Một góc nhìn về giao tiếp của designer với khách hàng từ Son Nguyen (aka RabiD Son), cùng RGB chia sẻ câu chuyện “không-mới-nhưng-chưa-bao-giờ-cũ” này nhé.
Tên: RabiD Son
XOẮN Interactive Agency – Art Director / Co-Founder
Website: rabidson.com
Facebook: facebook.com/rabidson
Artwork Super RS
(Đây là ít suy nghĩ cá nhân của mình vì thế những bạn không thích đọc những phân tích chủ quan kèm suy nghĩ “đang bị dạy đời này nọ” thì vui lòng tắt tab hoặc đeo kính ngủ và mơ đẹp).
Dạo gần đây thấy trên news feed facebook mình có rất nhiều bạn chia sẻ link các bài viết về vấn đề nan giải “khách hàng và designer”. Và hơi buồn là toàn bộ đều mang tính hủy diệt nền quảng cáo cũng như tự hủy diệt bản thân ở mức độ nhất định (thực ra thì dùng hủy diệt cho nó thêm phần máu lửa thôi) đó là “phê phán, “chửi” khách hàng ở mọi cấp độ”.
Mình thấy việc này không “bổ béo” gì cho lắm, tốn nước bọt nếu nói bằng mồm, tốn calo để vận cơ , lại mất đi khách hàng như chơi, đã thế mục đích xả stress vì “được chửi” lại chẳng được giải tỏa vì:
– Khách hàng có nghe thấy thì bạn hoặc nơi bạn đang cống hiến có thể nói lời tạm biệt mãi mãi với họ. Và dĩ nhiên thì khả năng mất việc của bạn cũng khá cao (với mức lương ngàn đô-la thì lại càng buồn).
– Khách hàng không nghe thấy thì coi như bạn tự bắc loa chửi mình vì chẳng vị khách hàng mến yêu nào đứng đó giơ tai ra nghe hoặc trừng mắt ra đọc những gì bạn “chửi” cả, và dĩ nhiên là bạn tự hứng trọn một mình.
Dường như nhiều designer đang đặt cái tôi lên quá cao mà quên đi rằng “cần phải làm hài lòng khách hàng chứ không phải hài lòng bản thân”. Óc thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp mỗi người là khác nhau, dù ít dù nhiều bởi mỗi người có cách nhìn nhận một sự việc rất khác (ai cũng biết não người nó phức tạp như nào rồi). “Khách hàng mà tự làm được thì đã chẳng phải nhờ tới mình!”. Nó giống như là công việc bạn phải cho một đứa bé ăn (tưởng tượng là con bạn nhé). Thử coi khách hàng là đứa bé, gần như chẳng biết cái gì về thứ nó sẽ ăn, nhưng nhu cầu của nó là được ăn món ngon, nó yêu thích. Còn bạn thì biết vô vàn món. Vấn đề của bạn là làm sao cho nó ăn ngon miệng và không khóc nhè. Một công việc thực sự khó khi bạn gặp một đứa nhóc mè nheo. Vậy là bạn phải có cách để nó ăn một cách ngoan ngoãn khi bạn đã nấu được món nó thích, đủ dinh dưỡng, trình bày đẹp, chưa kể phải làm mấy trò hề múa may hát hò làm vui lòng đứa nhóc,…
Vậy mình muốn nói, khách hàng là người đưa ra yêu cầu làm một thứ “sáng tạo”, bạn tự xưng là kẻ sáng tạo thì bạn phải đưa ra giải-pháp-sáng-tạo phù hợp với yêu-cầu-của-chính-khách-hàng-đó chứ không phải cho bạn. Bởi cái đích cuối cùng của mọi thứ vẫn là công lao bạn làm được quy đổi ra TIỀN hoặc giá trị khác (thường là vật chất), còn “tiền” đó bạn dùng để mua vui cho bản thân hay dùng vào việc gì là tùy ở bạn nhưng mình thấy mua vui vẫn là tốt nhất, chẳng tội gì. Còn muốn làm cho bản thân vui trước thì xin lỗi, tự “thẩm du” bằng các dự án cá nhân được rồi.
