qua, cuộc thi đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến đại dịch Covid-19.
Epidemic Babel: Tòa nhà y tế chọc trời khẩn cấp
Thứ hạng cao nhất của cuộc thi thuộc về tòa nhà chọc trời dịch tễ Babel trong công cuộc chống lại đại dịch Corona. Nhóm thiết kế viết: “Dự án cân nhắc việc đại dịch bùng phát nhanh chóng đến nỗi các cơ quan chính phủ và chính sách không có thời gian phản ứng kịp thời. Trong tình huống khắc nghiệt đó, các cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sẽ sớm bị tàn phá dẫn đến đại dịch chết người. Tòa nhà này tích hợp hai ưu điểm: cấu trúc đơn giản và phản ứng nhanh chóng. Toàn bộ tòa nhà bao gồm một khung sắt với nhiều hộp chức năng, cấu trúc đơn giản có thể đáp ứng tiến độ thi công sẵn sàng trong vòng năm ngày.”
Egalitarian Nature: Công viên xanh cho các khu đô thị
Với tòa nhà chọc trời Egalitarian Nature, các nhà thiết kế đề xuất một loại hình tòa nhà có thể thỏa mãn nhu cầu con người đối với thiên nhiên hơn là môi trường thành thị. Nhóm dự án chia sẻ: “Nó là một loại hình cơ sở hạ tầng mới phục vụ cho toàn xã hội, mang đến trải nghiệm thiên nhiên trong môi trường đô thị. Con đường leo núi hình zig-zag dọc theo không gian trừu tượng mang đến sự gắn kết bất ngờ giữa con người và thiên nhiên. Việc khám phá hết tòa nhà hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh thể chất của mỗi cá nhân.”
Coast Breakwater: Tòa nhà cộng đồng tại Senegal phòng trường hợp nước biển dâng cao
Vị trí thứ ba thuộc về tòa nhà chọc trời “Coast Breakwater” trong chiến lược đối phó với nước lũ dâng cao. Các nhà thiết kế viết: “Luôn có các cuộc đối đầu với các nước láng giềng về vùng lãnh thỗ và bắt cá nơi đây, tuy nhiên khu vực này lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao. Điều đó buộc cả cộng đồng phải di chuyển sâu vào đất liền. Dự án này sử dụng cấu trúc cột truyền thống được áp dụng trong việc chóng xói mòn. Các cấu trúc này sẽ phục vụ nền tảng cho những ngôi nhà cấu trúc thẳng đứng này. Dự án cũng lấy cảm hứng từ kiến trúc gỗ truyền thống của Senegal, sử dụng hệ thống vòm phức tạp và cấu trúc lâu bền.”
Tòa nhà dịch tễ khẩn cấp
Nhóm dự án đã hình dung ra một tòa nhà dịch tễ khẩn cấp trong trường hợp bùng phát virus đột ngột và gia tăng nhanh chóng. Các nhà thiết kế giải thích: “Chức năng chính của tòa nhà là hỗ trợ các bệnh viện không đủ tài nguyên. Đặc biệt, trong những trường hợp khẩn cấp cần thiết, công nghệ mô-đun hóa cho phép tòa nhà được lắp ráp nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng theo chiều thẳng đứng sẽ hiệu quả hơn nhiều trong những khu vực đông dân cư – nơi thường bùng phát dịch bệnh sớm nhất. Cấu trúc này phù hợp với cả những nước có điều kiện kém khi ứng phó với dịch bệnh như châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.”
Tesseract Skyscraper: Mô hình khuyến khích sở hữu nhà theo thời gian
Nhóm thiết kế đằng sau dự án Tesseract Skyscraper đề xuất một hệ thống cho phép cư dân được tham gia vào quá trình thiết kế nhà của chính họ cũng như các chương trình, cơ sở vật chất bên trong tòa nhà. Nhóm viết: “Quá trình này được tích hợp giữa khoảng thời gian mua nhà cho đến khi dự án hoàn thành – khoảng thời gian thường bị bỏ qua và phớt lờ. Trong suốt quá trình, cư dân được phép lựa chọn các tiện nghi, nâng cao ý thức của họ trong quá trình này. Các nhà ở sẽ không được xây theo kiểu lặp lại nữa – mà sẽ mang nét đặc trưng liên quan đến tình cảm giữa con người và nơi cư trú.”
