Công nghệ mới: dùng tia laze chiếu qua lỗ khoá để “chụp ảnh” bên trong căn phòng đóng kín

Các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford vừa công bố họ có thể “nhìn” vào một căn phòng đóng kín bằng cách sử dụng chùm tia laze để thu thập hình ảnh.

Kỹ thuật có tên là NLOS (non-line-of-sight, tạm dịch là “phi đường nhìn”) hay “chụp ảnh qua lỗ khóa” này, giống như tên gọi của nó, chỉ cần một lỗ khóa mở hoặc một lỗ nhỏ khác đủ để tia laze xuyên qua để hoạt động. Phương pháp này có thể thu được hình ảnh các đối tượng trong căn phòng, miễn là chúng đang di chuyển.

Về bản chất, các nhà nghiên cứu sử dụng chùm tia laze kết hợp với bộ thu photon (tức là máy ảnh) để theo dõi các vật thể bên trong phòng kín. Khi chùm tia laze bắn vào một căn phòng, nó sẽ phản xạ lại các bức tường. Ánh sáng này cuối cùng quay trở lại bộ thu photon. Tùy thuộc vào cách nó quay trở lại bộ thu photon mà các tín hiệu thu về được thể hiện khác nhau. Phương pháp này rất giống với radar, hay chính xác hơn là LiDAR.

Tuy nhiên cũng có một hạn chế lớn với phương pháp chụp ảnh qua lỗ khoá này, đón là các đối tượng mục tiêu phải di chuyển. Giống như các con khủng long bạo chúa từ Công viên kỷ Jura, phương pháp này chỉ có thể nhìn thấy những thứ đang chuyển động. Có vẻ như các thuật toán máy tính giải mã cần một vật thể đang di chuyển để hiển thị dạng phân bố đủ mạnh để quan sát.

Mặc dù vậy, đây vẫn hứa hẹn là một công nghệ có tính thực tế khá cao. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng công nghệ này có thể được sử dụng cho ô tô tự hành hoặc làm thị giác cho robot. 

Ảnh: Stanford Computational Imaging Lab

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!