“Cây đa cây đề” của ngành kiến trúc Zaha Hadid Architects vừa hoàn thành thiết kế cho một thành phố ảo metaverse, nơi mọi người có thể mua các lô đất bằng tiền điện tử và cho avatar của mình ở trong các tòa nhà kỹ thuật số.
Có tên là Liberland Metaverse, thành phố ảo này được dựa trên một “quốc gia” siêu nhỏ có ngoài đời thực là Free Republic of Liberland. Đây là một quốc gia không chính thức và không được tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc công nhận. Nó nằm giữa Croatia và Serbia trên một mảnh đất không có người ở và chưa có người nhận, cho đến ngày 13 tháng 4 năm 2015 khi chính trị gia người Czech Vít Jedlička tuyên bố nó là một quốc gia. Giờ đây, nó có một cộng đồng riêng, cờ, quốc huy, quốc ca và một loại tiền điện tử được gọi là Liberland merit.
“Mặc dù Liberland Metaverse được thiết kế để nâng tầm phát triển của Liberland như một tiểu bang tự do, nó cũng sẽ hoạt động như một thự thể thực tế ảo tự do theo đúng nghĩa của nó”, Patrik Schumacher, người đứng đầu Zaha Hadid Architects, chia sẻ.
Ông nói với Dezeen: “Liberland Metaverse được kỳ vọng trở thành một nơi để kết nối và cộng tác trong ngành công nghiệp web 3.0 đang phát triển mạnh mẽ, là vũ trụ ảo cho các nhà phát triển metaverse và hệ sinh thái tiền điện tử nói chung”.
Mọi người có thể truy cập Liberland Metaverse thông qua Mytaverse – một nền tảng đám mây tạo ra các môi trường 3D.
Khi vào bên trong “khu vườn ươm tiền điện tử và đô thị mạng” này, mọi người có thể tham quan các tòa nhà được thiết kế bởi Zaha Hadid Architects bao gồm một tòa thị chính, quảng trường và trung tâm triển lãm.
Zaha Hadid Architects đã thiết kế tất cả các tòa nhà với các hình dạng tròn trịa, uốn lượn và bo tròn – phong cách kiến trúc đặc trưng đã làm nên tên tuổi của studio nổi tiếng này.
Tòa thị chính, trung tâm đô thị trung tâm của thành phố có một lối đi bậc thang bao quanh tòa nhà. Bên trong, các băng ghế được sắp xếp theo hình móng ngựa và có thể nhìn thấy lá cờ Liberland treo trên tường.
Một điểm đặc biệt là nếu mua các lô đất và thành lập doanh nghiệp trong thành phố ảo, cũng sẽ được xác nhận và có cổ phần trong Liberland ngoài đời thực.
Schumacher đã thiết kế thành phố bằng cách sử dụng tham số, một loại phần mềm máy tính được sử dụng để tạo ra các hình thức kiến trúc.
Ông tin rằng metaverse sẽ hoạt động như một chất xúc tác cho thiết kế tham số, vì không có giới hạn quy hoạch đô thị trong không gian ảo.
Schumacher lập luận: “Ưu điểm chính của môi trường ảo là khả năng tiếp cận toàn cầu và khả năng thích ứng, dễ điều chỉnh theo tham số của chúng.
Mặc dù tin rằng tương lai của Internet là metaverse, nhưng Schumacher cũng cho rằng các không gian vật lý sẽ luôn tồn tại cùng với các không gian ảo và sự hợp nhất của cả hai thế giới sẽ tiếp tục được củng cố.
Những năm gần đây có nhiều studio kiến trúc đang ngày càng chuyển sang metaverse để xây dựng các tòa nhà ảo. Studio kiến trúc BIG của Đan Mạch gần đây cũng đã hoàn thành một văn phòng ảo trong metaverse cho công ty truyền thông Vice Media Group.
Ảnh: Zaha Hadid Architects
Để lại đánh giá