Thuộc thế hệ 9x đời đầu làm về thiết kế đồ họa, có cho mình hơn ‘bảy năm kinh nghiệm’ trong ngành với ba mảng chính: branding (thương hiệu), editorial (xuất bản) và packaging (bao bì), Alex Dang được cộng đồng thiết kế đánh giá cao đến với những dự án sáng tạo trong lĩnh vực branding (thương hiệu). Nhưng ít ai biết rằng anh đã từng là người thực hành nội dung trước khi làm thiết kế như bây giờ.
Anh tốt nghiệp ngành Báo chí truyền thông, trường Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn TPHCM. Khi còn là sinh viên năm 2, Alex Dang bắt đầu đi làm việc bán thời gian, tự do tại nhiều kênh truyền thông lớn, chủ yếu về báo mạng, truyền hình và truyền thanh. “Mình làm sáng tạo nội dung truyền thông trong hơn 3 năm tại các công ty truyền thông rồi chuyển sang làm thiết kế quảng cáo một thời gian ngắn, trước khi dấn thân toàn phần cho thiết kế.” – Alex Dang chia sẻ.
Với niềm đam mê chinh phục thiết kế sáng tạo, anh sang Canada du học ngành thiết kế truyền thông (từ gốc: communication design) tại Toronto, Canada. “Trong nhiều năm kinh nghiệm làm việc và học tập về nội dung, mình tự vấn rằng: Làm cách nào để diễn đạt một ý tưởng trong đầu hay trên trang giấy bằng hình ảnh thật tốt, hiệu quả và ấn tượng cho người xem? Chính những trăn trở đó đã khiến mình chọn việc du học thiết kế ở nước ngoài nhằm trau dồi thêm kỹ năng diễn đạt bằng hình ảnh, hiểu mình và hiểu khách hàng hơn, trước khi tập giải quyết các vấn đề lớn bằng thiết kế”.
Học xong ở Toronto, anh bắt đầu đi làm thiết kế cho nhiều trong công ty tại Canada với đủ lĩnh vực: công ty xuất bản, design studio hay công ty về thiết kế kiến trúc khu vui chơi để lấy kinh nghiệm. Sau đó anh quay về Việt Nam..
“Mình làm nội dung kỹ trước rồi mới thực hành hình ảnh..”
Việc trau dồi cảm hứng và thực hành sáng tạo ý tưởng giúp công việc thiết kế của anh chất lượng hơn. “Về Việt Nam, mình làm việc tại Bratus Agency với vai trò brand designer (người thiết kế thương hiệu), sau đó là project manager (người quản lý dự án). Mình có nhớ, hàng ngày đi làm hơn 2 tiếng vì nhà xa, mỗi buổi đi hoặc về mình hay vừa nghe, vừa nhìn thành phố chuyển động, ngắm nhìn và thu nhận thật nhiều hình ảnh như bảng hiệu, xe đẩy, quần áo, cửa hiệu… để lấy cảm hứng” – Anh chia sẻ.
Ngoài chuyện đi đường, ngắm cảnh và cảm nhận, cảm hứng còn đến bất chợt, như khi anh thắt dây giày theo nhiều kiểu khác nhau, nghe câu chuyện làm gỗ từ bố, xem những bao bì từ chợ, học cách ghi chú trong sổ tay của mẹ, nhìn ánh nắng qua cửa sổ mỗi sáng… Tất cả cảm hứng ‘miễn phí’ từ cuộc sống xung quanh được anh dẫn dắt, kết nối với nhau và trở thành ý tưởng – cách xử lý hình họa trong công việc thiết kế của mình.
“Bây giờ công nghệ phát triển, việc lấy ý tưởng cũng dễ dàng. Mình vừa sử dụng mạng, vừa tự trải nghiệm, quan sát, đưa những yếu tố thường nhật và cuộc sống ít được để ý vào trong thiết kế để trở nên tốt hơn, đồng thời xây dựng chúng một cách bài bản trong quy trình làm việc. Dần dần, những kiến thức, cảm nhận đã trở thành kinh nghiệm cho mình trong những lần sau, khi gặp dự án tương tự.
Lúc đó công việc của mình là phải làm sao cho khác biệt, mới lạ và tiến bộ hơn dự án cũ. Mỗi người đều có cảm thụ, mắt nhìn và trải nghiệm khác nhau. Điều này sẽ khiến một bài toán thiết kế được thực hiện bởi nhiều nhà thiết kế sẽ đa chiều, đa dạng và thú vị.” – Anh chia sẻ thêm.
Theo anh, ý tưởng tốt cộng hưởng với hình ảnh chất lượng sẽ dẫn đến kết quả đáng mong đợi cho dự án. Vì vậy, hành trình nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo cũng như thực hành về hình ảnh là những vấn đề cần lưu tâm trong nghề thiết kế. Ý tưởng sáng tạo là cốt lõi, kim chỉ nam cho tất cả những hình thức thể hiện bên ngoài đi theo, cộng hưởng, giúp hệ thống thiết kế có ý nghĩa, mang lại câu chuyện, bên cạnh việc tạo ấn tượng, thú vị và dễ nhớ cho người xem. Suốt khoảng thời gian vừa học, vừa làm, anh đã rèn luyện cho mình ‘một bộ não cởi mở – một đôi tay khỏe khoắn’ để sáng tạo và trải nghiệm những cách xử lý hình ảnh mới.
