Tưởng dễ nhưng không dễ, thiết kế và bố trí nội thất cũng rất cần tính khoa học

Việc tự quyết định, tự thiết kế và bày trí nội thất cho căn nhà của mình mà không cần đến kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất không còn quá xa lạ với người trẻ và các gia đình hiện nay. Khi mà chúng ta dễ dàng tiếp cận các mẫu nhà đẹp đầy cảm hứng hay những tips tự thiết kế được chia sẻ rất nhiều trên mạng, tự thiết kế nhà cũng vì thế trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tưởng dễ nhưng lại không dễ, thiết kế và bố trí nội thất sao cho hợp lý cũng cần rất nhiều kiến thức và tính khoa học chứ không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ.

Video trong bài viết này cũng là một ví dụ rõ ràng cho tầm quan trọng của Công thái học & nhân trắc học (Ergonomics + Anthropometrics) trong thiết kế nội thất, kiến trúc. Qua video này, Jahon Shoh Architect mang đến bạn sự hình dung rất cơ bản nếu căn nhà không được bố trí hợp lý. Chính vì vậy, tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến của các kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất có kinh nghiệm trước khi lên ý tưởng cho căn nhà của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm những kiến thức cơ bản để có thể hiểu và áp dụng cách bố trí và thiết kế cũng như chọn sản phẩm nội thất một cách vừa thẩm mỹ, vừa khoa học.

Công thái học (Ergonomics) trong thiết kế nội thất là gì?

Công thái học (hay môn học về yếu tố con người, tiếng Anh: Ergonomics, phiên âm Ecgônômi) là một môn học về khả năng, giới hạn của con người. Từ đó có thể tăng khả năng và tối ưu hóa điểm mạnh của con người, hay để bù trừ khiếm khuyết, để bảo vệ điểm yếu.

Các kết quả nghiên cứu của môn học này có thể được ứng dụng làm cơ sở để tổ chức một cách khoa học quá trình lao động, duy trì khả năng lao động của con người được lâu dài ở mức cao; hay để xác định tính phù hợp với công việc, hệ thống máy móc thiết bị, sản phẩm và môi trường với các khả năng về thể lực, trí tuệ và cả với những hạn chế của con người.

Thân thiện với người dùng là kinh nghiệm cốt lõi của quy trình thiết kế và Nhà thiết kế nên đặt mình vào những gì mà người tiêu dùng cuối cùng mong muốn, đạt được sự đồng cảm từ họ. Ergonomics Ergonomics
hay còn gọi là Công thái học giải quyết giúp bạn những điều này.

Ergonomics trong thiết kế nội thất gồm các nguyên tắc sau:

Sử dụng hợp lý: Thiết kế nội thất phải có sự hữu ích cho người sử dụng, người ở, khả năng phải đa dạng.
Tính linh hoạt: Sản phẩm thiết kế chứa một loạt các sở thích cá nhân, phù hợp với khả năng và mục đích sử dụng của từng không gian cụ thể.
Sử dụng đơn giản và trực quan: Sản phẩm thiết kế cần dễ hiểu, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng.
Thông tin cảm quan: Thiết kế truyền thông tin cần thiết một cách hiệu quả cho người sử dụng, bất kể điều kiện môi trường xung quanh hoặc cảm giác của người dùng.
Giảm thiểu nguy cơ rủi ro: Việc thiết kế giảm thiểu các nguy cơ và hậu quả tiêu cực của hành động vô tình hay không cố ý.
Giảm tải hoạt động của cơ thể: Các thiết kế có thể được sử dụng một cách hiệu quả và thoải mái, tránh mang lại sự mệt mỏi cho người sử dụng. Các vật liệu, đồ nội thất cần được bố trí phù hợp, khoa học giúp giảm thao tác, di chuyển.
Cung cấp các điều kiện chiếu sáng tốt: Môi trường làm việc tổng thể nên được thoải mái và cho phép người sử dụng hoặc các nhà thiết kế có ánh sáng tốt, không khí trong lành và không gian đủ.
Trong văn phòng, nơi các màn hình máy tính được cài đặt, thiết kế của các hệ thống ánh sáng nên tránh phản xạ gây ra bởi các màn hình máy tính.

Nhân trắc học (Anthropometrics) trong thiết kế nội thất là gì?

