Sneature – đôi giày đan 3D từ lông chó có thể tự phân hủy trong vòng 2 năm

Nhà thiết kế người Đức Emilie Burfeind vừa phát triển một đôi sneaker sock (những đôi giày với thân giày được làm từ một chất liệu duy nhất) có tên là Sneature với phần đế giày được làm từ mùn cưa và phần thân giày được đan từ lông rụng của các em thú cưng.

Các thành phần chế tạo ra chiếc Sneature chỉ bao gồm ba nguyên liệu sinh học có thể được tái chế hoặc làm phân ủ công nghiệp vào cuối vòng đời sử dụng. Để dễ hình dung, những chiếc giày thông thường được làm từ khoảng 8 đến 12 thành phần khác nhau như vải nylon và bọt ethylene-vinyl acetate (EVA) – đa số chúng là các thành phần dựa trên dầu mỏ và sẽ tồn tại trong môi trường đến cả 1.000 năm.

“Vì cấu trúc phức tạp và được làm từ nhiều vật liệu khác nhau mà chúng ta gần như không thể tháo rời hay tái chế những đôi giày thể thao thông thường”, Burfeind nói. “Vì vậy, tôi muốn thiết kế một đôi sneaker được làm từ ít thành phần nhất có thể và vẫn có thể phân hủy sinh học sau khi sử dụng.”

Đôi giày Sneature không có dây buộc và phần lớn kích thước của nó là một chiếc tất liền mạch, được làm từ lông chó rụng thu thập từ các chủ chó của start up Modus Intarsia tại Berlin. Các sợi lông chó này sau đó được quay thành một sợi đan chất lượng cao được gọi là Chiengora, có chức năng giữ nhiệt tốt hơn đến 42% so với len cừu và từng được sử dụng phổ biến trong quá khứ bởi các tộc người bản địa ở phía tây nước Mỹ.

“Chỉ tính riêng ở nước Đức, có đến 80 tấn nguyên liệu thô này bị bỏ đi hàng năm,” nhà thiết kế nói. “So với các loài động vật được nuôi dưỡng chỉ nhằm mục đích sản xuất lông, việc thu thập lông rụng từ những chú chó không hề mang lại gánh nặng bổ sung nào cho môi trường mà trái lại nó còn là một nguồn tài nguyên khá dồi dào.”

Burfeind dựa công nghệ đan 3D để tạo ra phần thân giày. Nhưng thay đun nóng cho tan chảy sợi nhựa để tạo ra một hình dạng rắn, các sợi đan của Sneature được liên kết bằng cách đan sợi mành và sợi ngang. Quá trình này cho phép một mẫu kỹ thuật số và ba chiều được thực hiện trong mỗi lần “in” mà không cần đến các đường nối hay tạo ra chất thải. Và hơn thế nữa, thiết kế cuối cùng của đôi giày có thể đảm nhận những phẩm chất và hiệu suất khác nhau mà không cần phải bổ sung thêm các vật liệu khác.

Phần thân giày thành quả sau đó được nhúng vào cao su tự nhiên lỏng để tạo ra một lớp chắn bùn và chống thấm dọc theo đế. 

Mùn cưa sẽ được trộn với một dung dịch nền cellulose được làm bằng cây gai dầu và các phế phẩm nông nghiệp khác, sau đó được đưa vào khuôn để tạo ra phần đế bên trong và bên ngoài cho giày.

Hiện tại vẫn chưa có dữ liệu lâu dài về độ bền của đôi giày tại thời điểm này. Tuy nhiên nhà thiết kế ước tính rằng chúng có thể được sử dụng trong khoảng hai năm trước khi bị quá mòn. Sau khoảng thời gian này, mùn cưa có thể được cắt nhỏ, nghiền thành bột và tái sử dụng trong khi phần vải có thể được tách thành các sợi riêng lẻ rồi sau đó được quay thành sợi để có thể sử dụng một lần nữa. Ngoài ra, tất các vật liệu làm nên Sneature có thể được nghiền nhỏ trong một máy xay công nghiệp trong khoảng bốn tuần để các chất dinh dưỡng của chúng được cung cấp trở lại vào chu trình vật liệu sinh thái.

Sử dụng công nghệ đan 3D cho phép đôi giày có thể được sản xuất theo yêu cầu, góp phần ngăn chặn việc sản xuất quá mức trong khi vẫn cho phép người dùng tùy chỉnh được kích thước, màu sắc, mẫu mã và chất liệu của giày. Theo Burfeind, quy trình sản xuất cũng hoạt động nhanh hơn nhiều với các cơ sở nhỏ hơn và ít năng lượng hơn so với một xưởng giày thông thường.

“Vì Sneature được làm bằng vật liệu là các chất thải sinh học nên không cần tốn năng lượng để sản xuất ra các vật liệu này, ta chỉ cần năng lượng để xử lý chúng thôi”, Burfeind nói. “Và năng lượng cần thiết cho các quy trình chế biến và sản xuất như kéo sợi hoặc đan thấp hơn nhiều so với việc chiết xuất nguyên liệu thô dựa trên dầu mỏ.”

Ảnh: Emilie Burfeind