Trò chuyện cùng Kenya Hara: triết lý “tính không” và sự đơn giản trong thiết kế

Trong quyển sách “Ex-formation” của mình, Kenya Hara chia sẻ về khái niệm “the scales fall from the eyes” (tạm dịch “được khai sáng”) nhằm nói về việc giải phóng con người khỏi những định kiến và suy nghĩ thông thường để cảm nhận lại thực tế mới của thế giới quanh ta.

Nhà thiết kế Kenya Hara

Quyển sách là một tập hợp các dự án nghiên cứu hoàn thành bởi các sinh viên tham gia khóa học của ông tại Đại học Nghệ thuật Musashino của Nhật Bản, nhấn mạnh về những điều kỳ diệu về thế giới và cuộc sống mà đa số chúng ta chưa thấu hiểu, qua đó tiết lộ cách để đạt được sự thấu hiểu này. Đây cũng chính là khái niệm mà Kenya Hara sử dụng trong các tác phẩm của mình, với tư cách là một nhà giáo, nhà văn, biên tập viên, và nhà sáng tạo.

Hiện đang giữ chức vụ giám đốc nghệ thuật (art director) của Muji – tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới của Nhật Bản – Kenya Hara đã từng bước giúp định hình triết lý công ty, hình ảnh, và thiết kế đồ họa cho thương hiệu vốn nổi tiếng với các dòng sản phẩm mang phong cách tối giản này. Bài viết dưới đây là cuộc nói chuyện thú vị nơi mà ông chia sẻ lý do tại sao mình lại nhận công việc là giám đốc sáng tạo của một tập đoàn bán lẻ, khái niệm và triết lý “emptiness” (tạm dịch “tính không”), cũng như sức mạnh của thiết kế.

Các tác phẩm của ông luôn nhấn mạnh về thiết kế và những trải nghiệm. Lúc còn nhỏ, ông có thích làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật không?

Khi còn nhỏ, tôi sống ở phía tây của Nhật Bản. Tôi đã học kiếm đạo Nhật Bản và vẽ tranh trong suốt thời trung học, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ dấn thân vào lĩnh vực nghệ thuật. Lúc đó tôi muốn tạo ra một chương trình truyền hình hơn. Khi tôi học năm thứ hai trung học, vị giáo viên mỹ thuật mà tôi yêu mến đã gợi ý cho tôi về việc đi học đại học. Lời đề nghị đó đã kích thích tôi muốn dấn thân vào lĩnh vực nghệ thuật.

Sau đó tôi đăng ký lớp Khoa học Thiết kế tại trường Đại học Nghệ thuật Musashino của Nhật Bản. Tại đây có một vị giáo sư tuyệt vời, ông Shutaro Mukai, người đã từng học tại Trường Thiết kế Ulm ở Đức. Tôi rất ấn tượng về ông ấy. Tôi đã dành sáu năm học Khoa học Thiết kế và tốt nghiệp với bằng thạc sĩ tại đó. Tuy nhiên sau đó tôi vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thiết kế. Thiết kế là một khái niệm rất quan trọng, nhưng thuật ngữ “nhà thiết kế” nghe có vẻ quá thương mại đối với tôi.

Một năm sau khi tốt nghiệp, tôi làm trợ lý cho Eiko Ishioka, một nghệ sĩ và nhà thiết kế trang phục nổi tiếng của Nhật Bản. Các tác phẩm của cô không giống với những thiết kế thương mại thông thường. Tôi cũng rất ấn tượng với cô ấy, và trải nghiệm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi về thiết kế. Cô ấy đã thách thức tôi suy nghĩ về các cách tiếp cận khác nhau để tạo ra tác phẩm tuyệt vời.

Nhà thiết kế Kenya Hara

Sau đó, ông làm việc tại Trung tâm Thiết kế Nippon, một công ty được thành lập vào năm 1959 với mục đích nâng cao chất lượng thiết kế quảng cáo tại Nhật Bản. Giờ ông là chủ tịch của công ty này và vào năm 2002, ông trở thành giám đốc nghệ thuật tại Muji. Điều gì đã thúc đẩy ông đảm nhận vai trò đó?

Thực ra, tôi không giỏi trong việc tạo các quảng cáo gây kích thích. Suy nghĩ của tôi không tập trung vào khía cạnh thương mại. Thay vào đó, tôi luôn tự hỏi, “Nhân loại có thể đạt được những thành tựu gì?” Đó là điều tôi quan tâm. Năm 2002, vị giám đốc nghệ thuật nổi tiếng Ikko Tanaka, người đã giúp tôi tạo nên toàn bộ concept của Muji, đã gọi cho tôi. Anh ấy muốn chuyển cái “dùi cui” qua cho tôi. Tôi đã rất ngạc nhiên. Tại sao ư? Vì anh ấy là một nhà thiết kế rất nổi tiếng và có một trợ lý tuyệt vời. Vậy thì tại sao anh ấy không chuyển cái “dùi cui” đó cho anh ta?

