Sắc Đẹp Và Sự Bí Ẩn – Bức Tranh The Birth Of Venus Của Họa Sĩ Sandro Botticelli

Thời kỳ Phục hưng là một trong những thời kỳ đỉnh cao nhất về nghệ thuật và khoa học trong lịch sử nhân loại. Nở rộ tại châu Âu trong khoảng thế kỷ XV và XVI, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật và phát triển học thuật trong thời kỳ này lấy cảm hứng từ văn học, ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật Hy Lạp và La Mã Cổ điển. Chủ nghĩa Tân Platon (Neoplatonism) và chủ nghĩa nhân văn rất được ưa chuộng trong thời kỳ đầu Phục hưng,đánh giá cao những thành tựu của con người và tôn vinh loài người. Vẻ đẹp cũng rất được chú trọng trong thời kỳ Phục hưng mới.

Nét đẹp, trong tất thảy, được cho rằng đang chứa đựng những giá trị nội hàm và do đó là vô cùng cần thiết trong con đường hướng tới Đức Chúa Trời. Thời kỳ đầu Phục hưng đã tái sinh các giá trị cổ điển.Có thể thấy rõ rằng thần thoại và tính biểu tượng là hai mối quan tâm lớn của họa sĩ Sandro Botticelli. Mặc dù hai yếu tố này là trọng tâm trong tác phẩm của ông, Botticelli cũng yêu thích việc lý tưởng hóa phụ nữ. Ông tin  vào những điều vượt xa giá trị thẩm mỹ tự nhiên, rằng phụ nữ là hoàn hảo.

• • •

Đây được cho là là chân dung tự họa của họa sĩ Botticelli
trong tác phẩm “Adoration of the Magi” (Tạm dịch: Sự tôn thờ của các hiền sĩ), 1475

Sinh năm 1445 và mất năm 1510 ở Ý, Botticelli là một họa sĩ vĩ đại tiếp bước Masaccio, nhưng những tác phẩm của ông lại khác hoàn toàn. Ông tập trung nhiều hơn vào việc lý tưởng hóa nhân vật nữ, cũng như thể hiện sự hứng thú với thần thoại và tính biểu tượng trong các tác phẩm vẽ về thời La Mã. Ông có khả năng vẽ các nhân vật đang chuyển động vô cùng điêu luyện. Ông đã vẽ nên những bức tranh cực kỳ thanh lịch với những dáng hài uyển chuyển và đề cao đường nét cơ thể nữ giới.

Họa sĩ Botticelli vốn được đào tạo để trở thành một người thợ kim hoàn cùng với anh trai Antonio, người đã nuôi lớn ông và đặt tên cho ông cái tên là Botticelli, tức “thùng phuy nhỏ”. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1462, ông được theo làm học trò họa sĩ Fra Filippo Lippi, người mà sau này đã dạy cho Botticelli những đặc điểm trong phong cách nghệ thuật mà nay được xem là đặc trưng nhất của ông: vẻ đẹp lý tưởng và vẻ đẹp phảng phất muộn sầu của người phụ nữ. Vẻ đẹp u sầu ấy cũng có thể được tìm thấy trong tác phẩm “Madonna and Child” (Tạm dịch: Madonna và Đứa trẻ) của Lippi. 

Bức tranh “Madonna and Child” (Tạm dịch: Madonna và đứa trẻ) của Filippo Lippi, 1450–1465

Botticelli bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Masaccio và những tấm thảm trang trí của anh em nhà Pollaiuolo. Đến năm 1470, ông có xưởng sáng tác riêng và được bảo trợ bởi gia đình Medici mà đứng đầu là chính khách Lorenzo Vĩ đại, người rất yêu thích Botticelli. Trong cung điện của nhà Medici, ông đã nghiên cứu tác phẩm đã được sửa đổi của Plato, một triết gia Hy Lạp thế kỷ thứ 3, người tin vào sự thật và cách cái đẹp cũng như những tạo vật đẹp đẽ là tiệm cận với Chúa trời. Botticelli vẽ cả các tác phẩm mang đề tài tín ngưỡng lẫn thế tục, và thường khắc họa người phụ nữ với những vẻ đẹp đến khó tin. Phong cách ấy đã được ông thể hiện qua khả năng vẽ hình thể tuyệt vời, với những đường nét rõ ràng. Ông sử dụng một đường màu nâu để bao quanh tất cả hình thể, đem đến cho các bức tranh của ông sự thanh lịch, nhẹ nhàng nhưng vẫn có phần chắc chắn. 

