Lava Digital chia sẻ cách thức mới trong việc tiếp cận người dùng mục tiêu bằng Audio Marketing

Có thể thấy trong những năm gần đây, việc tiêu thụ nội dung bằng âm thanh ngày càng tăng, đặc biệt là ở thế hệ Gen Z, và đang trở thành một xu hướng trong thời đại mới. Dần có nhiều người nghe nhạc, nghe podcast, thông qua các thiết bị điện tử của mình như smartphone, smart TV, loa thông minh,… và hình thành thói quen nghe nội dung bằng âm thanh khi họ đang thực hiện công việc hoặc khi đang di chuyển để tối ưu việc cập nhật, tiếp nhận thông tin kể cả trong khoảng thời gian họ không tiếp xúc với màn hình điện tử.

Một báo cáo của We Are Social cùng KEPIOS về tổng quan ngành Digital năm 2022 cho biết, trong tổng số người dùng Internet từ độ tuổi 16 – 64 tại Việt Nam, có 36,9% cho biết họ thường xuyên nghe nhạc trên các nền tảng trực tuyến, 17,4% nghe các chương trình radio, 14,1% chia sẻ là họ nghe podcast và 23,4% cho biết họ nghe sách nói thông qua thiết bị điện tử cá nhân của mình mỗi tuần.

Những hoạt động này trải đều trong ngày và khoảng thời gian tiêu thụ nội dung âm thanh diễn ra vào nhiều thời điểm khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau. Chính vì thế, Audio Marketing là một mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu của mình trong những năm sắp tới.

Thực chất, các thương hiệu lớn đã tận dụng khái niệm quảng cáo bằng âm thanh này từ lâu và xây dựng nó thành chiến lược tiếp thị của họ, tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không nhận ra. Khái niệm này được áp dụng chủ yếu trong chiến lược branding của các nhãn hàng, và được dân trong ngành biết đến với tên gọi là Audio branding. Cụ thể, các yếu tố âm thanh được sử dụng như giọng nói, tiếng động, bài hát, … để xây dựng nhận diện, tính cách thương hiệu, tầm nhìn, lời hứa và củng cố giá trị của thương hiệu. Âm nhạc cũng bắt đầu được áp dụng vào các chiến dịch marketing tại thị trường Việt Nam từ khoảng năm 2016 và ngày càng được người nghe đón nhận.

Thực tế đến thời điểm hiện tại, mặc dù đang dần trở thành xu hướng, Audio Marketing vẫn còn đang bị đánh giá thấp bởi nhiều nhãn hàng. Thông thường, các nhãn hàng chỉ đơn thuần là sử dụng lại âm thanh từ TVC hoặc content video đã có sẵn. Cách thức tiếp cận tới khách hàng thông qua audio vẫn còn chưa được chú trọng tỉ mỉ, còn rập khuôn và bị ảnh hưởng bởi những tiêu chí cũ của hình thức quảng cáo hiển thị, đó là cố gắng truyền tải thông điệp của nhãn hàng tới người dùng mục tiêu càng nhiều càng tốt, thúc đẩy họ thực hiện hành vi mong muốn bằng giọng nói và âm nhạc. Cách thức này vẫn rất hiệu quả trong trường hợp mục tiêu chính của nhãn hàng đơn thuần là tăng độ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, quảng cáo âm thanh còn làm được nhiều hơn thế nữa.

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy âm thanh có tác động rất mạnh mẽ đến não bộ và cảm xúc của con người. Khi nhận tín hiệu từ âm thanh, não bộ sẽ tạo ra nhiều phản ứng khác nhau, có khi là tích cực, có khi là tiêu cực. Ví dụ như khi nghe một bản nhạc với âm hưởng cao, cơ thể ta tiết ra hormone tạo sự hưng phấn, hay khi xem một bộ phim kinh dị, tiếng động bất thình lình làm ta giật mình hoảng sợ. Âm thanh còn gợi nhớ ta về một trải nghiệm, một ký ức, một sự việc. Đã bao giờ bạn lắng nghe một tiếng leng keng và chợt nhớ về tuổi thơ với những ngày đạp xe khắp xóm với nhóm bạn và luôn dừng lại thèm thuồng trước chiếc xe chất đầy hương vị ngọt ngào và thanh mát của chú bán kem dọc đường, rồi bỗng nhiên bản thân lại muốn ăn liền một que kem chưa?

