Logo được xem như là hình ảnh đại diện cho sản phẩm, dịch vụ của một công ty, và được dùng trong nỗ lực định hình thương hiệu. Nếu bạn muốn mở một công ty, hãy nghĩ đến việc thuê một ai đó (hay tự bản thân) thiết kế một mẫu logo sáng tạo cho chính mình.
Ít khi nào chúng ta có thể tạo ra một mẫu logo và sử dụng cho mãi mãi. Thường theo thời gian, theo xu hướng thị trường (có thể qua hàng tháng, hàng năm…), bạn sẽ quyết định có nên design lại hay cải tiến mẫu thiết kế đó cho phù hợp.
Việc thiết kế lại một mẫu logo có sẵn cũng “khó nhằn” như việc tạo ra một mẫu mới. Bạn phải hỏi bản thân những câu như: Mình muốn nó thay đổi bao nhiêu? Những yếu tố nào nên được giữ lại? Và liệu thị trường vẫn tiếp tục chào đón và nhận biết được thương hiệu của mình không? Một khi bạn đã trả lời được hết những câu hỏi đưa ra, thì hãy bắt đầu công việc “chải chuốt” lại logo của mình bằng 5 ý tưởng mà RGB.vn đem đến sau đây.
1. Bỏ bớt chi tiết
Chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ-nghĩa-đơn-giản đang là một xu hướng thịnh hành. Không chỉ là hiệu quả về thẩm mỹ, chúng thực sự truyền đạt tốt thông điệp mà công ty mang tới. Hãy bỏ bớt những chi tiết dư thừa để khách hàng không bị rối về sản phẩm mà công ty đang bán.
Đơn giản hóa mẫu logo càng lợi ích hơn vì một mẫu đơn giản thì dễ để nhận biết hơn một mẫu thiết kế phức tạp. Nếu mẫu thiết kế đang sử dụng có nhiều chi tiết, hãy tìm xem điểm nào là dư thừa. Ví dụ: bạn có thể có 1 logo với dòng text đơn giản và vài mẫu swoosh (dấu ngoặc phẩy của Logo NIKE). Nếu bạn thử bỏ phần text, hay ngược lại bỏ phần hình, thì hiệu quả sẽ thế nào.
Một ví dụ tiêu biểu cho phương pháp này là mẫu logo Starbucks (RGB.vn đã từng giới thiệu trong các bài trước). Từ mẫu đầu tiên, công ty qua thời gian đã luôn tìm cách để đơn giản hóa nó. Gần đây, họ đã đi xa hơn trong việc “mạnh tay” loại bỏ chữ Starbuck Coffee xung quanh, nhằm hướng đến những kế hoạch kinh doanh mở rộng ngoài lĩnh vực café (có thể là lĩnh vực nước uống đóng chai hay rượu, sẽ rất khó hiểu nếu trên mẫu logo vẫn còn xuất hiện chữ coffee). Hệ quả rõ ràng là mẫu logo đã đẹp và hiệu quả hơn nhiều!
2. Thay đổi font chữ
Một cách khá đơn giản và phù hợp nếu bạn vẫn còn rất yêu thích các chi tiết của mẫu logo của mình là thay đổi font chữ. Có thể bạn chỉ cần thay đổi thực sự 1 điểm thôi, và không ảnh hưởng nhiều đến tổng thể. Vấn đề đặt ra là, nếu bạn còn thích hầu như nguyên vẹn mẫu logo hiện tại, tại sao lại tìm cách thay đổi font chữ nó?
Quyết định thay đổi font chữ mới cũng giống như việc phải hòa hợp giữa hai thế giới. Ví dụ, bạn có một logo sử dụng chữ với nét nhỏ ở đầu nét sổ của chữ in (serif). Bạn nghĩ rằng nó sẽ mang đến dáng vẻ nghiêm túc, hay nhằm hướng đến đối tượng có địa vị trong xã hộ. Những bây giờ bạn muốn thiết kế lại để thu hút cả giới trẻ hiện đại- bạn sẽ làm gì? Có thể là đổi font chữ từ serif sang sans-serif (loại bỏ những nét nhỏ ở đầu nét sổ)
Một mẫu logo tiêu biểu thành công là của MSNBC. Bản gốc có Text được viết hoa, kiểu chữ rất nặng nề gây khó khăn trong việc xếp chữ. Nó còn có vẻ rất mạnh mẽ và quyền lực, không thích hợp lắm cho một đài truyền thông. Mẫu mới đã được thay đổi, sử dụng chữ thường, mang tính thẩm mỹ hơn và ý nghĩa hơn. Có vẻ như từ một kênh truyền thông mang vẻ “sừng sỏ”, MSNBC đã trở nên dễ tiếp cận và nhẹ nhàng hơn cho mọi người.
