Tuấn Thanh cùng Q&A: “Một chút chuyện thể nghiệm và mình sẽ chọn ra phiên bản tốt nhất của những tác phẩm”

Những bức tranh biết nói – như sắp tự kể ra câu chuyện là những gì khi tôi xem những tác phẩm mà Tuấn Thanh thực hiện. Tôi có thể thấy những bước chi tiết trong cách phác thảo đến phối hợp màu sắc trong khung cảnh của nhân vật. Cách tỉ mỉ cũng như tỉ lệ đo đạc tạo ra một bức tranh tổng thể sáng tạo, có chiều sâu. Hơn hết nó thể hiện được câu chuyện giao tiếp với chính người xem. 

Mọi người hay gọi Thanh là Fevik, anh chàng từng theo học ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM. Với công việc là họa sĩ minh họa cho sách và video game. “Tuổi thơ mình đắm chìm trong các trang truyện tranh Dragon Ball, Dr.Slump của tác giả Akira Toriyama. Ấn tượng bởi những hình vẽ vô cùng lôi cuốn đó đã làm cho cậu bé 13 tuổi như mình nỗ lực dậy rất sớm để tranh thủ có 10 – 20 phút hoàn thành một tranh vẽ trong truyện trước giờ đi học. Suốt khoảng thời gian đó, ngày qua ngày, mình miệt mài vẽ mà số lượng tranh mỗi một dày lên, mình đóng hẳn thành một quyển tập, giờ nghĩ lại thì đó có phải là cuốn artbook đầu tiên của mình không nhỉ!”

Sau này, Thanh chia sẻ việc bản thân học ngành thiết kế nội thất và sớm nhận ra đó là lựa chọn không phù hợp. Anh thay đổi quyết định và theo học thiết kế đồ họa. “Đó là lúc mình bắt đầu tìm hiểu về việc vẽ minh hoạ kỹ hơn. Nhờ những dự án chia sẻ lên mạng xã hội, mình đã may mắn được làm việc với các khách hàng ở trong và ngoài nước, dần dà mình thấy đó như cái duyên dẫn mình đến con đường này vậy”.

Chúng tôi bắt đầu với định dạng mới trong bài viết này, chúng tôi sẽ trò chuyện với nhau bằng những câu hỏi một chút. Mời bạn theo dõi nhé!

Một chút trải nghiệm: Bạn có thể kể với chúng tôi về trải nghiệm thú vị nhất hoặc khó nhất trong công việc liên quan sáng tạo này không?

Thú vị nhất có lẽ là mình có thể vẽ ra hình ảnh để thỏa mãn những ý tưởng chỉ xuất hiện thoáng qua trong đầu mà không phải là chữ viết! Khó khăn thì cũng nhiều không kém, nào là các kiến thức nền tảng, nào là kỹ thuật… Như hoạ sĩ Edgar Degas đã nói: “Vẽ rất dễ khi bạn không biết vẽ, nhưng rất khó khi bạn biết vẽ.” Nhưng sau tất cả, khó khăn nhất có lẽ là phải hiểu được vấn đề của khách hàng trước khi tự họ hiểu được họ muốn gì. Đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tạo ra các ý tưởng mới phù hợp. 

Trong dự án Người mẹ sông Hồng, mình được cộng tác với NXB Kim Đồng, cái khó ở chỗ làm sao để tạo nên được cái chất phù sa màu mỡ, cái không khí yên bình của dòng sông, nhưng vốn dĩ mình không sinh sống ở Hà Nội. Và mình không hề có kiến thức cũng như trải nghiệm nào, chính khó khăn đó giúp mình bỏ thời gian tìm hiểu nhiều hơn, được mở mang kiến thức về các tập tục, văn hoá, cội nguồn ngàn đời của cha ông.

Một chút cảm hứng: Bạn thường lấy cảm hứng sáng tác từ đâu. Tại sao bạn lại có cảm hứng xuất phát từ những điều này? Hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện liên quan.

