Phân tích hình ảnh về đại diện của phụ nữ trong bức tranh Ophelia của Sir J.E Millais

Bắt đầu từ năm 1848, phong trào Tiền Raphael chủ yếu được khởi nguyên bởi ba sinh viên của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia và trở thành một trong những phong trào nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Anh sau đó. Nhằm phản đối Trường phái kiểu cách trong nghệ thuật hàn lâm của người sáng lập RA, Ngài Joshua Reynolds, họ đã tự định hình một tiêu chuẩn khác cho nền nghệ thuật Anh Quốc để hồi sinh phần nào phong cách nghệ thuật trước thời đại Raphael (theo Hilton, 1970). Millais, Dante Gabriel Rossetti và William Holman Hunt đã thành lập Hội huynh đệ Tiền Raphael, kết hợp nghệ thuật Anh thời Victoria và nghệ thuật Ý thế kỷ 15 để tạo ra một cuộc cách mạng tác động đến xã hội thời điểm đó và cả lịch sử nghệ thuật. Bức tranh có tên Ophelia này được vẽ bởi chính họa sĩ phong trào Tiền Raphaelite thời Victoria, John Everett Millais. Là một trong những họa sĩ quan trọng nhất ở Hội huynh đệ Tiền Raphael và là sinh viên trẻ nhất từ trước tới nay của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, Millais có khả năng cảm nhận từng chi tiết nhỏ của tự nhiên và rất quan tâm đến văn học. Bức Ophelia là đại diện tiêu biểu cho những đặc điểm này của ông. Ngoài ra, bức tranh còn thể hiện sự hiểu biết về văn học của người họa sĩ, khi được lấy cảm hứng từ một nhân vật trong vở kịch Hamlet của William Shakespeare.

• • •

Như đã đề cập trong vở kịch, bức tranh miêu tả cảnh Ophelia quyên sinh vì cái chết của cha cô và sự phản bội của người tình Hamlet (Shakespeare, 2008). Mặc dù phỏng theo tác phẩm Hamlet, bài luận này không liên quan gì đến sự liên kết giữa hội họa và văn học, mà chủ yếu bàn về cách Millais đã khắc họa nàng Ophelia như một biểu tượng phản ánh các đặc điểm xã hội và văn hóa ở Anh thời Victoria. Mục đích chính của bài luận này là tìm ra cái cách mà sự điên loạn của Ophelia đã trở thành một nét quyến rũ đặc biệt trong Thời Victoria, thông qua việc áp dụng lý thuyết thần thoại của Rolland Barthes. Các phân tích về Studium (biểu hiện về văn hóa, ngôn ngữ và chính trị của bức ảnh) và Punctum (chi tiết sống động nhất của một tác phẩm, điểm gợi lên một mối quan hệ trực tiếp với chủ thể trong ảnh) cũng được áp dụng trong việc vén màn bí ẩn của thần thoại.

Tác phẩm Ophélia, John Everett Millais, 1851-1852

Từ góc độ sáng tác, có ba khía cạnh chính có thể thấy được trong Ophelia. Thứ nhất, bức tranh nhấn mạnh vào màu sắc truyền thống của thời kỳ tiền Raphael. Có nghĩa là, bức tranh được vẽ bằng bảng màu sắc tương đối tươi sáng và mạnh mẽ, hơn là sử dụng Chiaroscuro (mảng tương phản sáng – tối) theo chủ trương của nghệ thuật hàn lâm thời điểm đó (Treuherz, 1993). Thứ hai, tính phức tạp và tự mâu thuẫn nằm trong chính sự cân bằng của bức tranh. Một mặt, bức họa trông ổn định bởi cấu trúc không gian cân đối giữa tất cả các yếu tố. Mặt khác, mọi yếu tố trong tranh có vẻ khá mỏng manh và có khả năng vụn vỡ bất cứ lúc nào. Cuối cùng, các đường cọ và nét vẽ vô cùng tỉ mỉ như đang tái hiện lại khung cảnh thực và thiên nhiên xung quanh. 

