Đây là những bức digital art huyền thoại gắn liền với tuổi thơ 8x, 9x… gợi nhớ về những ngày “cứu net” ở tiệm, một thời là wallpaper của rất nhiều máy tính, theme Yahoo 360, được chia sẻ trên nhiều forum và cả những chiếc CD room và đĩa mềm.
Kagaya Yukata, hay còn được biết đến với cái tên KAGAYA (カガヤ?), sinh năm 1968 tại Saitama, phía Bắc Tokyo; là một hoạ sĩ nổi tiếng với trong lĩnh vực vẽ tranh kĩ thuật số.
Phong cách của Kagaya rất dễ nhận ra với những bức tranh được chăm chút công phu tỉ mỉ đến từng chi tiết và màu sắc lộng lẫy tuyệt vời. Tuổi thơ của ông luôn gắn liền với bầu trời đầy sao. Đó cũng chính là cảm hứng bất tận cho những sáng tác của ông và ông chưa bao giờ ngừng vẽ về chúng. Chủ đề yêu thích của Kagaya trong các sáng tác luôn là những vì sao và những vùng đất thần thoại. Kagaya cũng rất thích màu xanh, và sử dụng nó rất thường xuyên.
Kagaya nổi tiếng ở Bắc Mỹ hơn là Nhật Bản, lý do chủ yếu là vì những tác phẩm của ông mang phong cách phương Tây. Ông chỉ sử dụng các phụ nữ phương Tây làm người mẫu vì họ cao hơn phụ nữ Nhật Bản.
Kagaya cùng với nhà thơ, nhà viết truyện Kenji Miyazawa đã cho phát hành một DVD “Chuyến tàu Ngân Hà” 銀河鉄道の夜 (Fantasy Railroad in the Stars?) vào 23 tháng 2 năm 2007. Câu truyện kể về một cậu bé nằm mơ đi trên một chuyến tàu khám phá dải Ngân Hà. Người dẫn truyện là Kuwashima Houko, một seiyu nổi tiếng Nhật Bản.
Bốn siêu phẩm nổi tiếng của ông là: “Khám phá thiên đường” (Celestial Exploring), “Chuyến tàu Ngân Hà” (Fantasy Railroad in the Stars), “Cung Hoàng đạo” (the Zodiac), và “Chuyện những vì sao” (Starry tales).
Năm 22 tuổi, Kagaya tốt nghiệp viện thiết kế của một trường đại học nổi tiếng tại Tokyo và ông bắt đầu kiếm tiền bằng việc phác họa hình ảnh cho các tạp chí và sách thiên văn. Đó là môi trường tuyệt vời cho Kagaya hoàn thành những ước mơ thời thơ ấu.
Tác phẩm “Đêm sao diệu kỳ” đã đưa tên tuổi Kagaya trở nên nổi tiếng toàn nước Nhật. Và khi tác phẩm “12 cung hoàng đạo” của Kagaya hoàn thành năm 1999, cả thế giới biết đến ông. Tác phẩm này không chỉ đơn thuần mang nặng “tính thiên văn” mà nó còn ẩn chứa sự lung linh, vẻ huyền bí khi có điểm nhấn là hình ảnh các thiên thần. Nét xinh tươi, vẻ thánh thiện của các nữ thần xuất hiện giữa nền trời sao đã khiến tất cả ngất ngây khi xem những bức tranh của Kagaya. Từ thành công đó, Kagaya xác định được hướng mới trong sáng tác. Đó là những tác phẩm mang phong cách Kagaya: “Lộng lẫy, sắc màu, sâu lắng và mơ mộng”.
Bí quyết tạo ra những kiệt tác
Khi xem những bức tranh của Kagaya, người ta sẽ phải thốt lên: “Tại sao lại có những bức tranh đẹp như vậy?”. Một họa sĩ bình thường sẽ khó vẽ được một bức tranh sắc nét đến từng chi tiết mỏng như sợi tóc, một nhà thiết kế đồ họa không thể tạo ra hồn bức tranh sống động và lôi cuốn người xem đến vậy. Nhưng Kagaya đã làm được điều này bởi ông vừa là họa sĩ, vừa là cao thủ đồ họa.