• • •

Tác phẩm “The Birth of Venus” (Tạm dịch: Sự ra đời của thần Vệ nữ) được thực hiện vào năm 1484. Bức tranh được vẽ trên chất liệu vải bố, một sự lựa chọn phổ biến với giá cả hợp lý cho các bức tranh với chủ đề thế tục và ngoại giáo. So với nền mặt gỗ – bề mặt chất liệu thường được sử dụng trong các bức tranh tại nhà thờ hay tòa án, vải bố là một chất liệu rẻ hơn và giúp họa sĩ có thể vẽ được các bức tranh với kích cỡ lớn hơn. 

“The Birth of Venus” (Tạm dịch: Sự ra đời của thần Vệ nữ) của Botticelli , 1484

Bức tranh khắc họa hình ảnh thần Vệ nữ đứng trên một vỏ sò và được đẩy cập bờ đảo Síp nhờ hơi thở của vị thần Zephyr và nữ thần Chloris. Trong câu chuyện thần thoại này, thần Vệ nữ được sinh ra trong thân thể một người phụ nữ trưởng thành. Cô được thụ thai khi Cronus thiến cha của anh ta, vị thần Uranus. Bộ phận sinh dục của thần Uranus sau đó bị ném xuống biển và thụ tinh tại đây. Thần Vệ nữ được cho là hiện thân lý tưởng của một người phụ nữ. Vẻ đẹp như tạc tượng của nữ thần này được Botticelli lấy cảm hứng từ những bức tượng trong khu vườn nhà Medici. 

Trung tâm của bức tranh là hình ảnh thần Vệ nữ đứng trên một chiếc vỏ sò. Dáng đứng hình chữ S (dáng contrapposto) của vị nữ thần, với một bên chân hơi cong và một bên hông đánh lên, đã thể hiện được sự thẹn thùng của cô khi nhận thức sự trần trụi của bản thân. Và dưới nét bút của Botticelli, cơ thể cô ấy hiện lên thon thả, mềm mại, mang vẻ đẹp tuyệt đối của một người phụ nữ. Khuôn mặt của cô là một trong những gương mặt đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật và được cho là được mô phỏng từ một nàng thơ thuộc gia đình nhà Medicis, người mà Botticelli được cho là đã từng mê đắm. Nữ thần Vệ nữ vừa mang vẻ đẹp lý tưởng, vừa là một hình ảnh tôn giáo. 

Gương mặt của thần Vệ nữ được coi là một trong những gương mặt đẹp nhất trong lịch sử hội họa thế giới]

Những bông hồng với nhụy vàng rơi xung quanh thần Vệ nữ biểu trưng cho địa vị và tầm quan trọng của cô. Phía bên phải của vị nữ thần là nữ thần mùa xuân. Người ta cho rằng đây·có thể là Horae, nữ thần Mùa màng, hoặc Hora, nữ thân Mùa xuân. Nàng đang vội vã mang đến cho thần Vệ nữ tấm áo choàng hoa xinh đẹp khi cô cập bờ. Vị nữ thần này cũng mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, duyên dáng. 