Nhân trắc học là khoa học về phương pháp đo trên cơ thể con người và sử dụng toán học để phân tích các kết quả thu được, từ đó tìm hiểu quy luật về phát triển hình thái con người và vận dụng các quy luật đó vào việc giải quyết những yêu cầu thực tiễn của đời sống, của khoa học kỹ thuật và sản xuất. Như vậy, cứ liệu về nhân trắc là cơ sở để thiết kế chỗ làm việc, môi trường sống, dụng cụ sinh hoạt cho phù hợp nhằm tăng năng suất lao động, duy trì và nâng cao khả năng làm việc và giúp tiết kiệm năng lượng.

Bất kể công trình lớn nhỏ, được thiết kế theo kiểu nào cũng phải căn cứ vào nhân trắc, đặc biệt trong nội thất. Kích thước của đồ nội thất gắn với một khái niệm “tỷ xích” (mối tương quan giữa kiến trúc và người), đó là yếu tố hết sức quan trọng bởi nội thất mục đích chính không phải là làm đẹp cho ngôi nhà mà là phục vụ cuộc sống của con người, chính vì thế nó phải phù hợp với người sử dụng, mang lại cảm giác thuận tiện và thoải mái nhất.

Có 2 loại cứ liệu nhân trắc học là nhân trắc động và nhân trắc tĩnh. Đa số các sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng và sản xuất hàng ngày đều có mối quan hệ nhất định với hoạt động của cơ thể ở nhiều tư thế khác nhau. Người ta sử dụng các cứ liệu nhân trắc tĩnh cho mục tiêu thiết kế sản phẩm ứng với tư thế cố định của con người thì cứ liệu về nhân trắc động là cơ sở để thiết kế các thiết bị, công cụ sản xuất, không gian hoạt động cho từng bộ phận hay toàn bộ cơ thể người.

Kết quả nghiên cứu nhân trắc học của Việt Nam

Phần sau đây trình bày một số nhận xét tổng quát về tầm vóc cơ thể người  Việt Nam (trong lứa tuổi lao động) căn cứ vào tập “Atlat nhân trắc học Việt nam trong lứa tuổi lao động”. Dưới đây chỉ giới thiệu một số dấu hiệu cơ bản về nhân trắc tĩnh:

1/ Chiều cao đứng

Chiều cao đứng là một trong những kích thước được nhà thiết kế nội thất sử dụng nhiều trong thiết kế bởi vì đây là thông số phổ biến nhất trong hầu hết các thiết kế không gian sinh hoạt của gia đình. Theo nghiên cứu của nhân trắc học thì biểu hiện tầm vóc con người, thường thay đổi theo chủng tộc, giới tính và cũng chịu ảnh hưởng một phần của môi trường, hoàn cảnh sống, xã hội.

Chiều cao trung bình cả nước thì nam giới cao 161,2 cm, nữ giới cao 151,6cm; khoảng chênh lệch giữa hai giới là 9,6 cm. Tuy nhiên, nếu tính trung bình cho từng miền địa lý thì số chiều cao trung bình có một sự chênh lệch nhỏ như sau:

Chiều cao đứngBắcTrungNam
Nam giới (cm)160,8161,3161,9
Nữ giới (cm)150,9151,91152,1

2/ Chiều cao ngồi

Chiều cao ngồi là thông số phổ biến thứ hai sau chiều cao đứng. Nó có ý nghĩa trong việc thiết kế chỗ làm việc trong tư thế ngồi. Chiều cao ngồi còn dược dùng để thay thế cho bề dài phần thân trên khi cần so sánh với bề dài phần thân dưới.

Chiều cao ngồi của nam giới là 84,4 cm, của nữ giới là 79,5 cm và chênh lệch giữa hai giới là 4,9 cm. Chiều cao ngồi trung bình giữa các miền cũng có độ chênh lệch nhất định

Chiều cao đứngBắcTrungNam
Nam giới (cm)84,48484,9
Nữ giới (cm)79,579,179,6

Trên đây là sơ lược một số kiến thức cơ bản về Công thái học và Nhân trắc học trong thiết kế nội thất. Nhờ có môn khoa học, các kiến trúc sư có thể dễ dàng nghiên cứu, thiết kế và đưa ra hướng bày trí, thi công nội thất các công trình nhanh hơn. Bạn cũng có thể tham khảo để đưa ra những ý kiến phù hợp để tạo ra không gian hoàn hảo nhất cho căn nhà của mình. Tham gia cộng đồng về kiến trúc – nội thất tại arc vibes để chia sẻ thêm kiến thức.