Khi nhìn vào toàn cảnh của bức tranh, chúng ta thấy một người phụ nữ, tên Ophelia, đang nằm giữa một con suối đầy bùn, đeo một tấm mạng che mặt lộng lẫy được dát bạc. Xung quanh nàng là nhiều loại hoa cỏ: Góc trên của bức tranh có một cây liễu bị bật gốc với một cụm cây bụi. Một khóm cây thủy sinh ở góc trái bên dưới và có những cây thủy sinh khác trong nước dưới thân cô ấy. Như đã đề cập, có một số chi tiết cơ thể của nàng cũng cần được chú ý. Khuôn mặt của nàng nhợt nhạt một cách bất thường và hoàn toàn vô cảm. Cả mắt và miệng đều đang mở hé. Mái tóc đỏ óng ả xõa tung trong làn nước âm u. Đôi tay vô lực nổi trên mặt nước. Thân dưới và eo đã chìm trong nước. Những bông hoa đầy màu sắc được trang trí trên váy và tụ quanh cổ tay cùng vùng cổ của nàng. Còn những bông hoa màu trắng thì một số mọc trên bụi cây, một số thì nổi trên mặt nước. Nhìn vào một kiệt tác táo bạo này, ai cũng tự hỏi lý do vì sao khiến bức họa lại được chào đón nồng nhiệt vào thời đại Victoria, kể từ khi được trưng bày lần đầu tiên? Bức tranh đã khơi dậy những cảm giác gì khiến người yêu thích? Và những mối quan hệ giữa bức tranh với các vấn đề xã hội và văn hóa là gì? Tại sao mọi người lại bị mê hoặc bởi người phụ nữ điên rồ trong tranh ấy? Để tìm ra những câu hỏi này, ý nghĩa ẩn sâu của Ophelia trong bức tranh và những huyền thoại đằng sau là điều vô cùng quan trọng.

Cận cảnh thân trên nhân vật Opheslia trong bức tranh cùng tên

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, khuôn mặt của Ophelia đã thu hút sự chú ý lớn từ người xem bởi những biểu cảm tinh tế. Đôi mắt trống rỗng có thể truyền tải sự tuyệt vọng và sự điên cuồng đến mức nguy hiểm của một người phụ nữ đang chìm trong sự thống khổ, rất giống như những tưởng tượng của độc giả khi đọc Hamlet. Tiếp theo, mọi người có thể nhận thấy rằng nàng Ophelia mở hờ đôi môi mỏng, dường như đã hoàn toàn thả lỏng cơ mặt, sẵn sàng cho cái chết, hoặc là “nàng đang niệm những giai điệu cũ” như mô tả trong vở kịch. Tuy nhiên, cảnh này có thực sự khắc họa cái chết của một người phụ nữ trong thực tế không? Mọi người đều chấp nhận rằng Millais đã lãng mạn hóa hình ảnh của cái chết và biến tình yêu trong vô vọng thành thơ ca để khơi dậy sự đồng cảm và vị thương xót của người xem. Điều thú vị là, theo lý thuyết của Foucault, cái chết không có ý nghĩa gì vì nó có thể phá hủy mọi thứ và biến cuộc sống thành trống rỗng (Foucault, 1988). Vậy tại sao người xem thường cảm thấy hình ảnh cái chết của Ophelia đầy xúc động và thậm chí là rất mạnh mẽ? Điều này có thể bắt nguồn từ sức mạnh của biểu cảm khuôn mặt, hay nói cách khác, là Không khí (Air – biểu hiện của sự thật) được đề cập trong cuốn sách Camera Lucida (1993) của Rolland Barthes. 