Đứa nhóc sẽ khóc khi bạn đưa ra giải pháp sai = Khách hàng sẽ khó chịu hoặc bắt bạn làm lại nhiều lần cho tới khi hài lòng. Nếu sản phẩm cuối cùng ra nhìn như cục “cức” nhưng khách hàng hài lòng thì bạn cũng chẳng việc gì phải xấu hổ cả, thậm chí có thể tự hào vì bạn đã dùng một “giải pháp sáng tạo” đúng dành cho “vấn đề sáng tạo đưa ra” của khách hàng đó. Còn nếu ngược lại, thứ bạn làm ra long lanh nghiêng nước nghiêng thành và nhận được cái mỉm cười mãn nguyện của đồng chí khách hàng thì thật tuyệt vời, mang ra mà khoe thôi còn gì nữa, niềm vui trong công việc đúng nghĩa là đây rồi.
Ok, có bạn sẽ nói “ơ có mấy khách hàng bựa ở level cao nhất thì cũng khó đỡ lắm!”. À thì mình lại nói lại từ “giải pháp”:
– Bức xúc thì chẳng giải quyết được gì, làm cho đầu óc thiếu minh mẫn, việc “bựa” vẫn chưa giải quyết xong mà mất minh mẫn thì ý tưởng đào đâu ra, lại chậm deadline này nọ cho khổ ra. Không thích thì vẫn có thể bỏ project không làm nữa (gặp ở freelance nhiều), xin thôi việc (nếu đủ cứng), thuê người khác làm thay,…
– Bựa thì đưa ra cách giải quyết bựa! Vậy thôi. Quan trọng là bạn vẫn cần sống với niềm vui (ai chẳng muốn) và tiếp tục với các dự án kèm theo các khách hàng khác đang chờ tiếp theo. Cứ bực tức thì lấy đâu sảng khoái đương đầu tiếp. Không giải quyết nhanh vấn đề thì bạn cứ ngồi mà hứng chịu “nỗi đau thêm dài” mà thôi.
Tóm lại là:
– Làm thiết kế ai chẳng mong sáng tạo từ những đam mê từ cái thời chập chững mơ mộng nhưng “đời không như là mơ” mà ai cũng thuộc làu nhưng lại hay quên, ai chẳng mong có niềm vui trong công việc nhưng công việc là công việc, nó không phải hoạt động giải trí nên khi công việc không mang lại niềm vui thì vui lòng lấy thứ công việc tạo ra là tiền mà mua lại niềm vui đã mất ở công việc. Còn bạn đang được hưởng thụ thứ công việc làm bạn vui trong nó thì thật tuyệt vời, chúc mừng bạn.
– Đừng vì số khách hàng “bựa” (bạn chẳng có giải pháp phù hợp cho họ) mà hò nhau xây lò gạch ném họ. Hãy nhớ, họ là KHÁCH HÀNG, họ có đủ của cải vật chất để trả cho ta, dĩ nhiên khi họ cũng tổng động viên xây lò gạch ném lại designer thì hậu quả cũng biết rồi đó (Chắc chẳng bao giờ xảy ra haha).
Artwork Tụt Hứng
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Hãy chia sẻ ý kiến bằng cách coment hoặc gửi câu chuyện của bạn để chia sẻ với mọi người nhé: CHIA SẺ
RGB.vn / RabiD Son
hay quá, mình yêu tiền nên cũng phải yêu khách hàng, nhưng mà để tránh bị hành thì nên thỏa thuận rõ ràng trước sẽ đỡ khổ hơn
Nguyên tắc số 1 của mình là thẳng thắn ngay ban đầu và không cả nể.
đây vẫn là một vấn đề muôn thủa, mà những designer bảo thủ không bao giờ nhận ra .