Thưởng tranh: “Hình vuông đen” của Kazimir Malevich

Một cuộc cách mạng hội họa và một bước tiến quan trọng của sự phát triển nghệ thuật hiện đại.

Điều nổi bật ở tác phẩm “Hình vuông đen”, được vẽ bởi họa sĩ Kazimir Malevich vào năm 1915, là hầu như tất cả các kỹ thuật tiêu chuẩn của hội họa truyền thống đều bị lược bỏ. Không đổ bóng tông màu, không phối cảnh, không có bất kỳ mô tả nào về không gian ba chiều. Không có một hình dáng nào khác, ngoại trừ hình vuông. Bản thân màu sắc đã được hiển thị ở dạng nhị phân nhất: một hình vuông màu đen được vẽ trên một tấm vải lanh trắng, có kích thước mỗi cạnh chưa đầy 1m.

Tác phẩm như đang đại diện cho sự hư vô, trông giống hình bóng bị bỏ lại khi một bức họa bị gỡ khỏi tường, ánh sáng mặt trời tẩy bạc phần tường bao quanh và để lại một vùng bóng đen nơi khung tranh từng ngự. “Hình vuông đen” thể hiện một miền hư không, loại bỏ phương pháp mỹ thuật, là một phiến đá nghệ thuật tinh khôi. Đó chính trọng điểm của tác phẩm.

Tác phẩm Black Square, 1915, Kazimir Malevich

• • •

Kazimir Malevich là nghệ sĩ người Nga hoạt động chủ yếu vào đầu thế kỷ 20. Xuyên suốt sự nghiệp hội họa của mình, ông đã sáng tác với nhiều phong cách khác nhau trong nhiều thập kỷ, nhưng những tác phẩm quan trọng nhất của ông được vè trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến năm 1918, khi ông tập trung chủ yếu vào việc khám phá các dạng hình học (hình vuông, hình tam giác và hình tròn) và mối quan hệ giữa chúng trong không gian tranh 2 chiều.

Năm 1915 là thời điểm nước Nga có nhiều sự thay đổi chóng mặt. Tương tự tại Tây Âu, cấu trúc xã hội đang trải qua những biến động mạnh mẽ khi cuộc cách mạng công nghiệp mang lại những thay đổi về cơ sở kinh tế và xã hội. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, chế độ quân chủ của Sa hoàng Nicholas II sớm chứng kiến ​​một cuộc cách mạng chính trị đầy truân chuyên tại quê hương của Malevich.

Các nghệ sĩ trẻ thời đó đang đắm chìm trong làn sóng thay đổi. Đồng thời, họ cũng chịu ảnh hưởng từ các phong trào nghệ thuật mới từ Paris. Malevich đã tự mình đến thăm Paris vào năm 1912 và trở về trong trạng thái đầy cảm hứng từ các tác phẩm của Picasso và Braque, cũng như nghệ thuật Lập thể. Một nguồn cảm hứng khác của ông là nghệ sĩ người Ý Filippo Tommaso Marinetti, người đại diện cho nhóm họa sĩ Chủ nghĩa Vị lai. Chủ nghĩa Vị lai nhấn mạnh vào tốc độ, công nghệ và sự hùng hổ của máy móc hiện đại, cùng với sự nổi loạn của Marinetti, dường như đã gói gọn cảm giác về những biến đổi trọng đại đang diễn ra.

hTranh tự hoạ của Kazimir Malevich, 1908 hoặc 1910-1911

Malevich nhanh chóng áp dụng thứ nghệ thuật tiên phong của Tây Âu vào phong cách hội họa của mình. Trong một thời gian ngắn, các bức tranh của ông đã áp dụng nhiều kỹ thuật thị giác của trường phái Ấn tượng, trường phái Dã thú, trường phái Lập thể, cùng với ảnh hưởng của trường phái Vị lai Ý.

Ông nhanh chóng áp dụng một phong cách hội họa phi khách quan cấp tiến hơn, mà ông gọi là “Trường phái Siêu việt”. Thông qua việc tập hợp các dạng hình học, ông cố tìm kiếm một dạng Lập thể thuần túy hơn. Thuật ngữ Trường phái Siêu việt xuất phát từ khái niệm về cảm giác đỉnh cao được đưa ra bởi sự trừu tượng không pha loãng. Như Malevich đã nói, đó là “… một trải nghiệm không thiên vị… sự tuyệt đỉnh của cảm giác thuần túy.”

Trong khoảng thời gian này, Malevich cũng tham gia vào các loại hình nghệ thuật khác ngoài hội họa, nổi bật nhất là thiết kế sân khấu và trang phục opera. Năm 1913, ông hợp tác với một nhà soạn nhạc trẻ tên là Mikhail Matyushin trong một tác phẩm opera mang tên Chiến thắng Mặt trời (Victory over the Sun). Vở opera lấy chủ đề là sự chiến thắng của công nghệ trước thiên nhiên và chiến thắng của con người hiện đại trước sức mạnh nguyên thủy của mặt trời. Một trong những tấm khăn trải nền mà Malevich thiết kế cho thấy hình vuông lớn được chia theo đường chéo thành vùng đen trắng – tiền thân cho bức tranh sau này của ông.