Như Barthes đã nói, bản thân Không khí vô nghĩa nhưng có thể là một phần bổ sung quan trọng cho danh tính của người trong tranh (ảnh). Người phụ nữ trong bức ảnh này, Ophelia, được miêu tả là một nữ quý tộc ưa nhìn, có làn da mỏng manh và đôi lông mày được chăm chút kỹ lưỡng. Đó là quá trình liên kết giữa các bản sắc cá nhân với các hệ tư tưởng của xã hội tư sản (Pearce, 1991). Mặc dù không thể phủ nhận rằng Tiền Raphael có một số tư tưởng ​​cấp tiến và có ảnh hưởng, nhưng những gì họ chống lại là hình thức nghệ thuật hàn lâm cứng nhắc, chứ không phải là tạo ra một cuộc cách mạng hoàn chỉnh có thể thay đổi toàn bộ xã hội. Nói cách khác, Tiền Raphael không phải là một chủ nghĩa lạc hậu mà thậm chí còn thành công ở một mức độ nhất định. Đó là lý do tại sao đằng sau khuôn mặt hấp hối này, ta vẫn có thể cảm thấy những nét đứng đắn và lễ nghi của người họa sĩ và giai cấp mà người họa sĩ đó đang phục vụ. 

Cận cảnh gương mặt nhân vật Ophélia

Qua khuôn mặt này, cái chết của Ophelia gắn liền với cái đẹp và sự dịu dàng hơn là sự sợ hãi và xấu xí. Mọi người có thể coi lý do họa sĩ thể hiện cái chết theo cách này là rất mâu thuẫn. Một mặt, bản thân những mâu thuẫn là sự phản ánh đặc điểm lịch sử của thời đại Victoria (Pearce, 1991), chẳng hạn như sự kết hợp giữa cái chết và cái đẹp. Mặt khác, đó là một ảo ảnh được cố tình tạo ra. Nhiều học giả tin tưởng rằng phong trào Tiền Raphael chắc hẳn có liên quan đến quyền lực gia trưởng trong xã hội, dưới ảnh hưởng của những người bảo trợ chúng (Deborah và Griselda, 1984). Với tư cách là một cá nhân trong xã hội, người họa sĩ khó tránh khỏi việc không bị ảnh hưởng bởi nền tảng văn hóa và chính trị. Tuy nhiên, điều khó có thể phủ nhận là ta có thể nhớ đến mối tình bi thương và thơ mộng khi nhìn vào gương mặt nàng Ophelia của Millais. Chúng ta có thể cảm nhận được sự quyến rũ đặc biệt của người phụ nữ khi nhìn vào đôi mắt tinh xảo và khuôn miệng hé mở này. Đó không phải là một sự thật của tự nhiên nhưng có cùng chức năng với sự thật. Theo lý thuyết về thần thoại của Roland Barthes, sự kiện tiêu cực tiềm tàng có tính vĩnh viễn như thế này có thể được gọi là một thần thoại nếu trong đó có mang một ý định lịch sử (Barthes, 1993). Bằng cách chuyển biến nỗi kinh hoàng của cái chết và kết nối nó với cái đẹp, Không khí trong Ophelia tiết lộ một phần thần thoại về “sự điên rồ” được tạo ra bởi bức họa này, khiến mọi người tin rằng một khuôn mặt nhợt nhạt và điên loạn như đây cũng có thể là một vẻ đẹp.

• • •

Khi nhìn bức tranh ở tầm rộng hơn, chúng ta sẽ nhận thấy bàn tay lơ lửng và vô lực của Ophelia nằm gần như chính giữa bức tranh. Đôi bàn tay mềm mại và bóng loáng chính là minh chứng của tuổi trẻ và xác nhận danh tính quý tộc hoàng gia Đan Mạch của nàng, theo mô tả trong Hamlet. Dòng nước yên bình quanh cổ tay đã khắc họa tâm tư chấp nhận cái chết một cách bình thản của Ophelia. Với hai lòng bàn tay dang rộng hướng lên trên, nàng giống như đang đầu hàng trước số phận bi thảm và chờ đợi thần chết đến.

