Úc đề xuất đạo luật buộc các trang mạng xã hội cung cấp danh tính của các “thánh troll”

rgb-Úc đề xuất đạo luật buộc các trang mạng xã hội cung cấp danh tính của các “thánh troll”
Ảnh: Manan Vatsyayana (Getty Images)

Nếu đã là một “giang cư mận” thì chắc hẳn chúng ta quá quen thuộc với các thành phần “troll” đầy rẫy trên internet, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Hầu hết chúng ta đều nhắm mắt làm ngơ vì chúng là “troll” mà, biết ai đâu mà chấp làm gì. Thế nhưng, nước Úc có vẻ như đang muốn thay đổi điều này bằng việc đề xuất một đạo luật nhằm “vạch trần” bộ mặt thật của các “thánh troll” trên mạng.

Mới đây Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố trong một cuộc họp báo kế hoạch về một đạo luật mới, về cơ bản, sẽ khiến các công ty truyền thông xã hội phải cung cấp thông tin của người dùng – cụ thể là những người đăng bình luận phỉ báng hoặc quấy rối các người dùng khác – cho chính phủ. Việc này sẽ “vạch mặt” họ, loại bỏ quyền ẩn danh mà nhiều “thánh troll” đang lợi dụng.

Morrison nói trong cuộc họp báo trên truyền hình: “Thế giới trực tuyến không nên là một miền tây hoang dã, nơi những kẻ ẩn danh tha hồ lăng mạ, xúc phạm, thậm chí hãm hại người khác. Vì điều này là phạm pháp trong thế giới thực nên nó cũng không nên xuất hiện trong thế giới kỹ thuật số”.

Nếu bộ luật được thông qua, thì khi đó những người dùng là mục tiêu của những bài đăng bắt nạt, phỉ báng sẽ có thể gửi đơn khiếu nại bằng cách sử dụng một hệ thống mới, hệ thống này sẽ yêu cầu các nền tảng xóa các bài đăng công kích này. Nếu một trang web từ chối xóa thì hệ thống tòa án sẽ có quyền yêu cầu họ cung cấp thông tin chi tiết về người đã đăng tải những bài viết miệt thị đó.

Đạo luật mới này nếu được thông qua sẽ là bước tiếp theo trong nỗ lực thúc đẩy internet của quốc gia này trở thành một nơi an toàn hơn cho người dùng. Trước đây, Úc đã quy định rằng các nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về các bình luận được đăng trên trang của họ, thậm chí là những bình luận phỉ báng. Điều này khiến một số trang báo như CNN phải xóa các trang mạng xã hội của họ ở Úc, theo Reuters.

Ông Morrison nói tiếp: “Các công ty trực tuyến này phải có quy trình thích hợp để cho phép gỡ  những nội dung tiêu cực ảnh hưởng tới những người khác.”

“Cần phải có một cách gì đó dễ dàng và nhanh chóng để những người dùng bị ảnh hưởng có thể kiến nghị những bình luận đả kích mình lên các nền tảng và yêu cầu xóa bỏ chúng. Các nền tảng phải có trách nhiệm đó. Họ đã tạo ra các không gian này và họ cần làm cho nó an toàn.”

Mặc dù bản dự thảo luật này được coi là một biện pháp để bảo vệ người dùng internet, tuy nhiên nó cũng đi kèm với những rủi ro khác. Chẳng hạn việc tiết lộ danh tính của người dùng có thể bị lạm dụng bởi những kẻ xấu.

Cho tới thời điểm hiện tại thì chưa có bất kỳ một quy chuẩn nào để đánh giá về mức độ tồi tệ của một bình luận trên mạng trước khi các công ty bắt tay vào việc làm thế nào để “đo lường” được mức độ tiêu cực của các bình luận. ABC News Australia báo cáo rằng bản dự thảo luật này dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.