Công trình là một ngôi nhà nhỏ có diện tích 80m2 nằm trên trục đường chính của một ngôi làng ở Quảng Ngãi. Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi kiến trúc và không gian sống của nơi này. Những ngôi nhà mới với phong cách mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở các thành phố lớn đã phá vỡ cảnh quan và lối sống quen thuộc của người dân. Ngôi nhà của một cặp vợ chồng trên 50 tuổi đã sống ở vùng nông thôn này kể từ khi họ được sinh ra. Trong quá trình tìm kiếm một kiểu mẫu mới phù hợp với bối cảnh, nhóm KTS tin rằng việc điều chỉnh kiến trúc mới dựa trên lối sống văn hóa truyền thống của hai vợ chồng là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Vườn rau, sân chơi và không gian kết nối
Gắn kết với thiên nhiên, những sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây là làm vườn, phơi thóc… Vì vậy vườn rau, sân chơi đa năng trở thành linh hồn của những ngôi nhà ở thôn này. Trong một mặt bằng nhỏ, tầng trệt cần nhiều công năng phức tạp bao gồm chỗ sửa xe đạp, phòng khách, nhà bếp, bếp củi ngoài trời truyền thống, phòng ngủ, nhà vệ sinh, sân phơi thóc, kho lúa, sân nuôi gà, v.v…
Nhóm KTS đề xuất những khu sân nhỏ ở phía trước, giữa và sau của ngôi nhà, để kết nối các không gian trong nhà với thiên nhiên. Thay vì có một khoảng sân rộng như những ngôi nhà khác trong làng, KTS tạo ra nhiều khoảng sân với chiều cao khác nhau, phù hợp với chiều cao của cấu trúc ngôi nhà. Trên tầng lửng có khoảng sân nhỏ thông với sân giữa nhà.
Sân vườn trên sân thượng tiếp giáp với sân của tầng lửng tạo sân chơi và vườn rau nối từ mái xuống tầng trệt. Rau củ thu được từ vườn nhà được sử dụng trực tiếp cho bữa ăn hàng ngày và luôn tươi ngon.
Hai vợ chồng đã có những giờ phút hạnh phúc cùng nhau trồng thực phẩm và rất nhiều lần chia sẻ sản phẩm của họ với các gia đình hàng xóm và thật bất ngờ, công trình kiến trúc đã tạo ra các tương tác xã hội cộng đồng như một sản phẩm phụ của nó. Khu vườn trên sân thượng còn có vai trò cách nhiệt cho ngôi nhà, khiến nhiệt độ bên trong giảm đáng kể so với mái tôn.
Hình thái kiến trúc nông thôn
Trong phong cảnh truyền thống Việt Nam, ngôi nhà mái đỏ đại diện cho kiến trúc địa phương một thời. Tuy nhiên, hiện nay những ngôi nhà nhiều tầng lợp tôn mới dường như đã làm mất đi bản sắc của cảnh quan làng quê. Phương án mái bậc thang làm giảm chiều cao mặt tiền, giúp không gian đô thị không bị ngợp và tạo độ dốc thoải mái. Điều này thiết lập sự liên lạc giữa không gian trên mái và không gian dưới đường. The Red Roof mang ý nghĩa lưu giữ và gợi nhớ nếp sống nông thôn quen thuộc ngày xưa.
- Thiết kế & hình ảnh: TAA DESIGN
- Diện tích: 80 m²
- Địa điểm: Quảng Ngãi
- Năm: 2019
Để lại đánh giá