Vương An Nguyên – Một người đã từng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật với chuyên môn về Nghệ thuật học so sánh, “mình đang không ngừng nỗ lực để bắt kịp các tiền bối”. Hiện tại, anh đang là một cố vấn cho các thương hiệu và dự án, đặc biệt tập trung vào việc phát triển sản phẩm và truyền thông có sự hiểu biết về văn hoá, hoặc các thương hiệu muốn tìm cách chuyển đổi và thích nghi vào thị trường Việt Nam.
Anh có một niềm đam mê lớn trong việc phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng nghiên cứu văn hoá và nghệ thuật, mang lại cảm hứng từ truyền thống. Một thương hiệu mà anh đã tham gia phát triển từ những ngày đầu và muốn chia sẻ là Nắng Ceramic – thương hiệu phục hồi kỹ thuật và thẩm mỹ của gốm Lái Thiêu truyền thống với sự kết hợp tinh tế với văn hóa và mùa màng Nam Bộ.
Mỗi tuần, công việc của anh bao gồm viết, lên kế hoạch và tổ chức sự kiện cho các thương hiệu cùng với các nền tảng cộng đồng anh đã tham gia sáng lập. Những nền tảng này bao gồm Tản Mạn Kiến Trúc với hơn 51,000 người quan tâm. Cuốn sách Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ của nhóm đã được tái bản liên tục và nhận được sự đón nhận tích cực chỉ trong 6 tháng. Dự án Gấu Thiên Thể về nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng đã được nhiều nghệ sĩ và cộng đồng sáng tạo chào đón. Gần đây, anh đã tham gia tổ chức tour nghệ thuật trong dự án hợp tác với một trường đại học trong khối Đại học Quốc Gia và cũng tham gia tổ chức buổi phản hồi cho không gian triển lãm nghệ thuật quan trọng hiện nay ở Miền Nam Việt Nam là Nguyên Arts cùng với Hiếu Y.
Với nền tảng văn hoá và nghệ thuật, anh rất quan tâm đến tình hình của các ngành sáng tạo khác tại Việt Nam. Anh đã và đang nhận được lời mời làm diễn giả và giảng viên thỉnh giảng về Nghệ thuật cho các ngành ứng dụng và thiết kế tại các đại học như Văn Lang, Hutech, Kiến trúc TP.HCM và nhiều lời mời để viết bài cho các chuyên mục về văn hoá, nghệ thuật và thẩm mỹ trên các tạp chí như Heritage của Vietnam Airlines, Elle Decoration, L’officiel Vietnam, Art Republik…
Một chút suy nghĩ 01. Theo bạn, lịch sử nghệ thuật có tầm quan trọng như thế nào?
Theo mình, lịch sử nghệ thuật thông thường được mọi người nhận xét là chỉ quan trọng với những bạn theo thuần nghệ thuật, chứ không thực sự cần thiết cho thiết kế ứng dụng. Thực tế, mình nghĩ lịch sử nghệ thuật không chỉ là những câu chuyện đã xảy ra mà nó là ngành học cung cấp các giải pháp thiết kế cho những brief (yêu cầu) khó nhằn nhất. Ngành cung cấp nhiều gợi ý về quan điểm thẩm mỹ từ khối lượng dữ liệu khổng lồ hàng nghìn năm của thẩm mỹ nhân loại từ phong cách Hy Lạp, thời kỳ phục Hưng, chủ nghĩa Baroque, Lãng mạn (Romanticism), Siêu thực (surrealism), Hiện thực kỳ ảo (Magical realism), Vị Lai (Futurism),…
Đến các phong cách đại chúng từ Pop Arts, Bauhaus, Cyberpunk,… đã được ứng dụng ngay trong MV (Video âm nhạc) của ca sĩ Việt Nam như Hoàng Thuỳ Linh, Rapper Wowy, Cá hồi hoang. Không nắm được Lịch sử nghệ thuật, sự thay đổi tư duy thẩm mỹ thì việc google cũng đã rất khó khăn rồi, nhưng chỉ cần biết kiến thức nền tảng thì chắc chắn khả năng tra cứu và phát triển ý tưởng sẽ hiệu quả hơn hẳn.
Trong thời kỳ Toàn cầu hoá khi con người đã đạt được mức độ đồng nhất trong thiết kế, văn hoá của gần như toàn bộ các đô thị trên hành tinh… thì việc học về lịch sử nghệ thuật càng quan trọng. Quan trọng để quang cảnh thành phố, cuộc sống hay các sản phẩm từ vật dụng đến ngành dịch vụ của mỗi quốc gia hay thành phố đều có thể mang cảm xúc và phong cách riêng làm phong phú thêm bản sắc dân tộc. Chính ở đây Lịch sử nghệ thuật lại trở thành ngành học cần thiết hơn bao giờ hết.
Một chút suy nghĩ 02. Bạn đã học hỏi những gì trong quá trình thực hành nghệ thuật?
