Có thể Tạ Minh Trãi không phải là người đầu tiên nhắc đến khái niệm Tư duy thiết kế tại Việt Nam. Nhưng chính anh là người đã mang định nghĩa đó gần hơn, rộng rãi hơn tới cộng đồng designer Việt.
Anh vốn được nhắc đến nhiều trong giới với tên hiệu: Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc tại một trong những ngôi trường thiết kế hàng đầu ở Pháp. Trở về Việt Nam, Tạ Minh Trãi gây ấn tượng bằng một bảng thành tích dày đặc những năm tháng chinh chiến với rất nhiều vị trí trong các công ty thiết kế hàng đầu về xây dựng và phát triển Thương Hiệu trong và ngoài nước.
Từng giữ vai trò Giám Đốc Sáng Tạo khi làm việc trong những dự án quan trọng cho các khách hàng như: Toyota, Techcombank, BongMilk, Venus Communication, … Một trong những thành công nổi bật của anh là tham gia vào một số chiến dịch Quảng bá Thương Hiệu quan trọng cho Ngân Hàng Techcombank, góp phần đưa Techcombank vươn lên vị trí Ngân Hàng tốt nhất Việt Nam 2010 & 2011.
Đằng sau những thành công rực rỡ của một nhà thiết kế được đào tạo bài bản tại nước ngoài là một Tạ Minh Trãi luôn mong muốn cống hiến giúp phát triển khái niệm Tư duy thiết kế tại Việt Nam. Bởi lẽ, đối với anh,chìa khóa giúp thay đổi tốt hơn với những nhà thiết kế trẻ trong ngành sáng tạo tại Việt Nam chính là việc tìm hiểu đào sâu hơn khái niệm Tư duy thiết kế. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh đối với nghề, và triết lý mà anh đeo đuổi từ những năm du học tại Pháp.
Anh có thể chia sẻ một chút về công việc của mình?
Tôi là một nhà thiết kế.
Công việc thiết kế của tôi gồm các hoạt động liên quan đến việc sử dụng tư duy sáng tạo để tạo ra các sản phẩm hữu ích đem lại giá trị cho người sử dụng, góp phần cải thiện, thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội. Phong cách và cá tính của tôi trong công việc thường được nhận thấy ở sự khác biệt về cách tư duy, khác biệt ở phương pháp tiếp cận và khác biệt ở phương thức thực hiện.
Những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh?
2003: Tốt nghiệp loại trung bình ngành Thiết Kế Nội Thất tại ĐH Kiến Trúc TP HCM.
2005: 8 Trường Thiết Kế tại Pháp từ chối, không được nhận vào học vì không đủ khả năng.
2008: Tốt nghiệp thủ khoa, loại xuất sắc ngành Conception Graphic (Thiết kế quảng cáo ứng dụng concept) tại Trường Thiết Kế PIVAUT, TP Nantes, Pháp.
Nửa cuối 2008: 300 công ty thiết kế tại Pháp từ chối, không được nhận vào làm việc với lý do chính là người nước ngoài.
Cuối 2008: Làm việc tại REAL BRANDING Agency, một công ty thiết kế Thương Hiệu hàng đầu tại Kuwait.
Giữa năm 2009: Thành lập UP STUDIO, một công ty thiết kế về Thương Hiệu và Quảng Cáo.
Từ năm 2009 đến nay: Bên cạnh công việc thiết kế, xây dựng và tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thiết kế sáng tạo tại VN.
Trong câu chuyện của anh, anh có kể là khi học ở VN học lực của anh chỉ thuộc loại trung bình khá nhưng khi chuyển sang Pháp học lại đạt loại xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa. Điều gì đã tạo nên sự thay đổi đáng ngạc nhiên đó?
Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người cũng đã đặt ra cho tôi, và câu trả lời của tôi rất đơn giản: đó là TƯ DUY.