Những bông hoa trên chiếc váy của nàng tượng trưng cho sự sinh sôi và vòng lá cây sim cuốn quanh cổ nàng tượng trưng cho Vệ nữ. Cả chiếc váy nàng  mặc trên mình và chiếc áo choàng nàng đang cố gắng khoác cho thần Vệ nữ đều được phủ bởi họa tiết thêu hoa cúc đỏ và trắng, hoa anh thảo vàng và hoa ngô xanh. Những loài hoa ấy đều là những loài hoa của mùa xuân – những bông hoa tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở như chính chủ đề của bức họa này. Chiếc áo choàng trên tay nữ thần Mùa xuân bao trọn lấy đường bờ biển. Và đường bờ biển ấy cũng chính là bìa rừng với rặng cây, họa nên một phần của cánh rừng cam, là biểu tượng của gia đình nhà Medici. Toàn bộ những bông hoa trắng trong bức tranh đều được điểm xuyết bởi nhụy hoa màu vàng, thể hiện sự quý giá của chúng cùng ngụ ý làm tôn lên vẻ đẹp tuyệt trần của thần Vệ nữ. 

Hình ảnh Nàng Xuân trong tác phẩm

Gân và viền của mỗi chiếc lá trong bức tranh đều được tô màu vàng. Ngoài ra, các đường nét và viền vàng còn được người họa sĩ tài ba sử dụng để điểm xuyết và làm nổi bật các thân cây. Chi tiết này tạo nên một hiệu ứng ba chiều, khiến người xem cảm tưởng như sóng biển đang ập vào bờ, làm sủi lên những bọt nước lăn tăn. Những làn sóng biển được vẽ theo bằng những đường nét đơn giản và đều đặn. Ngoài ra, việc đổ màu tối hơn cho phần nước biển ở gần bờ cũng là một cách để họa sĩ Botticelli tạo ra chiều sâu không gian tuyệt vời cho tác phẩm. 

Về phía bên trái thần Vệ nữ là thần Zephyr, người đại diện cho gió bắc lạnh giá và Chloris, cũng là người đại diện cho mùa xuân. Hai vị thần bay ngang trời,quấn quít lấy nhau và đôi cánh miêu tả giống như cánh chim. Thần Zephyr thổi luồng gió lạnh lên thần Vệ nữ, trong khi thần Chloris thổi một làn hơi ấm. 

Thần Zephyr và Chloris trong tác phẩm

Mặc dù Botticelli thường vẽ theo phong cách trang trí, bức họa này vẫn chứa đựng trong mình cả chủ nghĩa hiện thực và tính trang trí. Việc sử dụng màu sơn nhẹ nhàng giúp tạo ra các hình khối, đường nét mềm mại cho khuôn mặt. Và nghệ thuật sử dụng các màu sắc tương phản của Botticelli càng làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị của bức tranh. Mái tóc vàng của nữ thần nổi bật lộng lẫy trên nền da trắng ngần của nàng. Và màu xanh lam đậm trên chiếc áo choàng của thần Zephyr được phối hết sức hài hòa với nước da, mái tóc nâu, cũng như sắc xanh lam và xanh lá phảng phất của trời, đất và biển. Ngoài ra, chiếc áo choàng đỏ trên tay nữ thần Mùa xuân hiện lên nổi bật trong bức tranh, và lập tức chiếm lấy chú ý của người xem từ cái nhìn đầu tiên. 

• • •

Chủ nghĩa thần thoại và biểu tượng được coi là hai mối quan tâm chính của Botticelli. Tuy nhiên, chủ nghĩa lý tưởng hóa hình tượng người phụ nữ, cùng với niềm say mê vẻ đẹp hoàn hảo, mới là trọng tâm trong các tác phẩm. Hình tượng hoàn hảo và lý tưởng ấy được Botticelli lấy cảm hứng từ nàng thơ trong trái tim ông, người con gái thuộc gia đình Medici. Ông đã biến người phụ nữ ấy thành thần Vệ nữ mang vẻ đẹp hoàn mỹ trong các tác phẩm của chính mình.

Bài viết gốc Beauty And Myth | The Birth Of Venus By Sandro Botticelli
Bởi Shauna Burdis
Lược dịch bởi Artplas