Cận cảnh đôi tay nhân vật Ophélia

Từ góc độ hoàn cảnh xã hội, chúng ta có thể coi làn nước xung quanh cơ thể nàng là tượng trưng cho sự lôi kéo của xã hội phong kiến ​​đối với những người phụ nữ không có sức phản kháng. Điều này không chỉ đại diện cho thời kỳ Trung cổ của Ophelia, mà còn đại diện cho thời Victoria, khi phụ nữ cũngđang bị đàn áp. Hơn nữa, dựa vào thực tế là phụ nữ thời Victoria phải chịu sự bất bình đẳng rất lớn so với nam giới trong mọi mặt xã hội, phụ nữ thời đó thường được coi là thấp kém hơn đàn ông hoặc chỉ là biểu tượngtình dục (Nead, 1988). Nói cách khác, rất có thể cử chỉ này không đơn thuần là sự khuất phục trước số phận, mà còn là gợi ý về tổn thương của nàng trong một mối quan hệ tình dục. 

Lý giải này tương ứng với xu hướng tình dục hóa phụ nữ trong thời đại Victoria, khi một lượng phụ nữ nhiều chưa từng có đã trở thành gái mại dâm do sự áp bức từ cả nền kinh tế và xã hội (Aiken, 2012). Tuy nhiên, là một họa sĩ thông minh và thành công ở thời điểm đó, tại sao Millais lại có thể dự đoán rằng một bức tranh như vậy sẽ được chào đón nồng nhiệt trong làng nghệ thuật? Tại sao giới thượng lưu lại thích một bức tranh có chủ đề về một người phụ nữ đáng thương như vậy? Sự nhạy cảm chính xác đã kích thích cảm xúc như thế nào để khiến họ ngưỡng mộ? 

Mặc dù không thể tiết lộ hoàn toàn ý đồ của tác giả, nhưng ít nhất chúng tai có thể hình dung ra một phần giá trị và thị hiếu mà Millais – một người đàn ông thượng lưu – tin tưởng. Đây là cái mà Barthes gọi là Studium (Barthes, 1993), thứ khiến người xem tham gia vào hình ảnh chiếu theo tư tưởng văn hóa. Đối với những người đàn ông tầng lớp cao thời Victoria, tính hợp lý của các hành vi thống trị của họ được chứng minh bởi sợ phục tùng của phụ nữ và từ đó, họ có thể củng cố hơn nữa quan niệm về độ nam tính cực điểm, thứ mang đầy tính sứ mệnh và thượng đẳng. Còn với những người phụ nữ đáng kính, họ có thể cảm nhận được sự cảm thông và đồng cảm. Một điều không thể bỏ qua khác chính là mâu thuẫn tồn tại trong bức tranh: áp đặt số phận của một người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn lên thân phận của tầng lớp trên. Đó là cách kết nối giữa những người phụ nữ thượng lưu và những người phụ nữ trong tranh. Hơn nữa, có một sự so sánh vô thức giữa những phụ nữ trở thành gái mại dâm với những phụ nữ danh giá, những người nổi bật bởi sự trong trắng, ngây thơ và hạnh phúc. Nói cách khác, lý do khiến nhiều người ở tầng lớp thượng lưu quan tâm mạnh mẽ đến bức tranh là bởi sự cuồng loạn được truyền tải qua bàn tay của Ophelia mang đến niềm vui cho họ, và đây cũng là một phần của  thần thoại về sự điên rồ trong bức tranh.