Con người thể chất của tôi vẫn vậy, chỉ số thông minh IQ có lẽ không tăng hơn so với hồi ở VN là bao. Tuy nhiên, cách thức mà tôi được hướng dẫn tiếp cận vấn đề, cách tư duy suy nghĩ để giải quyết chúng, cách kiểm soát và kích hoạt sự sáng tạo, … tất cả những điều đó đã tạo nên sự thay đổi kỳ diệu đó đối với tôi.
Điều này cho thấy rằng, với một cách tư duy đúng, với một môi trường biết định hướng đúng cách, điều gì cũng có thể xảy ra.
Anh có nhận định gì về môi trường đào tạo của Việt Nam. Điểm khác biệt giữa môi trường đào tạo Việt Nam với môi trường đào tạo nước ngoài là gì? Điều đó có ảnh hưởng ra sao đối với con người?
Tôi vẫn thường dùng một hình ảnh đơn giản để minh hoạ cho sự khác biệt này.
Nếu cho rằng việc đào tạo một con người một cách đầy đủ và đúng nghĩa cần 3 yếu tố, thì chúng sẽ là: Trái Tim – Khối Óc – Đôi Bàn Tay.
Trong một môi trường đào tạo tiến bộ, người ta hiểu được giá trị của giáo dục bắt đầu đi từ Trái Tim (làm cho người học trước hết yêu thích những gì họ được học), sau đó đến học cách sử dụng Khối Óc (cách tư duy, suy nghĩ & sáng tạo đối với những được học), và sau cùng sẽ đến Đôi Bàn Tay (cách tạo ra giá trị bằng cách sử dụng các phương tiện kỹ thuật, các công cụ, …).
Môi trường chúng ta còn đang ở giai đoạn phát triển, nên mới chỉ chú trọng nhiều vào việc trang bị cho con người cách sử dụng Đôi Bàn Tay là chính, chưa biết cách hướng dẫn cho họ cách sử dụng Trái Tim & Khối Óc.
Đây chính là điều vô cùng đáng tiếc, vì việc sử dụng Đôi Bàn Tay mà thiếu đi “chất xúc tác” của Trái Tim & Khối Óc thì giá trị tạo ra thường rất thấp.
Là một người đề cao TƯ DUY THIẾT KẾ, anh có thể chia sẻ cho bạn đọc cùng biết tư duy thiết kế là gì và đóng vai trò quan trọng thế nào đối với một Designer nói riêng và 1 người trẻ nói chung?
TƯ DUY THIẾT KẾ (Design Thinking) là một lĩnh vực đặc biệt, khai thác chuyên sâu những phương pháp tư duy & sáng tạo ứng dụng trong quá trình thiết kế.
Bắt đầu từ một số khái niệm được đề xướng bởi một số người làm việc trong lĩnh vực thiết kế & sáng tạo, TƯ DUY THIẾT KẾ (Design Thinking) sau đó đã được phát triển vô cùng mạnh mẽ trên thế giới, lan rộng ra nhiều ngành nghề & lĩnh vực khác nhau, …
TƯ DUY THIẾT KẾ (Design Thinking) hiện nay là một khái niệm có khả năng thay đổi hoàn toàn về tư duy và phương pháp làm việc của những người làm việc trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Các lớp học tư duy thiết kế của anh Tạ Minh Trãi
Anh có nhận định gì về các bạn trẻ Việt Nam bây giờ? Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn không?
Các bạn trẻ VN chúng ta rất năng động và sáng tạo.
Tuy nhiên trong môi trường giáo dục hiện tại, họ bị thiếu đi những nền tảng cần thiết và sự định hướng đúng cho con đường phát triển bản thân và nghề nghiệp, điều này khiến cho họ bị lãng phí rất nhiều thời gian cho việc mày mò, thử và sai, thất bại, chán nản, bỏ cuộc, …
Cách học sẽ quyết định cách làm việc sau này, môi trường học của chúng ta thường bắt đầu từ lý thuyết và kết thúc với lý thuyết, chạy đua với bằng cấp, … rất ít trải nghiệm thực tế.