“Rèn bộ não ý tưởng luôn đi kèm cùng đôi tay thực hành về hình ảnh là cách mình học tập trong nhiều năm. Mình cũng không quên việc phải tự đánh giá bản thân sau mỗi giai đoạn, từ đó trung hòa, phân chia thời gian luyện tập từng phần một cách hợp lý. Bây giờ khi làm thiết kế: Mình tập trung nghiên cứu khách hàng, sản phẩm và vấn đề, hình thành ý tưởng trước và rồi mới thực hành kỹ năng hình ảnh, thử nghiệm hình hoạ và phát triển cách thực thi qua thiết kế sau.” – Anh bộc bạch.
Alex Dang quan điểm việc nuôi dưỡng cho bản thân ý tưởng sáng tạo là điều cần thiết và ‘bổ dưỡng’. Tựa như một bộ phim có thể rất tốt trong hình ảnh, diễn xuất nhưng sẽ khó thành công nếu không chỉn chu và sáng tạo phần nội dung, thông điệp, diễn tuyến, ý tưởng của đạo diễn. “Những thiết kế đẹp được ví như một bông hoa, cái đẹp của hoa ít ai phủ nhận nhưng nếu không đặt trong ngữ cảnh – thời điểm ý nghĩa và đáng nhớ, bông hoa sẽ lụi tàn dần trong tâm trí người xem.”
Song, tuy ý tưởng quan trọng nhưng nếu chưa diễn đạt tốt bằng hình ảnh, Alex Dang vẫn cải thiện, luyện tập thêm. Việc thực hành tốt cả ý tưởng và hình ảnh là điều đáng làm: “Mình vẫn hay dặn dò các bạn học viên về việc nên có ý tưởng trước khi làm thiết kế sáng tạo, điều đó cũng tương tự như khi mình tự học và thực nghiệm trong quá trình làm việc. Một bộ não khoẻ và một bàn tay hay, cân bằng và hữu dụng sẽ giúp chúng mình thoải mái và tự tin hơn khi giải quyết những bài toán khó nhằn mà khách hàng và thị trường đặt ra”.
Nuôi dưỡng ý tưởng để tạo ra nhiều biến thể thú vị..
Thử nghiệm, diễn hoạt cũng như ‘nuôi’ ý tưởng mỗi ngày là điều cần thiết, vì điều gì bồi đắp và đầu tư sẽ đều phát triển tốt. Mỗi ngày, anh thu thập ý tưởng (từ hình lẫn chữ) qua nhiều kênh khác nhau, ươm chúng trong đầu, để chúng tự nhiên lớn mạnh. Đôi khi không thể sử dụng được ngay, nhưng những ý tưởng và cảm hứng vẫn ở đó, đợi một ngày bất ngờ sẽ ‘bùng nổ’ hợp lý trong một dự án. Điều anh hạn chế nhất là việc ‘thúc’ các ý tưởng lớn nhanh bằng thời hạn, vì thứ gì ‘cần gấp’ cũng khó mà chất lượng. Nhưng chính nhờ việc ‘quen gieo trồng’ các ý tưởng và cảm hứng hình hoạ, khi có việc cần anh có thể thực hiện công việc thiết kế một cách thuận lợi, nhanh chóng.
“Thật ra, lúc học ở nước ngoài, bất kì bài tập hay dự án nào đều bị bắt ‘kê khai’ rõ ràng và hợp lý phần ý tưởng. Chính vì thế, mình biết mình thiếu ý tưởng – chiều sâu làm nên thiết kế và từ đó lưu tâm luyện tập. Để ‘ấp’ ra những ý tưởng tốt, mình cần một suy nghĩ và tinh thần ‘cởi mở’, chấp nhận vẻ đẹp của tất cả mọi thứ, dung nạp và chọn lọc cảm hứng một cách thoải mái, không thiên vị.
Từ đó, ‘thư viện’ cảm hứng và hình ảnh của mình ngày một đầy lên, để dành cho việc sáng tạo những câu chuyện, giải quyết những vấn đề của khách hàng hoặc thử nghiệm những cách thức hình hoạ mới.” – Anh thổ lộ. Ý tưởng tốt, câu chuyện rõ ràng và cảm hứng, đi kèm cùng giải pháp hợp lý cụ thể sẽ giúp bản thân có cơ sở để nói chuyện, thuyết phục khách hàng dễ dàng và thành công hơn.
