Hiền Tâm – sinh viên ngành Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Hiện đang là một họa sĩ vẽ minh họa tự do. Đó là những gì mà Tâm giới thiệu ngắn gọn với tôi trong bài viết.
Trong một lần trò chuyện trên mạng xã hội cùng Tâm, tôi có hỏi về điều mà bạn hiện cảm thấy ấn tượng nhất. Và câu trả lời từ Tâm về góc nhìn liên quan: Làm sáng tạo không phân biệt giữa thương mại hay cá nhân. Tôi cho rằng chủ đề này khá hay để có thể thảo luận. Với những trải nghiệm cá nhân mà Tâm có. Chúng tôi cùng bắt đầu với nhau bằng những câu hỏi Q&A.
Dự án đầu tiên đánh dấu sự sáng tạo của bạn “trỗi dậy” là gì?
Mình có cơ hội được làm việc với một chị biên tập người Việt sống tại Mỹ thông qua cuốn sách đầu tay mang tên 10 Khúc Đồng Dao của Tiny Wrist. Sau khi nhận được cuốn sách đầu tay và rất nhiều những bài học trong quá trình làm việc, mình thấy vẽ minh họa rất thú vị và muốn thử theo đuổi con đường này.
Trải nghiệm xung quanh vẽ minh họa hay dự án sáng tạo?
Mọi người thường nói làm thiết kế, làm sáng tạo cái khó nhất, sợ nhất là phải sửa, nhìn thấy feedback của khách hàng. Nhưng mình thì thấy việc sửa không phải điều khó khăn nhất. Khó nhất trong ngành là cần tìm ra ý tưởng, phương pháp để giải quyết nhu cầu của khách hàng, giống như tìm đáp án cho bài toán vậy. Nếu giải được bài toán, hoàn thiện sản phẩm thì khi nhìn lại sẽ thấy nó là một trải nghiệm thú vị, vì qua mỗi dự án mình lại được học thêm khá nhiều kinh nghiệm. Cái khó và thú vị mình thấy luôn đi cùng nhau, kiểu như “khổ trước, sướng sau“ vậy.
Bạn lấy chất liệu minh họa từ đâu? Bạn có thể kể cho chúng tôi điều gì làm bạn đặc biệt lưu tâm không?
Mình đặc biệt quan tâm đến những yếu tố, hình ảnh dần bị mai một và lãng quên. Những câu chuyện hoặc sự kiện mà mình được tiếp xúc từ thuở bé mang tính truyền thống, quen thuộc. Với mình, đây là những chất liệu minh họa thú vị và có khả năng phát triển, vì những giá trị hiện đại luôn được phát triển dựa trên những giá trị truyền thống. Thế hệ trẻ hiện tại có xu hướng tìm về những điều đã cũ, những chuyện đã cũ, vì vậy, trong minh họa hoặc câu chuyện của mình có thiên hướng văn hóa, hơi cũ kĩ để mang đến cảm giác hoài niệm.
Bạn nghĩ gì về Công việc sáng tạo dựa trên thương mại (commercial) (1) & Công việc sáng tạo dựa trên những dự án mà bạn mong muốn: cộng đồng/ cá nhân/ tương tự như thế (2) ? Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn công việc sáng tạo dựa trên (1) or (2)?
Mình ấn tượng bởi “nguyên lý” sáng tạo không phân biệt giữa thương mại và cá nhân. Với mình, commercial (thương mại) có thể nói là “sáng tạo vì kinh tế”, còn sáng tạo cộng đồng, cá nhân là “sáng tạo vì bản thân mình”. Bản chất hai công việc sáng tạo này có thể nói là khác nhau, nhưng lại là sợi dây liên kết, vì làm commercial có thể cho mình nguồn cung để thực hiện những dự án cá nhân, cộng đồng mà mình còn đang ấp ủ. Làm dự án cá nhân lại có thể xây dựng được hình ảnh của mình với khách hàng.
Nếu được lựa chọn, chắc chắn ai cũng chỉ muốn vẽ và sáng tạo những thứ mình thực sự thích, là làm dự án cá nhân. Bản thân mình không nghiêng hẳn về việc chỉ làm việc cho bản thân mình, mình thích có nhiều người cùng làm việc và sáng tạo cùng nhau.
Mình có nghe, dần dà về sau, bạn đã có quan điểm về “sáng tạo không dựa trên thương mại hay cá nhân”? Bạn hãy chia sẻ thêm điều này với chúng tôi không?
Bản thân mình nghĩ đây là một quan điểm củng cố, nhắc nhở mình cần có trách nhiệm khi làm bất kì việc gì. Việc không phân biệt giữa thương mại và cá nhân sẽ khiến mình luôn có cảm giác và mong muốn được chăm chút cho những dự án thương mại, dự án của người khác như dự án của riêng mình. Bản chất chính những dự án thương mại sẽ là những lần ghi điểm của mình trong công việc, trong mắt của khách hàng. Với mình, làm sáng tạo cũng là câu chuyện của cảm xúc, trong đó có niềm tin. Niềm tin của khách hàng dành cho mình, và niềm tin của mình dành cho mình.