Khi Tản Mạn Kiến Trúc ra sách và được tái bản tới 3 lần chỉ sau 6 tháng ra mắt, mình đã tin hơn vào việc giới trẻ thực sự quan tâm tới văn hoá Việt Nam cũng như công việc nghiên cứu. Vấn đề là sách nghiên cứu và giáo trình thường có yêu cầu người đọc có nền tảng chuyên ngành và dùng nhiều năm theo đuổi nên khó tiếp cận với đại chúng, Việt Nam đang thiếu những cuốn sách có tính cách đại chúng hơn như việc mà học giả phương Tây đã làm từ xưa. Ta có thể liệt kê như Will Durant với bộ lịch sử văn minh thế giới, hay “cuộc cách mạng” của các nhà Thiên văn trong việc đưa kiến thức tưởng “trên trời” của họ xuống các phiên bản nên thơ và thu hút công chúng hơn như Carl Sagan với Vũ Trụ, Stephen Hawking với Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ, Lược sử thời gian, và Việt Nam ta có Trịnh Xuân Thuận với bộ Những con đường của ánh sáng…
Do đó, Tản Mạn Kiến Trúc hay gấu thiên thể và những dự án tương lai của tôi luôn hoạt động phương châm phát triển trên nền tảng nghiên cứu kế thừa và học hỏi từ tiền bối và liên tục thay đổi qua các phản hồi cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi không chỉ ra sách, chúng tôi còn tổ chức sự kiện kết hợp với Phương Nam books, Elle Decoration, viện Viễn Đông Bác cổ và Lãnh sự quán Pháp, cùng nhiều trường Đại học cũng như các nhóm hoạt động cộng đồng và nghệ thuật khác tại Việt Nam. Và dĩ nhiên trong suốt nhiều năm nay chúng tôi hoạt động với phương châm gắn bó với cộng đồng. Ví dụ trong Tản Mạn Kiến Trúc thì đôi khi chúng tôi cùng ăn ở với chủ nhân nhà cổ và được mời quay lại để phụ đám giỗ, đám cưới như con cháu trong nhà, hay ở gấu chúng tôi tham dự vào việc sắp đặt hay tổ chức không gian cũng như đi cùng nghệ sĩ nhiều ngày trong các mùa lưu trú sáng tác.
Mình sẽ kể thêm một chút về Nắng ceramic, ban đầu là công việc của Huỳnh với các hoạ sĩ khi tái tạo nét vẽ và hoạ tiết cũng như chất liệu gốm Lái Thiêu xưa. Nhưng tụi mình sớm nhận ra như thế là chưa đủ để chinh phục trái tim người Việt Nam chưa nói đến quốc tế, tuy nhiên, trong một lần cơ duyên phù hợp thì vẻ đẹp nên thơ của mùa màng trên gốm Lái Thiêu đã lấy được lòng nhiều khách hàng tại Nhật. Mình nhận ra ngay việc phải làm, đó là tận dụng thẩm mỹ mùa mà người Nhật gọi là Quý ngữ (Kigo) vốn gắn bó chặt chẽ với văn hóa Nhật, với thơ Haiku để đưa ra những gợi mở và cơ hội đưa gốm của Nắng ceramic sang Nhật… may mắn việc này đã thành công và Nhật Bản đã trở thành thị trường ưu ái tụi mình.
Một chút suy nghĩ 03. Quy trình làm việc của bạn là gì?
Mình vốn là người làm học thuật, nên bước đầu tiên của mình khi nhận lời mời viết hay nghiên cứu luôn là… nghiên cứu xem trong và ngoài nước đã có gì về chủ đề này, nhưng đôi khi mình lo “nghiên cứu” quá vậy là quên cả “bài viết” mà trễ cả deadline (cười).
Còn việc viết hay thiết kế cho công chúng thì mình thường làm ngược lại những câu hỏi 4 chữ W (what, why, when, where, who), gần đây mình nhấn mạnh chữ “who”/ viết cho ai trước cả những chữ kia. Bởi biết người sẽ đọc cái mình viết, tận hưởng trải nghiệm của sự kiện hay dịch vụ và sản phẩm mình làm ra sẽ hạnh phúc ra sao… thì mình mới có động lực để làm và không lười nữa (cười).
Một chút suy nghĩ 04. Với việc nghiên cứu: viết. Theo bạn, điều quan trọng nhất trong khi thực hiện bài viết là gì?
Chọn lựa những điểm nào trong kiến thức hàn lâm nhằm đưa đến cho cộng đồng là việc cực kỳ khó khăn, bởi trong giới học thuật có một quan điểm ai cũng ngầm hiểu… sách Đại cương, sách nhập môn là sách khó viết nhất vì đơn giản hóa kiến thức là cực kỳ khó. Không giống như nhiều kênh truyền thông đã đưa tin, rằng kiến thức nào cũng có thể đơn giản hoá, cái đó là không thể… vì kiến thức chỉ thực sự có “cân nặng” đầy đủ khi nó được ở trong bối cảnh và hàng ngàn mối liên hệ học thuật, trường phái phức tạp, vậy nên việc đơn giản hoá tri thức đích thực là rất rất khó khăn. Cho đến giờ việc lựa chọn, viết và tìm ra cách truyền tải kiến thức khoa học vào sản phẩm, dịch vụ, tổ chức sự kiện hay đơn giản là một bài báo với mình vẫn là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng mình tin rằng, mọi vấn đề sẽ có cách giải quyết riêng…
Một chút suy nghĩ 04. Một cuốn sách, tựa phim hay bài nhạc thích nhất hiện tại?
Cuốn sách mình luôn thích là Hoàng tử bé, vẻ đẹp trong sáng và đôi khi tĩnh lặng và cô tịch. Bộ phim mình thích nhất là Bá Vương Biệt Cơ, kinh điển, xuất sắc, vừa là câu chuyện cá nhân, vừa là chuyện thăng trầm Kinh kịch, vừa là diễn từ phức tạp của mỹ học và lịch sử nghệ thuật…
Một chút suy nghĩ 05. Nói về bản thân trong 03 từ?
Tò mò, bộc trực, chậm chạp.
Một chút suy nghĩ 06. Một số mục tiêu / dự định của bạn trong tương lai gần?
Mình đang ấp ủ một vài thương hiệu mới phát triển từ cảm hứng bản địa, cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động cho Tản Mạn Kiến Trúc và gấu thiên thể.
Bạn có thể xem thêm các dự án của Nguyên tại đây.
Thực hiện bởi RGB
Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Để lại đánh giá