Về thời gian thực hiện một dự án thiết kế thương hiệu, anh chia sẻ cần ít nhất 8-10 tuần để thực hiện một hệ thống hình hoạ và ứng dụng chuẩn chỉnh, từ ý tưởng, giải pháp thiết kế cho đến từng ứng dụng in ấn hay digital (kỹ thuật số). “Mình thường dành 1 tuần để bắt đầu nghiên cứu khách hàng, sản phẩm và thương hiệu trước, sau đó mới bắt đầu quá trình xây dựng ý tưởng và giải pháp thiết kế. Một tuần tiếp theo sẽ dành cho phần thử nghiệm hình hoạ, thiết kế và trình bày với khách hàng. Những tuần còn lại sẽ là thời gian chỉnh sửa, phát triển hệ thống ứng dụng hoàn chỉnh trước khi bàn giao sản xuất.” – Anh kể lại.
Nhắc đến những dự án của mình thì Tết Tất Tốt (2021) có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong việc nuôi dưỡng ý tưởng và hình thành câu chuyện. Với dự án bao lì xì này, anh bắt đầu suy nghĩ về chức năng chính của chúng: ngoài việc dùng để đựng tiền, lì xì còn là lời chúc phúc thành công trong năm mới, đồng thời mang đến sự hiếu kỳ về tiền mừng cho người nhận.
“Tết Tất Tốt được ra đời với thông điệp “Mọi điều tất sẽ an lành vào mùa Tết”, như một lời chúc an lòng đến mọi người vào giai đoạn đầu dịch Covid-19. Lấy cảm hứng từ mái tranh hắt nắng vào nhà mình lúc 4h00 chiều ngày hai mươi Tết, lên những lọ hoa trên bàn thờ mẹ cắm, mình bắt đầu gắn kết hình ảnh những chiếc lọ trang trí và lưu giữ “hoa Tết” – điềm lành với bao lì xì (giữ tiền chúc phúc ngày xuân).
Từ những suy nghĩ ban sơ đó, mình nghĩ nhiều hơn về không khí Tết, việc ẩn hiện tò mò của tiền mừng và “cụ thể hoá” lời chúc Tết, để ý tưởng dự án phát triển dần dần. Về phần hình ảnh, sau khi ý tưởng đủ, mình thử nghiệm nhiều ‘biến thể’ thiết kế để tìm ra cái phù hợp nhất. Cũng may làm nhiều, quen tay nên mình mất ít thời gian hơn trong việc thể hiện ra điều mình muốn.” – Alex Dang thổ lộ.
Một dự án ‘tốt’ khác có thể kể đến là OMW – bài toán về việc làm mới quan niệm ngành hàng và thể hiện tính chất thương hiệu. Với sự cho phép và chịu chơi của các founder (người thành lập), OMW đã mang đến cho anh nhiều thử thách trong quá trình làm ý tưởng:
“Dễ thương, màu sắc, phổ chúng là những từ khóa khá quen thuộc với thương hiệu chó mèo. Mình đã cùng OMW bàn bạc rất nhiều lần, để thấu hiểu khách hàng từ đó đưa ra định hướng thương hiệu và giải pháp thiết kế. Với ý tưởng thương hiệu này, mình muốn tạo khác biệt bằng nét tinh nghịch, phá cách, chịu chơi, sự nổi loạn của chó mèo – những hoàng thượng khó chiều và khó đoán.
Để thể hiện ý tưởng và đáp ứng cá tính mạnh của đối tượng mục tiêu GenZ, mình liên tưởng ngay đến các bức vẽ đường phố, những minh họa kỷ hà màu sắc… Ngoài ra, để mang đến “sự sống” cho thương hiệu chó mèo, mình thiết kế phần logo chữ như những “sinh vật” sống, kết hợp cùng ‘mắt lúc lắc’ để ‘thú hóa’ hình hoạ và tăng tương tác người dùng, từ đó kể một câu chuyện sống động và phá phách – đúng chất thú cưng.”
Ngoài công việc dạy học và thiết kế, anh còn mong muốn theo đuổi các dự án cá nhân, xa hơn nữa sẽ là những dự án mang tính cộng đồng: “Hiện tại, mình đang làm người hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ học thiết kế, thế nên mong rằng tương lai xa, mình có thể làm những dự án cộng đồng liên quan đến giáo dục như phổ cập nghề đến các bạn vùng sâu vùng xa hoặc hỗ trợ những ‘học bổng nhỏ’ giúp đỡ các bạn yêu thích học thiết kế đồ họa.”
Bạn có thể xem thêm nhiều dự án của nhân vật tại đây!
Ghi chú: Bài viết được thực hiện vào năm 2022, chỉ đúng trong thời điểm hiện tại với trải nghiệm của người viết và chia sẻ của nhân vật. Có thể ở một thời điểm khác những trải nghiệm sẽ được thay đổi với góc nhìn mới. RGB rất vui khi được chia sẻ bài viết này đến với quý độc giả!
Viết bài & Thiết kế ảnh bìa: Lê Quan Thuận. Hình ảnh trích từ các dự án mà Alex Dang đã thực hiện.
Để lại đánh giá