Art by tubik.arts
Art by tubik.arts

9 công việc về thiết kế dành cho người sáng tạo

Bạn yêu màu sắc, có con mắt nghệ thuật và phong cách có gu. Nhiều người xung quanh gọi bạn là người sáng tạo khiến bạn thích thú và lấy làm động lực để thể hiện sự độc đáo cũng như tính sáng tạo của mình. Bạn luôn muốn tạo ra những thứ hấp dẫn về mặt hình ảnh.

Tuy nhiên, bạn đã từng nghĩ đến việc tận dụng khả năng sáng tạo của mình một cách toàn thời gian hơn chưa thay vì chỉ là như một sở thích? Hoặc lý tưởng hơn nữa, bạn kiếm được tiền từ sự sáng tạo của mình? Thực tế là có rất nhiều công việc trong ngành thiết kế để những người như bạn có thể thỏa sức sáng tạo. Đây cũng là câu trả lời cho nhiều bạn vẫn hay thắc mắc “học thiết kế làm được những việc gì?”, “kiếm tiền với nghề thiết kế như thế nào?” hay đại loại là “mảng nào trong các công việc thiết kế phù hợp với mình?”

Bài viết dưới đây sẽ kể ra 9 loại hình công việc thiết kế cực kỳ phù hợp cho những người có óc và yêu thích sáng tạo để bạn tham khảo, dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Art by Andy J. Pizza

1. Thiết kế đồ họa (Graphic designer)

Một trong những nghề thiết kế phổ biến nhất hiện nay đó chính là thiết kế đồ họa. Những người làm công việc này sẽ thiết kế các ấn phẩm marketing, minh họa cho sản phẩm, nhận diện thương hiệu và cả thiết kế website bằng các phần mềm máy tính như Adobe Creative Suite. Bằng cách kết hợp kỹ thuật với khả năng nghệ thuật, họ tạo ra những thiết kế chạm đến đối tượng khán giả mà họ mong muốn.

Nhà thiết kế đồ họa có thể làm việc độc lập với tư cách là một freelancer, nội bộ cho một công ty hoặc làm cho agency quảng cáo.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Adobe Creative Suite
  • Sắp chữ (Typesetting)
  • Mạng xã hội
  • Thiết kế web
  • Bao bì (Packaging)

2. Thiết kế UX (trải nghiệm người dùng)

Nhiệm vụ của nhà thiết kế UX là làm cho các trang web, ứng dụng di động, phần mềm hoặc trò chơi điện tử dễ điều hướng và trực quan hơn để người dùng tương tác. Họ nghiên cứu và đánh giá cảm nhận của người dùng về một hệ thống cụ thể và thiết kế sản phẩm của mình sao cho đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ngoài ra, họ cũng phân tích các thành phần cụ thể của hệ thống như tính hữu dụng, giá trị, độ ổn định và khả năng tiếp cận.

Ví dụ: một nhà thiết kế UX có thể làm việc với một nhà bán lẻ để cập nhật trang web sản phẩm của họ và giảm thiểu các vấn đề như các forms điền thông tin khó hiểu, nút bấm khó tìm cũng như cách sắp xếp trang web bị lộn xộn khiến người dùng khó mua hàng.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Khung sườn / bố cục UX (UX Wireframes)
  • Tạo mẫu (Prototyping)
  • Thiết kế trực quan
  • Nghiên cứu người dùng
  • Adobe Creative Suite

3. Nhiếp ảnh gia

Nhiếp ảnh gia tận dụng khả năng sáng tạo và kỹ năng sắp xếp cùng với chuyên môn của mình để chụp những bước ảnh kể về một câu chuyện hoặc ghi lại một sự kiện nào đó. Phần lớn các nhiếp ảnh gia ngày nay làm việc với máy ảnh kỹ thuật số và phần mềm chỉnh sửa để cho ra những hình ảnh có chất lượng. Một số đi đến một địa điểm nào đó để chụp ảnh sự kiện hoặc phong cảnh, số khác thì có studio riêng để chụp chân dung, chụp thương mại hoặc làm tác phẩm nghệ thuật.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Nhiếp ảnh kỹ thuật số
  • Dịch vụ khách hàng
  • Bán sản phẩm
  • Adobe Photoshop
  • Mạng xã hội

4. Thiết kế nội thất

Làm việc với các không gian nội thất để cải thiện sự an toàn, chức năng và tính thẩm mỹ của khu vực. Các nhà thiết kế nội thất chọn cách phối màu, đồ nội thất, sàn, ánh sáng và tất cả các yếu tố khác của một căn phòng hoặc tòa nhà. Họ cũng cần phác thảo ý tưởng của mình và sử dụng phần mềm thiết kế để truyền đạt ý tưởng đó cho kiến trúc sư, kỹ sư kết cấu và thợ, những người đưa thiết kế của họ vào cuộc sống.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Dịch vụ khách hàng
  • Giao tiếp
  • AutoCAD
  • Bán hàng
  • Mua hàng