Thiết kế cho vở opera Chiến thắng Mặt trời của M. Matyushin và A.Kruchenykh, Nhà hát Vị lai số 1, St.Petersburg, 1913

Hình vuông Đen là tác phẩm nghệ thuật cấp tiến nhất Trường phái Siêu việt của Malevich. Lần đầu tiên bức tranh được trưng bày trước công chúng là trong một cuộc triển lãm được tổ chức tại Petrograd (nay là Saint Petersburg) vào năm 1915. Tựa đề của cuộc triển lãm là Cuộc triển lãm tranh theo Trường phái Tương lai cuối cùng 0,10 (không-mười) (Последняя футуристическая выставка картин 0,10). Số “không” trong tiêu đề là để đề cập đến ý tưởng về một khởi đầu mới trong nghệ thuật – một điểm 0 – trong khi số “mười” đề cập đến số lượng nghệ sĩ đã tham gia triển lãm.

Malevich có một phòng tranh cho riêng mình. Tổng số ba mươi sáu bức mà ông trưng bày đều là tranh trừu tượng, nhiều bức bao gồm chữ thập, hình tròn hoặc các mảng hình chữ nhật rải rác. Hình vuông Đen là yếu tố quan trọng nhất  và được chọn đặt tại một vị trí treo duy nhất: đi qua góc trên của một căn phòng phỏng theo cách bày trí của một ngôi nhà Nga điển hình.

Không gian trưng bày tại Cuộc triển lãm tranh theo Trường phái Tương lai cuối cùng 0,10, 1915

Để đi kèm với buổi triển lãm, Malevich đã sản xuất một cuốn sách nhỏ viết về loại hình nghệ thuật mới của mình. Sau đó, cuốn sách được tái bản với tựa đề “Từ Trường phái Lập thể và Vị lai đến Trường phái Siêu việt: Trường phái hiện thực mới trong hội họa” (From Cubism and Futurism to Suprematism: The New Realism in Painting). Trong cuốn sách nhỏ này, Malevich đã đưa ra một loạt các tuyên bố hùng hồn về sự hợp thời của nghệ thuật phi đại diện của mình, đồng thời phê phán “nghệ thuật hàn lâm” của các thế hệ trước. Đối với Malevich, mục đích chính của phong trào nghệ thuật mới của ông là khẳng định khả năng có một trải nghiệm thẩm mỹ hoàn chỉnh:

“Tôi đã biến mình thành con số không của hình thức và lôi bản thân ra khỏi cái bể đầy rác rưởi của nghệ thuật Hàn lâm.”

Theo Malevich, việc tạo ra những bức tranh với một chủ đề là “thô tục” và chỉ có tác dụng phá hủy bản chất thực sự của hội họa: màu sắc và kết cấu. Ông cũng liên kết gốc rễ của phong cách với bản chất cách mạng trong phong trào của chính mình:

“Trường phái Vị lai đã mở ra cái ‘mới’ trong cuộc sống hiện đại: vẻ đẹp của tốc độ.

Và thông qua tốc độ, chúng ta di chuyển nhanh hơn.

Và chúng ta, những người mới hôm qua là những cá nhân theo Trường phái Vị lai, đã đạt đến tốc độ nhanh chóng với những hình thức mới, những mối quan hệ mới với thiên nhiên và vạn vật.

Chúng tôi đến với Trường phái Siêu việt, để lại Trường phái Vị lai như một lỗ hổng mà những người bị bỏ lại sẽ vượt qua.

Chúng tôi đã từ bỏ Trường phái Vị lai; và chúng tôi, những người táo bạo nhất, đã bàn luận về sự thay đổi nghệ thuật đó.”

• • •

Đối với giới nghệ sĩ, Hình vuông Đen là một nỗ lực táo bạo nhằm bắt đầu lại một cách mới mẻ, thể hiện một cách trực quan về sự khởi đầu mới trong nghệ thuật. Là một ví dụ đích thực về thành tựu nghệ thuật, tác phẩm vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, vì mục đích của nó không phải để thể hiện vẻ đẹp hay kỹ năng nghệ thuật theo nghĩa truyền thống.

Thay vào đó, Malevich đã vẽ một hình ảnh được thiết kế nhằm tạo ra sự ấn tượng với một ý tưởng theo cách thẳng thắn nhất, nơi Malevich tưởng tượng rằng chúng ta có thể bước qua khoảng trống để đến tiến về phía bên kia. Ngày nay, khi nhìn lại, tác phẩm này là một ví dụ ban đầu về cái mà chúng ta có thể gọi là Nghệ thuật Khái niệm. Chính vì vậy, bức tranh là một tuyên bố đầy thô bạo và nhân tạo một cách ngớ ngẩn nhưng đồng thời đầy rẫy ý niệm ẩn chứa bên trong.

Bài viết gốc How to Read Paintings: Black Square by Kazimir Malevich
Bởi Christopher P Jones, tại Medium, 16.03.2021
Lược dịch bởi Artplas