Nguồn ảnh: Muji

Tôi rất quan tâm đến hướng đi và tầm nhìn của Muji. Vào thời điểm đó, thương hiệu này đã thành công ở Nhật Bản và có hơn 500 cửa hàng tại đây. Mọi người tiêu dùng trong nước đều tôn trọng thương hiệu này. Nhưng khi tôi nghĩ về Muji toàn cầu, về cách mà tôi có thể giúp nó lan rộng ra toàn thế giới, tôi nghĩ có lẽ đây sẽ là nơi tôi có thể ghi được dấu ấn của mình. Và dấu ấn đó chính là “tính không”, một khái niệm tôi dùng để giải thích triết lý cơ bản của Muji. Các sản phẩm của Muji trông rất tối giản. Chủ nghĩa tối giản rất giống với khái niệm đơn giản của phương Tây. Nhưng có một sự khác biệt giữa sự đơn giản và sự trống rỗng.

Khái niệm “tính không” này bắt nguồn từ đâu?

Nguồn gốc của thiết kế Nhật Bản được thành lập vào thế kỷ 15 – rất lâu trước khi Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) bắt đầu. Thử tưởng tượng quần đảo Nhật Bản và nghiêng 90 độ, trông nó sẽ giống như cái phễu dưới cùng của máy bắn bi, với nhiều quả bóng rơi vào từ trên xuống. Và trên thực tế Nhật Bản thu thập rất nhiều loại hình văn hóa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới – không chỉ Trung Quốc mà còn cả Ấn Độ và Nga.

Tuy nhiên, văn hóa thế giới không bắt đầu bằng sự đơn giản. Nó bắt đầu với những đồ trang trí màu mè và màu sắc rực rỡ. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Á-Âu, Châu Âu, các vị vua coi đây là một cách để thể hiện sức mạnh to lớn của mình. Vì vậy, mọi thứ được thêm rất nhiều tiểu tiết.

Vào giữa thế kỷ 15, một cuộc nội chiến lớn kéo dài hơn mười năm đã xảy ra ở Kyoto, phá hủy thành phố này, và văn hóa Nhật Bản cũng đã được thiết lập lại vào thời điểm đó. Vì vậy, sự hào nhoáng phổ biến trước chiến tranh phần lớn đã bị xóa bỏ. Kiến trúc, những khu vườn và thiết kế nội thất của Nhật Bản ngày nay đã khởi nguồn từ thời điểm này. Và dẫn đường chính là triết lý về “tính không”.

Không gian trống là một loại ngăn chứa sáng tạo có tiềm năng tạo ra một hình ảnh rất tuyệt vời. Những khu vườn thiền kiểu Nhật Bản rất trống vắng, chỉ có duy nhất cát trắng và đá nhỏ. Nhưng không gian trống này khơi dậy trí tưởng tượng cho những người đến thăm; họ có một cuộc trò chuyện với chính họ trong không gian trống này. Để nuôi dưỡng trí tưởng tượng – đó là điểm quan trọng nhất của “tính không”. Toàn bộ concept của của Muji dựa trên và xoay quanh triết lý này.

Ông có gặp khó khăn khi giải thích khái niệm đó cho các nền văn hóa khác không?

Văn hóa chỉ phụ thuộc vào tính địa phương của nó. Nếu chúng ta mở rộng văn hóa địa phương của mình ra một bối cảnh toàn cầu, thì văn hóa toàn cầu sẽ trở nên phong phú hơn. Khái niệm “tính không” của người Nhật rất dễ hiểu đối với mọi người trên toàn thế giới. Khi có nhiều cơ hội trải nghiệm trực quan về “tính không”, họ có thể sử dụng triết lý đó trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của mình.

Nguồn ảnh: Muji

Ông có lời khuyên nào cho những người đam mê thiết kế không?

Thiết kế không chỉ là một kỹ thuật đặc biệt để tạo ra các hình, dạng, và ảnh. Nó còn làm thức tỉnh mọi người. Đó là sức mạnh rất quan trọng của thiết kế.

Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều đã được thiết kế sẵn – ví dụ như hình dạng của cuộn giấy vệ sinh. Con người thích những thứ trông vuông vắn. Những loài động vật khác ví dụ như sư tử hay hà mã có lẽ không thích những thứ hình vuông. Vậy tại sao con người lại như vậy? Chúng ta tạo ra các tòa nhà hình vuông, các căn phòng vuông, đồ nội thất vuông, máy tính xách tay vuông, con tem cũng vuông. Tại sao thế giới lại được thiết kế vuông vức như vậy? Tôi nghĩ trọng lực và vị trí của hai mắt, vốn dĩ song song với hai tay của chúng ta, chính là lý do. Thế giới đã và đang tiếp tục được thiết kế bằng những hình vuông. Khi chúng ta nhận thức được điều này, thế giới bắt đầu trông khác lạ. Và từ đây, tâm trí ta bắt đầu thay đổi – nó thức tỉnh.

Theo surfacemag
Biên dịch: Lam Tran | RGB