Những miếng xốp nhựa EPS hiện đang được sử dụng vô cùng phổ biến nhưng thực tế lại rất có hại cho môi trường. Chúng là một loại vật liệu không thể phân hủy sinh học và rất khó tái chế. May mắn thay, mới đây các nhà khoa học tại Đại học Georg August ở Đức vừa phát minh ra một giải pháp thay thế hiệu quả và cực kỳ thân thiện với môi trường được làm từ một món ăn vặt phổ biến: bắp rang.
Theo tờ New Atlas, Giáo sư Alireza Kharazipour nảy ra ý tưởng này cách đây nhiều năm trước, khi ông đang ăn bắp rang trong rạp chiếu phim. Giờ đây, ông và nhóm của mình đã tìm cách biến món ăn nhẹ rẻ tiền này trở thành một loại mút xốp có thể phân hủy sinh học và tái chế.
Đầu tiên, một cỗ máy sẽ tách các hạt bắp ra, sau đó dùng áp suất hơi nước để làm nổ chúng. Sau đó, một chất liên kết làm bằng protein thực vật được thêm vào và ép chúng thành khuôn. Kết quả là ta có một miếng mút xốp tự nhiên thay thế cho xốp nhựa EPS độc hại để sử dụng.
Trường đại học cho biết loại mút xốp mới phát minh của họ hấp thụ nhiệt tốt hơn so với xốp EPS tiêu chuẩn và khó cháy hơn. Về mặt môi trường, nó có thể được làm phân trộn, cắt nhỏ để tái sử dụng hoặc thậm chí được lấy làm thức ăn gia súc sau khi không còn được sử dụng. Ngoài hạt bắp, các sản phẩm phế thải của ngành bắp, chẳng hạn như cùi bắp bị hỏng, cũng có thể được sử dụng để sản xuất mút xốp, giảm thiểu lãng phí.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã cấp phép công nghệ này cho công ty Bachl Group của Đức, công ty này sẽ mở rộng quy mô sản xuất để sử dụng cho mục đích thương mại. Trước tiên, loại mút xốp này sẽ được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng để làm vật liệu cách nhiệt cho tòa nhà, trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác như bao bì hoặc các bộ phận của ô tô.
Để lại đánh giá