Chính yếu tố kỳ diệu đó của âm thanh khiến Audio Marketing lại càng là một công cụ hữu hiệu để các thương hiệu tận dụng trong việc thu hút sự chú ý và tạo sợi dây liên kết dẫn người nghe đến với nhãn hàng. Các thương hiệu, nhãn hàng nên sử dụng âm thanh như là một phương thức kết nối, giao tiếp và tương tác hai chiều với khách hàng. Trong một thị trường với vô vàn những sản phẩm, những ý tưởng, những chiến dịch quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số và tình trạng người tiêu dùng bị “bội thực” quảng cáo như hiện nay thì những thương hiệu biết tận dụng âm thanh sẽ dành chiến thắng cao.. 

Theo bà Ly Lê, Head of Spotify Business, Lava Digital Group: “Digital Audio Ads là một thành phần không thể thiếu trong chiến lược media đa kênh của các thương hiệu hàng đầu khi mà hiện nay một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có xu hướng ‘thoát khỏi’ các quảng cáo trực quang (visual)”.

Một khảo sát của Spotify trên số lượng người sử dụng nền tảng của họ trên toàn cầu cho thấy: cứ 3 người thì có 1 người trong số đó cho biết họ tập trung tâm trí vào lắng nghe âm thanh khi nghe nội dung quảng cáo bằng audio. 60% cho biết họ có thực hiện hành vi tương tác với một thương hiệu sau khi nghe được nội dung quảng cáo của thương hiệu đó trên nội dung audio, chủ yếu là từ âm nhạc và các chương trình podcast. Và có hơn 66% người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials xem việc nghe audio như là một nguồn chữa lành và kết nối sâu hơn với đời sống. 

Hiểu được những insights đó từ người nghe, Spotify cùng với Lava Digital – đối tác duy nhất của Spotify Advertising tại thị trường Việt Nam đã tổ chức một sự kiện với chủ đề “The Magic of Immersive Audio”. Sự kiện diễn ra tại một địa điểm đặc biệt đó là rạp chiếu phim CGV tại trung tâm mua sắm Sư Vạn Hạnh – TP.HCM, nơi có thể đáp ứng được kỹ thuật tạo ra âm thanh 3D chất lượng. Với mục tiêu tạo cơ hội cho tất cả những người đến tham dự có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận và chìm đắm trong thế giới âm thanh sống động chân thực.

Điểm đặc biệt là, Spotify muốn dùng kỹ thuật âm thanh này như là một cách thức tiếp cận mới để áp dụng vào việc tạo quảng cáo âm thanh cho nhãn hàng. Mục tiêu của kỹ thuật âm thanh này là tạo ra trải nghiệm thính giác bao trùm người nghe từ mọi góc độ trong không gian ba chiều, khiến người nghe cảm nhận được âm thanh đến từ mọi ngóc ngách. Đây là cách kể chuyện (story-telling) mới bằng âm thanh mà ở đó thương hiệu đóng vai trò là người dẫn dắt chính. 

Bên cạnh đó, đại diện từ Lava cùng những chuyên gia đến từ Spotify cũng như đối tác của họ trong việc sản xuất âm thanh cũng có một section chia sẻ về ý nghĩa của việc sử dụng 3D audio vào audio ads, cách thức sử dụng âm thanh 3D để khơi gợi tối đa cảm xúc của người nghe, dẫn dắt họ vào một hành trình đáng nhớ mà ở đó người nghe được trải nghiệm những cung bậc của thanh âm đặc trưng của thương hiệu, khơi gợi hành động tương tác và hình thành mối liên kết giữa thương hiệu và người nghe.

Đại diện của Spotify cho biết: “Bằng cách khai thác sức mạnh của âm thanh, chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm vô cùng chân thực và đáng nhớ, kết nối với khán giả của chúng ta một cách độc đáo”.

Sự kiện “The Magic of Immersive Audio” hứa hẹn đem lại một bước đột phá mới trong thế giới âm thanh và quảng cáo bằng âm thanh (Audio Marketing). Một trong những phát triển thú vị nhất của thế giới âm thanh là sự bùng nổ của Immersive Audio. Công nghệ này cho phép người nghe trải nghiệm âm thanh quảng cáo theo một cách mới lạ và thú vị, không chỉ kích hoạt thính giác mà còn cả những giác quan khác. 

Đây cũng là cơ hội để những người dẫn đầu ngành kết nối với nhau, cùng bàn luận và có cái nhìn sâu sắc hơn về các xu hướng công nghệ mới nhất, khám phá những cách thức mới để tạo trải nghiệm thương hiệu mạnh mẽ, gây hứng thú và truyền cảm hứng.