10 thành phố tương lai của thế giới được lên kế hoạch xây dựng trong những thập kỷ tới

Các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng nhà ở và biến đổi khí hậu đang khiến nhiều quốc gia dấy lên tham vọng xây dựng một thế hệ thành phố công nghệ cao mới của tương lai cho mình.

1. Telosa – thành phố bền vững ở Mỹ

Studio kiến trúc nổi tiếng BIG của Đan Mạch đang quy hoạch tổng thể Telosa, một thành phố dành cho 5 triệu người được xây dựng mới hoàn toàn tại địa điểm chưa được tiết lộ ở một sa mạc Hoa Kỳ.

Dự án là ý tưởng của tỷ phú doanh nhân Marc Lore, người hy vọng nó sẽ trở thành “thành phố bền vững nhất trên thế giới”.

Một phần trong tầm nhìn của Lore cho thành phố này đó là đất đai sẽ thuộc sở hữu của cộng đồng. Điều đó có nghĩa là sự tăng giá trị của bất động sản cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của thành phố với phúc lợi cư dân được đặt lên hàng đầu. 

2. The Line – thành phố tuyến tính ở Saudi Arabia

Là một phần của dự án thành phố thông minh công nghệ cao của tương lai kết hợp điểm đến du lịch có tên Neom City, The Line được thiết kế như một sự thay thế ấn tượng cho các thành phố truyền thống vốn thường tỏa ra từ một điểm trung tâm. 

Được thiết kế với chiều dài điên rồ tận 170 km trải qua phía tây bắc của Ả-rập Xê-út, siêu công trình kiến trúc này sẽ có mặt tiền bằng kính cao 500 mét và rộng 200 mét.

3. BiodiverCity – thành phố đa dạng sinh học ở Malaysia

Studio thiết kế BIG cũng đang lên quy hoạch tổng thể cho BiodiverCity, một thành phố rộng 1.821ha gồm ba hòn đảo nhân tạo được xây dựng ngoài khơi đảo Penang cho chính quyền Malaysia.

Mỗi hòn đảo có thiết kế giống hoa lily được dự kiến có thể làm nơi cư trú cho 15.000 đến 18.000 cư dân và được kết nối bởi một mạng lưới giao thông tự hành không có ô tô.

Các tòa nhà sẽ được xây dựng chủ yếu bằng cách kết hợp tre, gỗ và bê tông được sản xuất từ vật liệu tái chế, với một vùng đệm sinh thái xung quanh mỗi quận để hỗ trợ đa dạng sinh học.

4. New Administrative Capital – thủ đô hành chính mới ở Ai Cập

Ai Cập đang lên kế hoạch xây dựng một thành phố thủ đô hoàn toàn mới cho 7 triệu dân để giải tỏa bớt sự đông đúc ở Cairo, thủ đô hiện tại của nước này.

Công ty kiến trúc SOM đã đưa ra một kế hoạch tổng thể cho dự án do tư nhân tài trợ, sẽ có diện tích 700km vuông bao gồm một trong những công viên đô thị lớn nhất thế giới.

5. Thành phố Amaravati ở Ấn Độ

Nằm trên bờ sông Krishna, thành phố Amaravati sẽ đóng vai trò là thủ đô mới của bang Andhra Pradesh ở Ấn Độ.

Nó sẽ được bố trí xung quanh một tòa nhà chính phủ cao nhọn hình cây kim với hơn 60% khu vực trung tâm được bao phủ bởi cây xanh và nước.

“Thiết kế tập hợp các nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ của chúng tôi về các thành phố bền vững, kết hợp các công nghệ mới nhất hiện đang được phát triển ở Ấn Độ”, Foster + Partners, công ty thiết kế của dự án cho biết.

6. Smart Forest City – thành phố xanh thông minh ở Mexico

Kiến trúc sư người Ý Stefano Boeri đang lên kế hoạch cho một thành phố xanh thông minh gần Cancun với gần 7,5 triệu cây xanh để hấp thụ carbon trên diện tích 557 ha của nó.