Đây có thể không phải là một câu trả lời độc đáo, nhưng mình nghĩ việc tìm được cảm hứng sáng tạo lớn nhất là bởi hoạt động quan sát và lắng nghe mọi thứ xung quanh. Từ các phong cảnh đường phố, đến các câu chuyện, thu thập và lưu giữ mọi thứ trong tâm trí mình, đến các trang truyện tranh, các nghệ sĩ mình yêu thích, phim hoạt hình. Điều quan trọng là phải có một bí quyết lưu giữ tất cả những cảm hứng đó. Những hình ảnh trong phim của  Ghibli Studio đã luôn tạo cho mình những dấu ấn đặc biệt mỗi lần xem lại. Đó là cách kể chuyện, không gian màu sắc, âm nhạc trong phim đem lại cho mình sự thư giãn, cũng như ngưỡng mộ các hoạ sĩ đã làm việc cật lực, trau chuốt cho từng khung hình. Vì vậy mình muốn đem lại cảm giác đó vào trong tranh của mình. 

Thỉnh thoảng chỉ một sự mệt mỏi thoáng qua cũng tạo nên ý tưởng sáng tạo. Như tác phẩm “Moving” trong dự án cá nhân “Into the wild” cũng được bắt nguồn từ những lần chuyển nhà quá nhiều của mình, khiến mình rất nản, vẽ là một cách lưu lại kỷ niệm nhưng thay vì vẽ một bức tranh giữa cái nóng của Sài Gòn thì mình vẫn chọn thể hiện khung cảnh mát mẻ. Với những giây phút thư giãn ít ỏi, để tưởng tượng đến những khu rừng mát mẻ ở quê của mình.

Một chút thể nghiệm: Bạn học hỏi được điều gì từ rất nhiều lần thử nghiệm của mình? Kết quả nhận lại có như bạn mong đợi không?

Mình cố gắng tiếp cận nhiều phong cách khác nhau để phù hợp với nhiều dự án. Từ đó, mình hiểu rằng sáng tạo và đổi mới là cần thiết để tạo ra các tác phẩm phù hợp và mang tính cá nhân cao. Chẳng hạn các dự án bìa sách mình thực hiện cho nhà xuất bản (NXB) HarperCollins, NXB Peachtree.. Họ đều định hướng trước style (phong cách) vẽ real (tả thực) một tí để phù hợp với nội dung sách đó, nên mình không thể vẽ nhân vật kiểu stylized (cách điệu) được. Mình buộc phải thử nghiệm một phong cách, kỹ thuật khác những thứ mình làm hằng ngày.

Đôi khi kết quả rất tốt, mang lại cảm giác hưng phấn và tự hào khi tạo ra một tác phẩm mà mình hài lòng và được mọi người đánh giá cao. Tuy nhiên, mình cũng phải ém đi rất nhiều “tệ phẩm” mà không muốn mọi người thấy tí nào. Và mình phải vật lộn với nó trong nhiều tuần. Kết quả nhận lại có thể khác nhau, nhưng sự hứng thú sẽ vẫn sẽ ở đó.

Một chút thể nghiệm: Trong các dự án thương mại, bị giới bạn bởi thời gian thì bạn đã làm như thế nào để thử nghiệm được nhiều trong tác phẩm mà vẫn đúng tiến độ dự án?

Đối với những dự án gấp rút, có ít thời gian, chắc chắn mình sẽ không thử nghiệm nhiều mà tập trung, làm rõ định hướng khách hàng muốn hướng đến. Còn đối với những dự án thoải mái về thời gian thì sẽ đơn giản hơn. Mình sẽ chia sẻ trong câu hỏi quá trình vẽ ở dưới.

Một chút thể nghiệm: Bạn có nghĩ cái mà bạn làm tốt nhất nhưng khách hàng lại không nghĩ vậy không? Bạn đã giải quyết những tình huống như vậy như thế nào?

