Denim là một trong những loại vải ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nhất để sản xuất. Tuy vậy, quần jeans lại là một món đồ mà hầu như ai ai cũng sở hữu bởi vẻ đẹp không bao giờ lỗi thời, có sức hút bền vững qua thời gian.
Do đó, thay vì loại bỏ vải denim dùng đề sản xuất quần jeans, hãng thời trang Candiani của Ý đang tìm cách tạo ra một loại vải denim khác bền vững tự nhiên hơn và đặc biệt là có thể tự động phân huỷ hoàn toàn ở cuối vòng đời của nó, giảm tác động tiêu cực lên môi trường.
Có tên gọi ‘Coreva’, loại vải đặc biệt này được tạo ra bởi Alberto Candiani, truyền nhân đời thứ tư của nhà mốt Candiani. Vải denim Coreva có tuổi thọ chỉ trong vòng 6 tháng, thấp hơn nhiều so với loại vải denim thông thường vốn mất hàng trăm năm để có thể phân huỷ.
Coreva sử dụng cao su tự nhiên thay vì các vật liệu có thành phần từ nhựa tổng hợp hay hoá dầu vốn phổ biến trong các loại vải denim thông thường. Bên cạnh việc có thể phân hủy nhanh hơn và tốt hơn, sử dụng cao su tự nhiên cũng đồng nghĩa với việc có ít hóa chất độc hại và nhựa siêu vi thải ra môi trường trong quá trình sản xuất.
Mặc dù các thông số cho thấy loại vải này sẽ tự động phân huỷ, đội ngũ thiết kế vẫn thử nghiệm nó theo cách “truyền thống” đó là chôn dưới đất những chiếc quần jeans Coreva mới tinh vào cảnh quan bên bờ sông Ticino. Nửa năm sau, họ cho đào lên và nhận thấy hầu như tất cả đã hoà tan vào với đất.
Tuy nhiên, điều này “không có nghĩa là chiếc quần jeans của bạn sẽ bị vữa ra khi bạn đang đi dưới mưa,” Candiani trấn an.
“Chúng cực kỳ bền trong lúc sử dụng, nhưng khi đến cuối vòng đời, bạn có thể gửi những chiếc quần jeans này lại cho chúng tôi để tái chế chúng, hoặc bạn có thể dùng chúng để bón phân cho vườn rau nhà bạn.”
Ngoài việc bản thân vải Coreva có nhiều phẩm chất thân thiện với môi trường, quy trình sản xuất của công ty cũng đáp ứng các phẩm chất này. Candiani sử dụng nước ít hơn 75% và hóa chất ít hơn 65% so với các quy trình trước đây để tạo ra Coreva. Hãng cho biết mỗi chiếc quần jeans Coreva chỉ tốn từ 24 đến 36 lít nước để sản xuất, trong khi một chiếc quần jeans thông thường cần đến tận hơn 8 mét khối nước. Tất cả các sợi vải phế thải cũng được hãng thu thập để tái chế.
Ảnh: Candiani
Để lại đánh giá