Sóng siêu âm sẽ sớm được dùng để đánh tan sỏi thận mà không cần gây mê

Một bài báo đăng trên tờ Journal of Urology vừa đưa tin 19 người đã thử một giải pháp thay thế mới và không xâm lấn cho việc loại bỏ sỏi thận với một tỉ lệ thành công rất cao. Giải pháp này sử dụng sóng siêu âm thay vì sóng xung kích và bệnh nhân không cần phải bị gây mê trong quá trình phẫu thuật.

Giáo sư Jonathan Harper thuộc Đại học Washington và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng kỹ thuật mới này hứa hẹn sẽ giảm chi phí và gánh nặng chăm sóc sức khỏe của việc điều trị sỏi thận.

Nội soi tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL – extracorporeal shock wave lithotripsy) là phương pháp truyền thống để đưa sóng xung kích đến những viên sỏi và phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ hơn rồi bị đào thải ra cơ thể người một cách tự nhiên. Tất nhiên quá trình này sẽ không dễ chịu gì cho bệnh nhân và họ buộc phải dùng thuốc an thần hoặc bị gây mê.

Phương pháp mới, tán sỏi bằng sóng ngắn (BWL – burst wave lithotripsy) thì ngược lại sẽ dùng những đợt sóng siêu âm có nhịp điệu ngắn để phá vỡ các viên sỏi. Kỹ thuật này mang lại hiệu quả cao hơn và đặc biệt, bệnh nhân không cần phải bị gây mê. Do không cần phải gây mê như những ca phẫu thuật thông thường nên việc điều trị có thể được thực hiện tại văn phòng bác sĩ bằng thiết bị cầm tay.

Theo tờ Wolters Kluwer Health, có tới 15% dân số Mỹ sẽ bị sỏi thận trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, phần lớn các viên sỏi có thể được đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên, nhưng những viên lớn hơn sẽ cần đến phẫu thuật để loại bỏ – một quy trình tiêu tốn đến 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

BWL hướng tới mục tiêu trở thành một giải pháp kinh tế hơn, đơn giản hơn cho các cuộc phẫu thuật sỏi thận khó khăn và phức tạp. Từ những thử nghiệm có thể thấy tính hiệu quả của phương pháp này là rất cao, nó có thể nghiền nát những viên sỏi từ 12mm xuống còn 2mm hoặc nhỏ hơn.

Cũng giống như phương pháp sóng xung kích, các mảnh vỡ sỏi thận gây ra bởi sóng siêu âm có thể được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường tự nhiên và không cần can thiệp y tế bổ sung. 

Hiện tại thì phương pháp này mới chỉ được thí nghiệm trên một nhóm nhỏ và cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi được thực hiện đại trà. Nếu thành công thì phương pháp này sẽ giúp giảm đi gánh nặng về chi phí, nguồn lực, cũng như sự đau đớn mà bệnh sỏi thận gây ra cho con người.