3. Đơn giản hóa
Điểm này cũng khá giống với ý đầu tiên, nhưng ở đây chúng ta cần thiết kế lại mẫu logo bằng cách đơn giản hóa một cách tổng thể. Thường những logo nguyên mẫu thường rất phức tạp và nhìn chung chung. Chúng ta cần phải làm đơn giản chúng lại, cụ thể hóa để có những hình ảnh mang nét đặc trưng hơn cho nhãn hiệu.
Cách tân hóa logo cũng là một cách để đơn giản hóa. Hãy nhìn mẫu của “Seattle’s Best Coffee”. Mặc dù có 2 trường phái thích và không thích sự thay đổi này, nhưng phải đồng ý về hiệu quả của sự thay đổi và ý nghĩa mà chúng mang lại. Mẫu cũ nhìn có vẻ phức tạp, hơi “già”, và không khác biệt lắm. Có hàng trăm mẫu khác của các công ty sử dụng hình ảnh con dấu niêm phong, nhất là khi bạn nghĩ về café.
Cửa hiệu này đã quyết định mở rộng kinh doanh ra ngoài lĩnh vực café, hướng tới cửa hàng tiện lợi. Họ muốn cộng tác với các thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh, thức uống, và có thể là cả máy bán hàng tự động. Thiết kế lại logo làm thay đổi hình ảnh từ một quán café nhỏ tỉnh lẻ thành một thương hiệu café phục vụ nhanh.
4. Thay đổi màu sắc
Chọn màu đúng là một quyết định dẫn đến thành công. Chúng ta thường chọn màu phản ánh những cảm xúc nào đó, hay hình ảnh nào đó. Ví dụ: màu xanh dương và những màu nhẹ sáng mang ý thân thiện. Màu đỏ mang ý nghĩa nhiệt huyết, đầy năng lượng. Việc thay đổi màu sắc trên logo có thể làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh thương hiệu của bạn.
Dù chỉ thay đổi một chút, như việc giảm bớt cường độ màu sắc cũng làm nên chuyện. Ví dụ như nhãn Toys R Us. Họ đơn giản hóa và đồng thời giảm cường độ màu sắc để bớt vẻ chuẩn mực, căn bản; tuy nhiên vẫn giữ lại hầu như các chi tiết khác. Nhìn chung, việc chỉnh sửa đã làm cho mẫu thiết kế nhìn trẻ con và vui vẻ hơn.
5. Bản chất công ty/sản phẩm
Ta thường thiết kế logo và gửi gắm vào đó quá nhiều nội dung, ý tưởng, làm chúng trở nên rắc rối. Cần đơn giản hóa, tuy nhiên phải cân nhắc xem chúng có phù hợp với từng công ty, sản phẩm/dịch vụ hay không.
Đôi lúc chúng ta chỉ cần những thứ đơn giản rõ ràng và hãy thiết kế một mẫu logo với cách xắp chữ thật hấp dẫn. Bạn cũng cần thêm vào đó một chút yếu tố gây hứng thú để diễn tả công việc bản chất của công ty hay sản phẩm mà nó đang cung cấp. Nếu mẫu logo bạn nhạt nhòa, hãy áp dụng một chủ đề nào đó với tiêu chí trên.
Có thể logo của bạn không hề nhàm chán, nhưng nó lại không mang ý nghĩa như mong muốn. Nhiều năm trước, Amazon.com dùng logo liên tưởng đến con sông Amazon. Nhưng rõ ràng là nhãn hiệu này chẳng liên quan gì đến con sông ấy. May mắn thay, họ đã design lại thành hình ảnh một mũi tên như dòng chảy từ A tới Z (họ bán mọi thứ từ A-Z), và trông giống như một nụ cười. Nếu bạn thử giao dịch với Amazon, bạn sẽ cảm nhận được ngay điều thú vị này.
Tống cựu nghinh tân
Thiết kế lại logo rõ ràng là một việc rất tốn thời gian, nhưng lại rất quan trọng để cân nhắc. Hãy xác định bạn đang cố gắng làm gì và dùng ít nhất một yếu tố, trong số những ý trên, để thực hiện. Quan tâm xem khách hàng muốn, cần gì, và đối thủ đang làm gì. Luôn nuôi dưỡng tính sáng tạo, nhiệt huyết của mình. Chắc chắn bạn sẽ tạo ra những tác phẩm tuyệt vời.
RGB.vn / Dịch bởi Phương Trần RGB
Theo webdesignerdepotog
Để lại đánh giá