Trg H Thiện: Sáng tạo có chủ đích để tác phẩm có chiều sâu hơn

Nếu mình có một bài viết để học, mình sẽ thích nó. Một bài viết vừa học, vừa chơi mình sẽ ấn tượng và thoải mái với nó. Có vẻ đó sẽ là không khí sắp mình đây mà mình muốn gợi tả đến. Lần này, khách mời mình mời đến là Huy Thiện – anh là nhà thiết kế đồ họa / định hướng nghệ thuật và là nhà nhiếp ảnh gia ẩm thực.. Định dạng bài viết này cung cấp cho bạn “những câu hỏi ngớ ngẩn đầy chủ đích”, cùng theo dõi nhé!

Để bắt đầu những câu hỏi, mình sẽ giới thiệu về Huy Thiện. Trong cuộc trò chuyện vừa qua, ngoài nhận lại câu trả lời là những “title – tựa đề” trong mô tả về công việc của anh, như mình đã nói ở phần đầu. mình còn nhận được những câu trả lời khác về anh, chẳng hạn như trải nghiệm trong quá khứ.

Thiện thổ lộ, anh từng là một sinh viên Tài chính, rồi sau đó anh lại thích lĩnh vực sáng tạo nên đã chuyển sang. “Đến với ngành sáng tạo như một cái duyên, mình được một người anh giới thiệu đến một Trường về đào tạo thiết kế đồ hoạ ở Sài Gòn lúc bấy giờ, và mình thích ngành sáng tạo lúc nào không hay.

Dần dần, Thiện học tập thiết kế sáng tạo dựa trên việc tham gia khóa học ở trường, workshop chia sẻ của các bạn sáng tạo. Cộng với đó là khoảng thời gian nỗ lực lặp đi, lặp lại trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, thiết kế, phổ cập về kiến thức, định hướng nghệ thuật của mình.

Sau quá trình, hiện Thiện mở một studio làm về Branding & Packaging và Nhiếp Ảnh Ẩm Thực tên là Morris Studio. Sẽ không để bạn chờ đợi, mình sẽ bắt đầu với định dạng những câu hỏi:

Khi bắt đầu thiết kế, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Tại sao?

Ở thời gian đầu mới làm nghề, mình ngồi vào máy liền bật Pinterest lên và xem cái gì hay hay là bắt chước làm theo. Ở thời gian sau này và đến hiện tại, khi bắt đầu thiết kế, mình bắt đầu đào sâu về câu chuyện của mỗi một Artwork (tác phẩm) đối với các ấn phẩm Packaging (Thiết kế bao bì), đối với câu chuyện thương hiệu trong Brand Identity (thiết kế Nhận diện thương hiệu) hoặc là câu chuyện gì thú vị đối với Food Photography (Nhiếp ảnh Ẩm thực). Để mỗi sản phẩm mình tạo ra đều có chiều sâu và câu chuyện đằng sau đó hơn là việc cứ thiết kế “đẹp”.

Bạn có bị ảnh hưởng mọi thứ xung quanh khi thiết kế không? Đó là gì?

Thời gian đầu thì có chứ, mình hay bị mất tập trung trong khi thiết kế, vì khi ấy là một người mới mà! Mình hay research (nghiên cứu, tìm hiểu) nhiều nguồn khác nhau và bị lan man, thử hết phong cách này đến phong  cách khác, mà không ra được kết quả và lại bị mất thời gian rất nhiều cho cái việc thử ấy. Nhưng đối với bản thân mình của thời điểm hiện tại, như mình đã nói ở trên, mình đã hoạch định ra được một quy trình làm việc thiết kế cụ thể, nên hiện tại cũng giảm thiểu được vấn đề ấy rất nhiều rồi. 

Thiện có thể chia sẻ về “sáng tạo có chủ đích”?

Mình mới bắt đầu thấm câu nói này trong thời gian gần đây thôi. “Sáng tạo có chủ đích” là một câu nói của một anh Founder (người sáng lập doanh nghiệp) của một lớp học về Định hướng nghệ thuật. Mình có cơ hội được làm việc với anh trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng mình được thay đổi rất nhiều, và chính câu “Sáng tạo có chủ đích” đã giúp mình tạo ra các sản phẩm có chiều sâu nhiều hơn. 

Mình gọi nó là “châm ngôn” của mình từ bây giờ đi nhỉ! Nó giúp mình phải tìm hiểu và đào sâu về câu chuyện, tại sao mình làm ra được thiết kế này, nó có hợp lý không và nó có phù hợp với đối tượng (khách hàng, nhãn hàng..) không? Mỗi thiết kế mình phải tính toán kỹ về sự có mặt của chúng, nó tạo ra được giá trị gì cho khách hàng, nó có câu chuyện gì và câu chuyện đó nó có phù hợp không? Và đó cũng là quy trình làm sáng tạo của mình, đặt ra những câu hỏi rồi tự trả lời, sau đó dựa vào các câu trả lời đó mình mới triển khai nó thành hình ảnh. 

Bạn có thường làm việc khác song song khi thiết kế?

Thiết kế đồ hoạ cũng chỉ là một “công cụ” để tạo ra sản phẩm sáng tạo, vậy nên mới gần đây, mình thử một lĩnh vực mới hơn đó là nhiếp ảnh ẩm thực. Tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng thiết kế đồ hoạ bổ trợ rất nhiều cho nhiếp ảnh ẩm thực lắm đấy. 

Như mình đã chia sẻ, nếu mỗi sản phẩm sáng tạo của bạn đều có “câu chuyện” thì ngoài thiết kế ra. Nó sẽ có rất nhiều phương thức để tạo ra được sản phẩm ấy, nên cứ trải nghiệm hết những gì bạn thích đi, mỗi cái đều có thú vị đấy. 

Một treatment (tạm dịch: cách xử lý trong một thiết kế) để mô tả về bạn? Tại sao?

Mình chọn Line Art (tạm dịch: một đường vẽ uốn lượn tạo ra hình ảnh nghệ thuật) là treatment thiết kế mà suốt khoảng thời gian làm nghề để tự mô tả mình. Bởi khi mình vẽ một đường path (đường dẫn), nối các điểm khác nhau lại với nhau. Nó tạo ra một hình dạng khác nhau, mà mỗi lần mình vẽ ra, nó đều tạo ra các kết quả khác nhau, nhưng chỉ với cùng một phương thức. Cũng chính vì vậy, mỗi lần mình làm ra một sản phẩm nó đều là một phương thức hoàn toàn khác nhau, nhưng dựa trên “đặc sản” cũ và nâng cấp thêm. 

Một xíu chia sẻ về tương lai của bạn?

Nghe hơi buồn cười, nhưng vừa mới đây mình đã muốn chấm dứt việc làm sáng tạo của mình ở đây và chuyển sang làm kinh doanh. Nhưng “dòng đời đưa đẩy” mà, bằng một cách nào đó mình lại tiếp tục làm nó, và tương lai mình mong muốn sẽ làm về sáng tạo cho riêng mình, về thiết kế đồ họa và nhiếp ảnh ẩm thực dựa trên Morris Studio mà mình đã chia sẻ trước đó.

Viết bài & Biên tập: Lê Quan Thuận

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!