Kagaya không ngại chia sẻ bí quyết về cách tạo ra những tác phẩm kỳ diệu. Một họa sĩ muốn có một bức tranh đẹp cần phải có bút tốt, màu tốt và giấy tốt. Với Kagaya, ông cũng từng dùng bút cọ để vẽ tranh trên giấy nhưng từ năm 1995 đến giờ, đồ nghề của ông chỉ là một chiếc bút điện tử, một bảng đồ họa (graphic table) kết nối với máy tính (Mac). Ban đầu, ông dùng bút điện tử vẽ lên bảng đồ họa và sau đó sẽ dùng kỹ thuật, hiệu ứng đồ họa để xử lý tác phẩm cho đến khi hoàn hảo. Vẽ như vậy, Kagaya có lợi thế nhiều hơn các họa sĩ thông thường: Nếu vẽ hỏng một vài nét, ông có thể sử dụng vài lệnh trên máy tính để vẽ lại. Vì thế, tất cả các tác phẩm của Kagaya đều đạt đến hai chữ “hoàn mỹ”.
Và khi có những bức tranh hoàn mỹ, Kagaya chinh phục được những khán giả khó tính nhất. Nhiều người từ yêu các bức tranh của Kagaya đã đam mê bầu trời, với các vì sao. Hiệp hội thiên văn thế giới đã dùng tên Kagaya Yutaka để đặt cho một ngôi sao nhằm tôn vinh những đóng góp của ông cho ngành khoa học này. Những tác phẩm của Kagaya còn hấp dẫn hơn cả trăm cuốn sách thiên văn.
Phải mất bao lâu để Kagaya hoàn thành một tác phẩm? Rất nghệ sĩ, Kagaya cho biết: “Tùy theo cảm hứng, có bức mất vài năm mới xong nhưng cũng có bức chỉ mất vài giờ”. Việc dùng người mẫu để vẽ tranh của Kagaya cũng tùy hứng. Lúc cần ông sẽ nhìn người mẫu để vẽ nhưng có khi ông chỉ vẽ theo trí tưởng tượng là đủ.
Các tác phẩm của Kagaya có rất nhiều, rất đẹp, rất được hâm mộ nhưng không có tác phẩm nào của ông đáng giá hàng triệu USD. Bởi đơn giản, nó không được coi là tác phẩm hội họa thông thường mà được coi là sản phẩm của công nghệ số. File hình ảnh mà đích thân Kagaya tạo ra và file hình được hàng triệu người tải về máy tính làm hình nền cũng chẳng khác nhau chi tiết nhỏ nào. Và nếu không có khái niệm “hình gốc” và “duy nhất” thì một tác phẩm nghệ thuật sẽ không thể có giá trị thương mại.
Nhưng Kagaya vẫn biết cách để các đứa con tinh thần của ông tạo ra tiền. Các công ty dùng tác phẩm của Kagaya in lên tranh, album hay các sản phẩm như thẻ tín dụng, đồ lưu niệm sẽ phải trả tiền bản quyền cho họa sĩ này. Kagaya cũng thu được rất nhiều tiền bản quyền từ việc kinh doanh các bộ tranh ghép (jigsaw). Thống kê trong tháng 1-2009, các bộ tranh ghép lấy tác phẩm của Kagaya làm nền bán chạy nhất trên thị trường toàn thế giới.
Các tác phẩm của Kagaya minh họa dưới dạng truyện tranh “Đường tàu kỳ diệu tới các vì sao” đã được mọi giới đón chào khi xuất bản. Điều đó gợi mở ra một hướng nghĩ mới. Trong tương lai truyện tranh theo phong cách Kagaya sẽ phân chia thị trường với tranh Manga truyền thống và những bộ phim đồ họa theo phong cách Kagaya sẽ lên ngôi trong ngành điện ảnh? Điều đó rất có thể.
Theo Hồ Khuê / Thanh Niên / wikipedia
Để lại đánh giá