Theo tôi, các bạn trẻ trước hết cần xác định ngành nghề, lĩnh vực mình yêu thích là gi ? Học ở đâu cũng được: Đại Học cũng được, Cao Đẳng cũng được, Trung Cấp chuyên nghiệp cũng được, không đến Trường Lớp cũng chẳng sao, … nhưng quan trọng là nên bắt đầu từ việc làm với thực tế, khi làm thực tế, các bạn sẽ thấy mình yếu những điểm nào, điều gì không biết, lúc đó hãy đi học, học đến đâu phải ứng dụng được đến đó, đó mới là cách học đúng.
Việc tham gia cọ xát với các cuộc thi chính là một trong những hình thức thú vị và thoải mái nhất để cùng một lúc học tập và thực hành.
Gần đây anh có nhận lời tham gia làm giám khảo vòng chung kết của cuộc thi Creativietee. Anh có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về cuộc thi này cũng như lý do tại sao anh tham gia làm giám khảo cuộc thi được không?
Đối với tôi, các cuộc thi thiết kế bên cạnh các yếu tố giải thưởng, cần được nhìn dưới góc độ như một trong những điều kiện tốt nhất để các bạn trẻ có thể thử thách bản thân, tìm ra những khuyết điểm để cải thiện, đồng thời có cơ hội để kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Một cuộc thi thiết kế cũng giống như một Project được thực hiện trong Trường, với các yêu cầu về mặt chất lượng, số lượng, thời gian, sự vui đùa tự do bay bổng với sáng tạo, …
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quyết định trong một cuộc thi như ở CreatiVieTee so với môi trường Trường lớp, là đa phần các sản phẩm đạt giải của từ cuộc thi sẽ có cơ hội được đưa vào ứng dụng trong thực tế rất cao, và đó là điều mà các bạn trẻ yêu thích thiết kế & sáng tạo nên quan tâm, bởi yếu tố đó sẽ giúp ích cho họ rất nhiều trong mắt các nhà tuyển dụng sau này.
Tôi ủng hộ và cổ vũ cho tất cả các hoạt động nhằm khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thiết kế nói riêng và lĩnh vực sáng tạo nói chung, đó là lý do vì sao tôi nhận lời tham gia với vai trò giám khảo của CreatiVieTee.
Khi tham gia Creativietee, đa phần các sản phẩm đạt giải từ cuộc thi sẽ có cơ hội được đưa vào ứng dụng trong thực tế rất cao, và đó là điều mà các bạn trẻ yêu thích thiết kế & sáng tạo nên quan tâm, bởi yếu tố đó sẽ giúp ích cho họ rất nhiều trong mắt các nhà tuyển dụng sau này.
–Một số tác phẩm dự thi Creativietee
Dự định của anh trong tương lai gần?
Tôi muốn xây dựng một không gian dành riêng cho việc khuyến khích & phát triển các lĩnh vực liên quan đến thiết kế và sáng tạo đầu tiên, sau đó sẽ phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tôi muốn một ngày kia Việt Nam và Thế Giới sẽ giang tay đón nhận những sản phẩm thiết kế sáng tạo thực sự được thiết kế tại Việt Nam, do con người Việt Nam tạo ra.
Đây là một dự án rất tham vọng, nhưng đối với tôi, nó cũng giống như khi bước vào một cuộc thi vậy, ở đó tôi có cơ hội thử sức, có cơ hội chứng minh năng lực của mình, tìm ra được những điểm cần điều chỉnh và phát triển hơn nữa ở bản thân, kết nối với những con người sáng tạo, … và quan trọng hơn cả, là tôi sẽ luôn tìm thấy chính bản thân mình khi hiện thực hoá giấc mơ đó !
Chúc anh thành công trên con đường mình đã chọn
CreatiVieTee
Để lại đánh giá