Mình luôn ở tâm thế là người đưa ý tưởng của khách hàng trở thành hiện thực, có thể lúc hoà hợp, lúc lại không hiểu ý nhau nên những phương án mình cực thích thì khách hàng lại ngược lại bởi thẩm mỹ và tư duy của mỗi người là khác nhau. Đó là lúc mình cần lắng nghe ý kiến của khách hàng nhiều hơn nữa, và cố gắng hiểu tại sao khách hàng không ưa thích phương án mình đưa ra. 

Nhiều khi cũng căng thẳng và hơi chán chường vì khách hàng “kỳ cục”, nhưng đó là lúc mình cần duy trì tinh thần thoải mái và tích cực, cần sự thông cảm, đồng cảm với suy nghĩ và mong muốn của khách hàng. Luôn cố gắng tiếp cận vấn đề một cách mở rộng và linh hoạt để đưa ra giải pháp tốt nhất đối với khách hàng. Mình tin rằng một hoạ sĩ giỏi không chỉ giỏi vẽ mà cần phải có khả năng linh hoạt và thích ứng với mọi tình huống.

Một chút quy trình: Quy trình vẽ của bạn gồm các bước nào? Bước nào là quan trọng nhất để tạo nên tác phẩm vừa thẩm mỹ vừa công năng?

Đối với mình, mỗi bước đều có tầm quan trọng nhất định. Trước tiên, mình sẽ đọc bản tóm tắt từ khách hàng, xem định hướng và kỳ vọng của họ muốn hướng đến. Note lại những điểm chính cần tập trung tránh bị lạc đề bởi những sở thích của cá nhân. Mình bắt đầu với những ý tưởng và tìm những tài liệu tham khảo (mình luôn dùng ảnh tham khảo) phục vụ cho phác thảo, có thể mất vài ngày cho công đoạn này. Sau đó là đưa ra những phác thảo sơ bộ để khách hàng chọn hướng đi. Tại thời điểm đó, mình cố gắng làm nhanh nhất có thể và gửi các phong cách khác nhau mà mình nghĩ là phù hợp. Sau khi đã chọn được hướng đi, là lên màu và test (thử) ánh sáng với nhiều lựa chọn khác nhau. Đảm bảo khách hàng chọn được phương án họ muốn trước khi thực sự vẽ chi tiết và render (thực hiện) hoàn thiện bức tranh. Sau cùng mình có thói quen xếp và phân chia lại các layer (lớp thiết kế/vẽ) cho gọn gàng, ngăn nắp.

Một chút thể nghiệm: Bạn có thể kể về 01 dự án của bạn liên quan “vẽ thể nghiệm”?

Đó là dự án Vocart (Vocabulary Artworks) – ứng dụng học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc. Đây có lẽ là dự án “oải” nhất đối với mình nhưng nó lại phần nào thoả mãn tính “tham” chi tiết trong tranh. Mỗi tranh khá dài và yêu cầu phải có trên 30 đối tượng, mình giải quyết vấn đề đầu tiên bằng cách sử dụng những cảnh kiểu chụp ảnh panorama (toàn cảnh) để giúp bố cục trông thú vị hơn.

Chưa bao giờ mình vẽ một tranh mà quá nhiều vật thể, đối tượng như vậy, nên quá trình research (tìm hiểu), phác thảo rất quan trọng, không sơ sài được nếu không lúc lên màu vừa vẽ vừa suy nghĩ thêm đối tượng gì ở đây rất mất nhiều thời gian. Dự án này mình cũng học hỏi kỹ thuật lên màu, texture (chất liệu) từ phim hoạt hình Klaus khá nhiều. Kết thúc dự án, đó là một cái thở phào nhẹ nhõm, vì cả chính mình và khách hàng đều hài lòng về thành quả. Yeah!

Viết bài & Biên tập: Lê Quan Thuận

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!