Từ thiết kế con ruồi trong bồn tiểu đến nghiên cứu đoạt giải Nobel kinh tế

Thomas Crapper & Co

Giáo sư Richard Thaler của Đại học Chicago đã giành giải Nobel kinh tế năm 2017 với nghiên cứu về kinh tế học hành vi, và thiết kế con ruồi trong bồn tiểu chính là ví dụ rõ ràng nhất cho nghiên cứu này của ông.

Vào đầu những năm 1990, Aad Kieboom – quản lý dọn vệ sinh tại Sân bay Schiphol của Amsterdam – đã cố gắng giảm bớt tình trạng “văng nước lung tung” xung quanh các bồn tiểu nam. Ông quyết định cho dán hình ảnh đầy chân thực của một con ruồi vào trong bồn tiểu, ngay gần miệng thoát nước. Ý tưởng của ông là tạo một mục tiêu cho các đấng mày râu “ngắm bắn” mỗi khi cần đi giải quyết nỗi buồn.

Vậy tại sao lại là một con ruồi? Con ruồi có kích cỡ nhỏ, hơi đáng ghét và phiền phức nhưng không đáng sợ như nhện, vốn có thể gây tác dụng ngược khiến người ta nín tiểu. 

“Ruồi đồng nghĩa với sự mất vệ sinh, nhưng đó cũng chính là lý do tại sao không ai cảm thấy tội lỗi khi nhắm vào nó!”, Aad Kieboom chia sẻ với tạp chí Works that Work vào năm 2013.

Và ý tưởng độc đáo này đã thành công ngoài sự mong đợi. Kieboom cho biết lượng nước tiểu tràn đã giảm đến 80% sau khi các bồn tiểu được dán thêm ruồi vào. Ông ước tính điều này làm giảm 8% tổng chi phí dọn dẹp phòng vệ sinh tại sân bay. Kể từ đó, những chú ruồi tí hon bắt đầu xuất hiện trong các phòng vệ sinh trên khắp thế giới.

Giáo sư Thaler gọi hình ảnh con ruồi trong bồn tiểu là minh họa yêu thích của ông ấy về một “cú huých” (a nudge). Vậy cú huých là gì? Cuốn sách năm 2008 về chủ đề này mà Thaler và Cass Sunstein là đồng tác giả đã định nghĩa “cú huých” là một lựa chọn “thay đổi hành vi của con người theo cách có thể dự đoán được mà không ngăn cản bất kỳ lựa chọn nào khác hoặc thay đổi đáng kể các động lực kinh tế của họ”.

Và điều quan trọng về những cú huých này là gì? Chúng không bắt buộc. Những cú huých không ngăn cản bạn làm điều sai mà chúng chỉ giúp bạn làm điều đúng dễ dàng hơn.

Lấy trường hợp của bồn tiểu ở sân bay. Giả sử, nếu đang tìm cách giảm sự “vương vãi”, giới chức có thể đưa ra chính sách nghiêm cấm việc này và thuê những người tham gia để thực thi chính sách bằng cách bắt những người vi phạm nộp phạt. Nhưng điều này sẽ tốn kém và gây tranh cãi, cũng như xâm phạm quyền riêng tư của người khác trong phòng vệ sinh.

Trong khi đó những con ruồi làm được điều tương tự mà không có bất kỳ yếu tố ép buộc nào. Chúng giúp người sử dụng bồn tiểu nam dễ dàng lựa chọn đúng đắn hơn.

Nguyên tắc tương tự này có thể được áp dụng cho bất kỳ lựa chọn nào khác, dù lớn hay nhỏ, mà người ta thực hiện trong cuộc đời của họ. Để thúc đẩy mọi người tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, bạn có thể tự động đăng ký họ vào quỹ hưu trí khi họ bắt đầu một công việc mới. Để thúc đẩy mọi người sử dụng ít năng lượng hơn, bạn có thể cho họ biết họ tiêu thụ bao nhiêu điện so với hàng xóm của họ. Để thúc đẩy người ta có thói quen ăn uống tốt hơn, hãy làm cho các lựa chọn thực phẩm lành mạnh dễ dàng tiếp cận hơn trong các quán cà phê.

Những hiểu biết này đều xuất phát từ lĩnh vực kinh tế học hành vi mà giáo sư Thaler hiện được coi là một trong những người sáng lập. 

“Bằng cách tìm hiểu các kết quả thu được từ sở thích xã hội, sự thiếu tự chủ, và tính hợp lý có hạn của con người, Thaler đã chỉ ra cách mà những đặc điểm này ảnh hưởng một cách có hệ thống đến các quyết định cá nhân cũng như kết quả thị trường”, Học viện Hoàng gia Thụy Điển đã viết khi trao giải Nobel cho giáo sư.

Theo: The Washington Post