Cùng RGB điểm qua những thông tin Sáng tạo, quảng cáo, văn hoá nổi bật trong tuần 17 đến 23/4. Lướt Fanpage RGB để xem thêm những tin mới thú vị mỗi ngày!
Sony hiện đang sở hữu một bằng sáng chế cho phép người xem bỏ qua quảng cáo trên TV bằng cách ra lệnh trên màn hình. Đơn xin cấp bằng sáng chế mô tả một hệ thống sử dụng tính năng nhận dạng giọng nói để phát hiện các từ khóa hoặc cụm từ cụ thể, chẳng hạn như “bỏ qua” hoặc “tiếp theo” và tự động tua nhanh qua đoạn quảng cáo.Công nghệ này cũng có thể phát hiện giọng nói của người xem từ xa, cho phép họ bỏ qua quảng cáo ngay cả khi họ không ở ngay trước TV.
Netflix và ê kíp sản xuất phim African Queens: Queen Cleopatra đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến tạo hình của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.Đây là bộ phim tài liệu do Jada Pinkett Smith – vợ của Will Smith – điều hành sản xuất. Nữ diễn viên Adele James thủ vai nữ hoàng huyền thoại trong bộ phim này, tuy nhiên tạo hình của cô lại vấp phải nhiều tranh cãi.
Nguyên nhân là do nữ diễn viên là người da màu, trong khi Nữ hoàng Ai Cập thì không.Nói về dự án này, Jada khẳng định cô mong muốn “đại diện cho phụ nữ da màu”. Tuy nhiên, không chỉ khán giả phẫn nộ, các chuyên gia Ai Cập đều chỉ trích bộ phim khi làm sai sự thật về Nữ hoàng Cleopatra VII.
Ở thời điểm hiện tại, đoạn trailer chính thức của bộ phim đã gây ra nhiều tranh cãi đến mức YouTube buộc phải tắt tính năng bình luận nhằm chấm dứt tranh cãi. Tuy vậy, khán giả vẫn vô cùng phẫn nộ và tiếp tục tranh luận ở các nền tảng mạng xã hội khác. Bất chấp sự phản đối của khán giả, series phim tài liệu African Queens: Queen Cleopatra sẽ lên sóng vào 10/5 tới.
Donald Trump, Bill Gates hay Cristiano Ronaldo, Beyoncé,… nằm trong số hàng nghìn tài khoản bị thu hồi tick xanh trên Twitter do chưa đăng ký dịch vụ theo chính sách mới.
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của Twitter, trước đây đã cam kết xóa bỏ cách vận hành cũ và sẽ bắt đầu thu phí 8 USD/tháng đối với những tài khoản được gắn “tích xanh”, chủ yếu là tài khoản của những người nổi tiếng, nhà báo và chính trị gia.
Sau nhiều lần trì hoãn, mới đây, tài khoản Twitter của nhiều người có ảnh hưởng, các chính trị gia và một số cơ quan chính phủ đã không còn “tích xanh”. Tỷ phú Elon Musk cho biết, Twitter đang nỗ lực để đưa ra những quyết định chính xác, trung thực và sẽ điều chỉnh mác gắn kèm các tài khoản.
Khi các hãng tin và thương hiệu, người nổi tiếng mất “tích xanh” vì không đóng phí 8 USD, người dùng Twitter bước vào một cơn hỗn loạn mới. Theo đó, người dùng Twitter thức giấc vào ngày 21/4 trong sự hỗn loạn còn lớn hơn trước sau khi nền tảng này bắt đầu “thanh trừng” các tài khoản “tích xanh” cũ không đóng phí. Từ ngôi sao, người nổi tiếng, nhà báo, tổ chức chính phủ…, bất kỳ ai chưa đăng ký Twitter Blue giá 8 USD/tháng đều mất “tích xanh”.
Theo CNN, hàng loạt tổ chức tin tức đã mất “tích vàng”, một biểu trưng khác mà đội ngũ Twitter phát triển trong vài tháng trước. Điều này cho thấy, họ cũng từ chối trả 1.000 USD/tháng để được giữ “tích vàng”.
Dù một số vấn đề xuất phát từ việc xóa “tích xanh” có thể được giải quyết trong vài ngày tới, sự thay đổi khiến người dùng càng khó khăn hơn để xác định tính chân thực của một tài khoản và làm tổn hại đến vai trò như một trung tâm tin tức của Twitter. “Tích xanh” nay không còn là một dấu hiệu cho thấy chủ nhân tài khoản đã được Twitter xác thực. Thay vào đó, nó chỉ phản ánh sự thật duy nhất là họ trả tiền để có “tích xanh”.
Những thử nghiệm trước đó cũng dẫn đến hỗn loạn tương tự, buộc Twitter phải tạm dừng triển khai chương trình nhiều lần. Tuy nhiên, sau cùng nền tảng vẫn tiếp tục kế hoạch với hi vọng tăng cường doanh thu Twitter Blue, bù đắp cho doanh thu quảng cáo giảm.
Visit Denmark, hội đồng du lịch của Đan Mạch vừa có màn hợp tác độc đáo với công ty quảng cáo Brandhouse/Subsero để biến các bức danh hoạ nổi tiếng thế giới như Mona Lisa, Girl with a Pearl Earring hay bức chân dung tự họa của Vincent van Gogh trở thành “cổ động viên” khuyến khích khách du lịch thăm quan đất nước này.
Sử dụng kịch bản phim do ChatGPT viết và công nghệ deepfake để giúp các bức tranh “nói chuyện”, chiếc advert truyền thông điệp đến khách du lịch rằng việc xếp hàng để xem những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng này rất là dài và tốn thời gian, và rằng họ nên chọn một nơi khác để mà tận hưởng kì nghỉ của mình, cụ thể là Đan Mạch.
Kathrine Lind Gustavussen, Giám đốc truyền thông của Visit Denmark, nói rằng tất cả các đoạn nói trong clip đều được tạo ra 100% bởi các thuật toán. Họ chỉ loại bỏ những phần “quá dài hoặc đơn giản là không đúng sự thật”.
Theo Marketing Beat, hội đồng du lịch Đan Mạch đã giao nhiệm vụ cho ChatGPT với yêu cầu đơn giản sau: “Hãy tưởng tượng bạn là nàng Mona Lisa. Viết một bài phát biểu về lý do tại sao mọi người nên đến thăm Đan Mạch thay vì đứng xếp hàng để gặp bạn.”
Gustavussen thừa nhận rằng họ cũng cảm thấy hơi “liều” khi đặt toàn bộ thông điệp của chiến dịch vào tay AI, nhưng vẫn chọn làm như vậy với hy vọng đưa Đan Mạch “lên vị trí dẫn đầu trong ngành du lịch” và định vị mình là một quốc gia sử dụng công nghệ tiên tiến để thúc đẩy sự sáng tạo.
Để lại đánh giá