Visa làm mới thương hiệu với chiến dịch re-branding “Meet Visa”, hướng tới tương lai không tiền mặt

Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa đã công bố bộ thương hiệu được làm mới như một phần của “quá trình phát triển thương hiệu qua nhiều năm”.

Bộ nhận diện thương hiệu mới đã được phát triển với sự hợp tác của công ty tư vấn thiết kế và xây dựng thương hiệu quốc tế Mucho. Bên cạnh đó, Visa cũng đã tung ra một chiến dịch tiếp thị mới có tên Meet Visa cùng do agency Wieden + Kennedy phát triển.

Được thành lập cách đây hơn 60 năm, Visa cho biết động thái mới này nhằm đón đầu “tương lai của thương mại kỹ thuật số”. Biểu tượng logo được vẽ lại, bảng màu cập nhật và tính năng kiểu chữ tùy chỉnh trong thương hiệu mới.

Có thể nói, Visa là một trong những thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng nhất trên thế giới, với sự hiện diện tại 200 quốc gia, chấp nhận thẻ tại 70 triệu điểm bán hàng và 3,6 tỷ chiếc thẻ có dán logo Visa đang nằm trong ví của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Bà Lynne Biggar, Giám đốc tiếp thị toàn cầu đã trao đổi với ông Karen Webster, Giám đốc điều hành PYMNTS cho rằng “Visa muốn đổi mới thương hiệu với chiến dịch “Meet Visa”được ra mắt trong ngày 21/7 vừa qua. Người sử dụng hiện nay biết rất rõ về Visa như một hình thức thanh toán. Nhưng họ cũng cần biết Visa cũng là một công cụ mạnh mẽ để nhận thanh toán và đảm bảo tiền có thể di chuyển từ bất kỳ điểm A đến bất kỳ điểm B nào một cách thuận lợi, an toàn và dành cho bất kỳ cặp người gửi và người nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Biggar cũng cho biết thêm chỉ trong 5 năm qua, Visa đã đầu tư 9 tỷ đô la vào công nghệ để cung cấp một loạt các sản phẩm, dịch vụ và lợi ích khác biệt bao gồm tiền điện tử, thanh toán theo thời gian thực, các hình thức thanh toán kinh doanh xuyên biên giới và thanh toán theo dạng giữa người với người (P2P).

Sự phát triển của thương hiệu Visa theo các thời kỳ

“Với những gì Visa làm được trong thời gian vừa qua là nhằm nâng cao tinh thần cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, kết nối người mua và người bán cũng như kết nối với thế giới. Tóm lại, dưới góc nhìn của thương hiệu, chúng tôi đã lựa chọn cách tiếp cận thị trường theo cách của riêng của mình.”

Không chỉ là một tấm thẻ nhựa

Biggar nói với Webster rằng việc Visa quyết định xem xét tái định vị thương hiệu là một quyết định không hề đơn giản và nhẹ nhàng.

Sau nhiều năm thảo luận, dành hàng trăm giờ để trao đổi với các bên liên quan, kèm với dữ liệu nghiên cứu thị trường khổng lồ đã chỉ ra rằng sự cần thiết phải phát triển bản sắc thương hiệu riêng cho Visa, ngoài việc hiện nay, Visa đang được biết đến như là một thương hiệu thanh toán bán lẻ dễ dàng nhận diện.

Biggar chia sẻ thêm: “Nói cho cùng thì cho dù người dùng dù họ là ai, làm gì thì rốt cuộc vẫn chưa thực sự hiểu hết được chiều sâu, tính đa dạng của những gì chúng tôi đã làm. Họ sẽ không hiểu rõ sức mạnh mạng lưới của chúng tôi đến từ sự đa dạng và thực tế rằng đó là một mạng lưới mở cho quan hệ đối tác, con người và cả công nghệ”.

Hơn nữa, một khi họ biết được thông tin về những khả năng mà Visa có thể đáp ứng thì đó thật sự là một “cơ hội lớn” giúp người dùng thay đổi góc nhìn và đánh giá tốt hơn cho khát vọng của Visa trong việc phục vụ thị trường toàn cầu, nơi được xem như một trung tâm đổi mới cho sự luân chuyển tiền tệ.

Biggar cho biết đã xác định lại vai trò của Visa như một mạng lưới chấp nhận toàn cầu (global acceptance network). Biểu tượng đó là một dấu bằng (=) được thể hiện qua màu sắc của Visa, thể hiện tính cam kết của thương hiệu với tư cách là một công ty giúp cho việc trao đổi thương mại được diễn ra dễ dàng hơn bao giờ hết.

Hình ảnh – Visa

“Chúng tôi đã phát triển biểu tượng thương hiệu để đại diện cho những gì chúng tôi được biết đến đó là sự chấp nhận, cách tiếp cận, bình đẳng và hòa nhập,” Biggar giải thích.

Sức mạnh của quyền truy cập

Biggar nói rằng Visa đã “kiên trì làm việc” để theo đuổi một tầm nhìn về việc mở ra sức mạnh thương mại toàn cầu dành cho mọi người và doanh nghiệp bằng việc giúp thanh toán trở nên đơn giản và dễ tiếp cận hơn. Đó là một ý tưởng giúp tất cả các nền kinh tế có thể tiến lên phía trước, sức mạnh để đảm bảo những người lao động hợp đồng có thể được trả lương ngay lập tức, sức mạnh để cho phép những người mới tham gia vào hệ sinh thái thương mại kỹ thuật số toàn cầu đang nổi lên hoặc sức mạnh cho phép các cá nhân bắt đầu kinh doanh và để các doanh nhân mở rộng các công ty mà họ đã thành lập. Tiếp cận như một cơ hội cho sự phát triển là mục tiêu và là cách Visa muốn nhân cách hóa thương hiệu của mình.”

Biggar giải thích thêm: “Tôi thường nghĩ về khả năng và giải pháp của chúng tôi và tất cả những công việc khó khăn mà chúng tôi đã làm để trở thành trung tâm của sự kết nối, mở rộng thương mại toàn cầu. “ Meet Visa chính thức triển khai tại Hoa Kỳ và 18 thị trường khác. Nhìn chung, Meet Visa sẽ ra mắt tại 40 quốc gia, với 21 thị trường được bổ sung sẽ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tiếp thị mới trong tháng tới hoặc lâu hơn. Kỳ vọng vào cuối năm 2021, kế hoạch để định vị thương hiệu Visa mới này sẽ được triển khai tại tất cả 200 quốc gia mà Visa đang hoạt động.

Đình Nghĩa | RGB
Theo Designweek