Fill The Gap Skyscrapers
Nhóm thiết kế “Fill The Gap Skyscrapers” tưởng tượng một giải pháp cho điều kiện sống không tưởng của Hồng Kông. “Nhằm tăng cường diện tích sử dụng đất cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chúng tôi tìm đến một giải pháp khả thi khác tại Hồng Kông – sử dụng những không gian trống để mở rộng nhiều không gian hơn, cùng lúc đó giải quyết vấn đề nan giải về không gian nhưng không ảnh hưởng đến trật tự xã hội thông thường. Cấu trúc hỗ trợ các khoảng không gian trống bằng các cấu trúc khung thép gấp, cơ ưu điểm về tính mạnh mẽ cao, nhẹ, chế tạo đơn giản và thi công nhanh chóng.”
Drilling Water-Scraper: Nhà máy điện và Trung tâm tái chế dưới nước
Các nhà thiết kế của Drilling Water-Scraper giải quyết lượng rác thải biển nguy hiểm cùng với sự khám phá gần đây về năng lượng băng sạch dưới đáy biển sâu. Nhóm dự án viết: “Chúng tôi nảy ra ý tưởng sử dụng các vật liệu địa phương, biến rác thải nhựa thành vật liệu in 3D – vật liệu xây dựng của chính chúng tôi. Tòa nhà có hai hướng di chuyển chính: vật liệu đi xuống và năng lượng đi lên. Trong đó, cột năng lượng sẽ chuyển rác thải nhựa trên biển thành chất liệu in 3D, “phủ” lên tòa nhà và bể năng lượng dọc theo xi-lanh lõi, khiến tòa nhà ngày một cứng cáp hơn theo thời gian.”
Floating City: Khai hoang “vùng đất” chưa được sử dụng
Nhóm dự án tìm kiếm cách giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng cao khiến người dân mất đất, động vật mất nơi cư trú. Các nhà thiết kế viết: “Thiết kế này dành cho Kiribati – một quốc đảo tại nam Thái Bình Dương, vùng đất được dự đoán sẽ biến mất trong vòng 60 năm tới. Thiết kế sử dụng cấu trúc tường chọc trời ngoài khơi bằng việc nghiên cứu sự xói mòn bờ biển và hướng của dòng hải lưu, thiết kế nhằm mục đích làm chậm tốc độ dòng hải lưu xung quanh tòa nhà. Bằng cách này, cát và bùn sẽ lắng xuống theo thời gian, bồi đắp cho một vùng đất mới.”
Mudtrapper Skyscraper
Nhóm thiết kế đằng sau dự án Mudtrapper Skyscraper tìm kiếm cách khai thác các trận lũ lụt thảm khốc. “Nhìn chung, vấn đề phá hoại của các trận lũ là do sự hiện diện của rác thải, mùn, các loại thủy sinh xâm nhập vào khu dân cư do áp lực của nước. Bằng việc xây dựng tòa tháp trên đường đi của dòng lũ, các sinh vật sẽ được cứu sống trước, sau đó rác thải sẽ được loại bỏ và cuối cùng, mùn sẽ đi vào hệ thống ống để bắt đầu hoạt động khai thác. Tương tự, dòng lũ khi đi qua giới hạn của tòa tháp sẽ trở thành dòng nước tĩnh, giảm thiểu sức mạnh và sản sinh ra nguyên liệu có lợi cho quá trình hoạt động, sau đó tiếp tục hướng đi của nó.”
Regenera Skyscraper
Regenera Skyscraper được thiết kế để phục vụ như một công cụ tái sinh rừng, đồng thời sẽ dần tan biến theo sự phát triển của hệ sinh thái rừng. Các nhà thiết kế viết: “Dự án nhằm lan truyền chất dinh dưỡng, hạt mầm thông qua gió; cũng là nơi cư trú tạm thời cho các loài chim và động vật nhỏ. Tòa nhà này sẽ gắn liền với hệ sinh thái trong suốt tiến trình, từ khi rừng bị cháy cho đến khi được phục hồi hoàn toàn. Nó dựa vào cấu trúc tự xói mòn, biến đổi và lan rộng vào hệ sinh thái. Trong các giai đoạn ban đầu, một phòng thí nghiệm ở cấp độ nhỏ hơn sẽ được thử nghiệm, theo dõi và nghiên cứu cho những giai đoạn sau cũng như hệ sinh thái vùng đó. Các giai đoạn sau, các nhà khoa học sẽ bỏ tòa nhà lại đó để các loài sinh vật và cây cối tái định cư.”
Viết bởi Kat Barandy | Designboom
Dịch: CiCi Giang | RGB.vn
Để lại đánh giá