Thành phố sẽ được thiết kế cho 130.000 cư dân trong những ngôi nhà có giá cả phải chăng, được bao phủ bởi thực vật nhằm mục đích đi tiên phong trong một cách sống bền vững hơn.

“Smart Forest City Cancun là một khu vườn thực vật trong một thành phố đương đại, dựa trên di sản của người Maya và mối quan hệ thiêng liêng của họ với thế giới tự nhiên”, Boeri cho biết. “Một hệ sinh thái đô thị nơi thiên nhiên và thành phố hòa quyện vào nhau và hoạt động như một sinh vật.”

7. The Orbit – thành phố quỹ đạo ở Canada

Orbit là một thành phố thông minh được quy hoạch khác biệt nhằm chuyển đổi một thị trấn nông nghiệp của Canada thành một thành phố của tương lai thông qua việc sử dụng rộng rãi sợi quang học, máy bay không người lái và các phương tiện tự hành.

Công ty Partisans ở Toronto đã mô tả thiết kế này của mình như một phiên bản hiện đại của phong trào thành phố vườn nở rộ ở Anh vào đầu thế kỷ 20.

Mục tiêu của thành phố này là cân bằng công nghệ mới với bối cảnh nông nghiệp hiện có, đồng thời phát triển thị trấn từ 30.000 lên 150.000 cư dân.

8. Maldives Floating City – thành phố nổi ở Maldives

Dutch Docklands, một nhà đầu tư có trụ sở tại Hà Lan, và chính phủ Maldives vừa công bố kế hoạch xây dựng một thành phố nổi quy mô đầu tiên của thế giới. 

Được nghiên cứu và phát triển trong hơn một thập kỷ tính đến năm 2022, dự án này sẽ là nơi tập hợp của hàng nghìn ngôi nhà nổi trên mặt nước trong một mạng lưới chức năng trải dài trên một đầm phá rộng 200 ha. 

Được mệnh danh là Maldives Floating City, thành phố nổi này sẽ nằm cách thủ đô Male của Maldives chỉ 10 phút. Các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng và bến du thuyền đẳng cấp thế giới cũng dự kiến là một phần trong quy hoạch của thành phố.

9. Innovation Park – thành phố đổi mới ở Mỹ

Ông trùm tiền điện tử Jeffrey Berns đang có kế hoạch phát triển một phần sa mạc của Nevada thành một thành phố thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain.

Với sự giúp đỡ của các studio kiến trúc Ehrlich Yanai Rhee Chaney Architects và Tom Wiscombe Architecture, Berns dự định biến khu đất rộng 27.113 ha thành một cộng đồng nơi mọi người có thể hoạt động ngân hàng, bầu cử và lưu trữ dữ liệu mà không có sự tham gia của chính phủ hay bên thứ ba nào cả.

10. Chengdu Future City – thành phố tương lai Thành Đô ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

Công ty kiến trúc Hà Lan OMA đã đưa ra một quy hoạch tổng thể về một thành phố của tương lai không có ô tô cho thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mà họ tuyên bố thách thức các mô hình quy hoạch đô thị thông thường vốn được thúc đẩy bởi mạng lưới đường sá hoặc việc tối đa hóa tổng diện tích sàn.

Được thiết kế trên một khu đất rộng chỉ 4,6 km vuông, Chengdu Future City sẽ tập trung vào địa hình của Thành Đô, với sáu khu riêng biệt được thiết kế để hòa hợp với cảnh quan xung quanh.

Tất cả các tòa nhà trong mỗi khu sẽ có thể đi bộ đến trong vòng 10 phút, trong khi “mạng lưới di chuyển thông minh” sử dụng các phương tiện tự động sẽ kết nối thành phố tương lai này với phần còn lại của Thành Đô.

Theo: Dezeen

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!