5. Nghệ sĩ mỹ thuật đa phương tiện (Multimedia)

Những người làm trong ngành multimedia này tạo ra các hình ảnh động (animations) và hiệu ứng đặc biệt (VFX) cho phim ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử và các hình thức truyền thông khác — cả 2D và 3D. Họ thường làm việc nhóm với các animators và nghệ sĩ khác để đưa các ý tưởng vào cuộc sống bằng cách sử dụng phần mềm hoặc tự viết ra chương trình máy tính riêng của họ. Một số làm việc trong các studio hoặc văn phòng, nhưng nhiều người cũng là freelancer và làm việc tại nhà.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Adobe Creative Suite
  • Thiết kế đồ họa
  • Đồ họa chuyển động (Motion graphics)
  • Maya
  • Khung sườn / bố cục UX (UX Wireframes)

6. Giám đốc Nghệ thuật (Art director)

Các giám đốc nghệ thuật làm việc trong nhiều môi trường khác nhau như báo, tạp chí, các ấn phẩm trên internet và các agency quảng cáo hoặc quan hệ công chúng. Họ giao tiếp với khách hàng trong khi giám sát ngân sách và tiến trình của dự án. Họ cũng quản lý một đội ngũ chuyên gia thiết kế, xem xét và phê duyệt tất cả các tài liệu sáng tạo trước khi trình bày với khách hàng.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Adobe Creative Suite
  • Thiết kế đồ họa
  • Quản lý ngân sách
  • Điều hướng sáng tạo
  • Quản lý dự án

7. Giám đốc quảng cáo và khuyến mại

Các chuyên gia ở những vị trí này thường làm việc trong các agency để tổ chức chiến dịch cho khách hàng. Họ cũng có thể chịu trách nhiệm bán không gian quảng cáo cho các công ty truyền thông. Đây là công việc dành cho những người sáng tạo với sự nhạy bén trong kinh doanh, vì họ làm việc trực tiếp với nhân viên bán hàng để phát triển các concepts cho chiến dịch, cũng như đồng hành với đội ngũ sáng tạo để sản xuất bố cục, thương lượng hợp đồng và chuẩn bị ngân sách cho chiến dịch.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Quản lý ngân sách
  • Quản lý dự án
  • Mạng xã hội
  • Chiến dịch quảng cáo
  • Quảng cáo kỹ thuật số (Digital advertising)

8. Thiết kế thời trang

Những người làm trong ngành này chuyên thiết kế quần áo và phụ kiện mới. Các thiết kế được phác thảo trên giấy hoặc thiết bị kỹ thuật số và sau đó màu sắc, chất liệu và kết cấu của sản phẩm được thêm vào. Các nhà thiết kế thời trang nghiên cứu xu hướng thời trang bằng cách xem các tạp chí và tham dự các buổi trình diễn thời trang. Sau đó, họ đưa hàng mẫu cho các đại diện bán hàng và đại lý để bán bộ sưu tập của mình.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Bán hàng
  • Giao tiếp
  • Thiết kế và phát triển sản phẩm
  • Adobe Creative Suite
  • Phác thảo

9. Biên tập phim và video (Film & video editor)

Các nhà biên tập phim và video sử dụng phần mềm để xây dựng các sản phẩm quảng cáo hoặc nghệ thuật từ những đoạn phim đã quay. Công việc này đòi hỏi làm việc trực tiếp với đạo diễn và nhà sản xuất để xác định chất liệu nào hấp dẫn nhất đối với khán giả và ghép các phân cảnh lại với nhau. Quá trình chỉnh sửa bao gồm việc cắt các cảnh quay thành các phân đoạn, kết hợp các khung hình với âm thanh và sắp xếp các cảnh quay thô để cho ra sản phẩm hoàn thiện và liền mạch.

Kỹ năng và kiến thức cần có:

  • Chỉnh sửa video
  • Adobe Creative Suite
  • Mạng xã hội
  • Sản xuất video
  • Âm nhạc

Hãy bắt đầu sự nghiệp sáng tạo của mình ngay!

Như bạn đã thấy, có rất nhiều loại công việc thiết kế khác nhau cho phép bạn thỏa thích sáng tạo hàng ngày. Với nhiều cơ hội như vậy, bạn nên tìm kiếm những nghề nghiệp sáng tạo phù hợp nhất với kỹ năng và sở thích của mình. Nếu bạn đã sẵn sàng, thì bước tiếp theo đó là hãy lấy ngay cho mình một tấm bằng về Thiết kế Đồ họa để khởi đầu cho hành trình sáng tạo đầy tuyệt vời này nhé.

Theo Rasmussen

Bài viết mang đến bởi FPT-Arena Multimedia, trung tâm thuộc tập đoàn FPT liên kết với tập đoàn đào tạo CNTT toàn cầu Aptech.

Được thành lập vào tháng 7-2004, FPT-Arena là trung tâm đầu tiên đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện và cũng là trung tâm đầu tiên triển khai chương trình AMSP của Arena Ấn Độ tại Việt Nam với các chương trình đào tạo: Graphics Suite, Web & Digital Design, Film Making & Game Design, 3D Animation.

Liên hệ FPT Arena Multimedia tại:
Website | Tuyển sinh | Fanpage | Instagram | Youtube

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!