Cận cảnh bông hoa anh túc bên bàn tay Ophélia

Khi đôi mắt của người xem di chuyển xung quanh bàn tay của Ophelia, những bông hoa nổi trên mặt nước có thể cũng thu hút sự chú ý. Đặc biệt hút mắt là hai bông anh túc đỏ tươi. Nếu hiểu về Hamlet, chúng ta sẽ biết rằng cây anh túc không phải là một phần trong cảnh cái chết của Ophelia. Có lẽ ai đó sẽ lập luận rằng ý đồ của họa sĩ chỉ đơn thuần là để cân bằng màu sắc. Có lẽ vậy. Tuy nhiên, chi tiết này giống như được thêm vào một cách có chủ ý, nếu nhìn từ góc độ của người thời Victoria. Thậm chí, đến ngày nay, mọi người vẫn có thể dễ dàng liên tưởng đến cái chết khi thấy hoa anh túc, chưa kể vào Thời kỳ Victoria, người dân có độ nhạy cảm rất cao với ngôn ngữ của các loài hoa (Seaton, 1995).  Lý do là vì cây thuốc phiện là một thành phần quan trọng của ma túy, rất có hại và đe dọa đến sức khỏe. Đặc biệt trong Thời kỳ Victoria, thuốc phiện được sử dụng rộng rãi trong nhiều khía cạnh của cuộc sống như giải trí, giảm lo âu và điều trị y tế (Castelow, 2015). Dựa trên nền tảng này, chúng ta có thể có một góc nhìn mới về Không khí và cử chỉ của nàng Ophelia: như là cảm giác trống rỗng, tê liệt và ảo giác của một người sử dụng ma túy. Tất cả những cách giải thích mới này đều bắt nguồn từ cây hoa anh túc trong bức tranh, đó là Punctum  (Barthes, 1980) của bức tranh. Punctum  không mang dụng ý thần thoại cũng như không có tính chủ đích như Studium (trong việc gợi ra nhiều ấn tượng nhất về một hình ảnh nhất định từ khán giả),  mà khả năng của Punctum là khơi dậy một số cảm xúc mạnh mẽ trong tiềm thức. Hoa anh túc với tư cách là Punctum trong hình ảnh này có thể đâm thủng tính ‘studium’ để thỏa mãn tầng lớp thượng lưu, và cùng hoạt động song song với Studium để tạo nên một thần thoại về sự điên rồ.

• • •

Cho dù là vẻ đẹp từ khuôn mặt thanh tú của nàng Ophelia, sự đồng cảm được khơi dậy bởi những cá nhân bị tình dục hóa, hay sự kích thích của cây thuốc phiện đều không thể tách rời khỏi một từ: điên cuồng. Theo lý thuyết của Foucault, mọi người có một niềm đam mê vô thức với một số vật thể có tính cực đoan, chính xác và liên quan đến cái chết, bởi vì đó đều là một phần của sự điên rồ và có thể là chính kiến ​​thức (Foucault, 1988). Khi mọi người dỡ bỏ sự phòng thủ của bản thân trước sự điên loạn, họ thực sự đang đối mặt với những khát khao tiềm ẩn về một thế giới mà họ đã không nhận ra trước đây. Tuy nhiên, mọi người sẽ không cảm thấy điều này khó chịu hay có ác ý, mà thậm chí còn có thể cảm nhận được sự quyến rũ của nó. Chính tính huyền thoại của bức tranh khiến mọi người liên kết nó với sự điên rồ. Trong bức tranh này, nàng Ophelia không chỉ là một người phụ nữ mà còn biểu tượng của thời đại Victoria. Tất cả những ý nghĩa được đề cập ở trên đều là một phần của huyền thoại. Tóm lại, bức tranh Ophelia thể hiện cả sự ca ngợi đối với “huyền thoại về sự điên rồ” tiêu biểu trong thời đại Victoria, và sự cảm thông đối với số phận của phụ nữ được phản ánh bởi số phận bi thảm của nàng Ophelia.

Bài viết gốc The visual analysis of the representation of women in Sir John Everett Millais’s Ophelia (1851)
Bởi Sarah Zhang

Lược dịch bởi Artplas