Khi thực hành sáng tạo dựa trên những dự án thương mại có khá nhiều ý kiến đóng góp. Bạn đã đưa ra những phản hồi gì? Giải pháp của bạn ra sao?
Khi mới làm sáng tạo, mình cũng rất sợ phải nhận những phản hồi không tốt, phản hồi sửa đổi, nhưng càng về sau, thay vì sợ thì mình lại cảm thấy trân trọng nhiều hơn. Nếu không có phản hồi sửa đổi, mình cũng sẽ thấy “thiêu thiếu”. Việc mình sửa đổi, thử nghiệm chỉ để đi đến một cái đích là bản thân mình và khách hàng cùng hài lòng với sản phẩm đó, và bản thân mình cũng có thể tự hào một chút là mình đã cố gắng để giải bài toán khó đến từ khách hàng.
Bạn sẽ làm gì trong trường hợp khách hàng không chấp nhận hoặc sửa đổi khi bạn đưa phong cách cá nhân vào dự án thương mại?
Mình nghĩ khách hàng sẽ là người rõ nhất họ muốn gì ở thiết kế và sản phẩm của họ, nên bản thân mình sẽ không cố chấp để đưa phong cách cá nhân của mình vào những dự án thương mại. Khi làm sáng tạo thương mại thì mối quan hệ luôn sẽ là win win, nên mình sẽ vui vẻ tiếp thu và sửa đổi.
Quy trình vẽ minh họa của bạn là gì? Điều gì bạn tâm đắc nhất từ quy trình đó và tại sao?
Mình thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm tư liệu thực tế, vì tư liệu và hình ảnh thật sẽ giúp mình vẽ đúng. Sau đó sẽ là bảng ý tưởng gồm các artwork cảm hứng, hình ảnh tư liệu, kèm theo đó là một số ghi chú quan trọng từ dự án. Sau khi có bảng ý tưởng, mình sẽ phác thảo. Việc phác thảo ý tưởng của mình luôn được thực hiện ở trên giấy, và bảng ý tưởng sẽ luôn ở trước mắt. Trong quy trình làm việc, mình thích nhất cảm giác được phác thảo trên giấy, tuy là công cụ sẽ không ảnh hưởng tới hiệu quả, nhưng có thể ảnh hưởng tới cảm giác. Việc vẽ trên giấy và brainstorm những ý tưởng đầu tiên sẽ cho mình cảm giác tự do và phóng khoáng hơn. Kết quả cuối cùng sẽ quan trọng hơn tất cả, nên quy trình mình chỉ cần sắp xếp sao cho hợp và bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất. Trong khi làm sáng tạo, mình muốn giữ cho bản thân thoải mái.
Bạn có thể mô tả về cách bạn sử dụng màu hay thử nghiệm với texture không?
Với việc sử dụng texture, mình thường quan tâm đến câu chuyện trong hình ảnh của mình là gì trước. Trong dự án Dry food packaging, hình ảnh cảm hứng của mình là dòng tranh Đông Hồ, vì vậy mình lựa chọn texture giấy điệp. Vì tư liệu giấy điệp không có nhiều trên mạng, nên mình tự chụp và chỉnh sửa để có thể áp lên thiết kế. Ngược lại, với dự án Tết là, mình lại sử dụng texture kiểu gỉ sét, grunge, vì mục đích của dự án là tái hiện lại những hình ảnh đặc trưng của ngày Tết. Mỗi texture đều mang lại cảm giác và hiệu quả khác nhau, nên mình sẽ cân nhắc câu chuyện là gì để sử dụng chất liệu hợp lý.
Một dự án thương mại cho bạn nhiều trải nghiệm đó là gì? Bạn có thể kể câu chuyện đó không?
Dự án thương mại mang đến cho mình khá nhiều trải nghiệm đó là dự án Bộ thẻ minh họa “ Bảo vệ động vật hoang dã “ mình đã hợp tác cùng chị Trang Nguyễn ( Tác giả cuốn sách Chang Hoang Dã ) và WildAct VietNam. Đây là một dự án mình cần vẽ và tìm hiểu về động vật thuộc danh sách đỏ, cần bảo tồn và quan tâm, nhiều loài mà mình không biết là ở Việt Nam có tồn tại. Đây là một chủ đề mới đối với mình, vì từ trước đến nay mình thường vẽ về con người nhiều hơn là động vật và thiên nhiên, tham gia vào dự án minh họa này cũng giúp mình được tiếp xúc với vấn đề cấp thiết về bảo tồn động vật. Ở dự án này, mình cũng không sử dụng phong cách cá nhân ( có texture hoặc hình ảnh mang tính cách điệu ), vì hình ảnh cần miêu tả đúng các đặc điểm của động vật.
Thực hiện: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Để lại đánh giá