Mr. Hollywood đến Việt Nam với “3-day film school”

Dov Simens – người được tạp chí The MovieMaker gọi là Mr.Hollywood bởi kỹ năng “dạy làm phim trong hai ngày” – vừa đến VN đêm 22-7 để chuẩn bị các buổi dạy từ ngày 26 đến 28-7.

Một phần bí mật của những khóa học đắt giá ngắn ngày nổi tiếng đã được ông tiết lộ trong bài phỏng vấn qua email của PV Tuổi Trẻ.


Dov Simens (thứ hai từ trái) khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất tối 22-7- Ảnh: Cát Khuê

Điện ảnh là công nghiệp chứ không là nghệ thuật

* Nổi tiếng với danh xưng bậc thầy dạy làm phim số 1 của Hollywood, lý do gì để họ gọi ông như vậy?

– Tôi là một giảng viên điện ảnh nổi bật vì tôi phá bỏ bức màn bí ẩn về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ làm phim và Hollywood. Tôi không dạy về “nghệ thuật” mà chỉ dạy về “công việc” sản xuất và bán phim. Khóa học của tôi dành cho những người trưởng thành, những người tin rằng bản thân mình có khả năng, sự đam mê và khát khao. Họ sẽ muốn biết công việc làm phim đòi hỏi phải đầu tư những gì, muốn tìm hiểu cách tiếp thị và phát hành phim sao cho có lợi nhuận. Như chúng tôi vẫn thường nói ở Hollywood: “Ðây là show biz (công nghiệp biểu diễn), chứ không phải show art (nghệ thuật biểu diễn)”.

* Ông đã được giới thiệu gì về đất nước và nền điện ảnh của chúng tôi trước khi sang đây?

– Dù là một người phương Tây, tôi biết kha khá về điện ảnh VN. Từ những nhà làm phim Việt kiều như Trần Anh Hùng với các phim Xích lô, Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng… đến các nhà sản xuất những bộ phim có khán giả rộng rãi hơn như Mùa len trâu, Gái nhảy, Áo lụa Hà Ðông… Ngày nay khi nền kinh tế bắt đầu phát triển và nhiều rạp chiếu phim được xây dựng, các bộ phim thành công về thương mại cũng ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu sự khó khăn về thu nhập của các nhà làm phim VN khi các diễn viên dù rất giỏi chỉ được trả thù lao 1.200-1.800 USD cho một phim. Và các đạo diễn tên tuổi có khi cũng không hơn bao nhiêu.

Cái lợi lớn của một nhà làm phim Việt Nam

* Giảng dạy cho những nhà làm phim Hollywood có gì khác với việc giảng dạy ở VN? Ông nghĩ mình sẽ phải tăng giảm các kỹ năng khác nhau như thế nào để phù hợp hơn với những nhà làm phim Việt?

– Quy trình sản xuất một phim ở Hollywood cũng giống đến 99% tại VN. Tôi biết điều này nghe thật sốc. Tuy nhiên, diễn viên vẫn là diễn viên, nhà biên kịch vẫn là nhà biên kịch, nhà sản xuất vẫn là nhà sản xuất, camera là camera, ánh sáng là ánh sáng, nhà đầu tư là nhà đầu tư, nhà phát hành là nhà phát hành và rạp vẫn là rạp. Tất cả điều đó đều giống nhau cho dù ta ở đâu.

Sự khác biệt nằm ở các chính sách đầu tư cho điện ảnh của chính phủ, nằm ở luật lệ của các nghiệp đoàn biên kịch, diễn viên và đạo diễn. Và nằm ở chỗ chỉ riêng trong nước Mỹ, Hollywood đã có 300 triệu khán giả, 15.000 phòng chiếu với giá vé 10-12 USD, trong khi VN có hơn 80 triệu dân, 150 phòng chiếu với giá vé 2-4 USD.

Tôi tin rằng các nhà làm phim Việt cũng có những kỹ năng: kể chuyện, diễn xuất, đạo diễn và quay phim như các nhà làm phim Mỹ… mặc dù ở Mỹ họ có nhiều kinh nghiệm và cơ hội để phát triển hơn. Tuy nhiên, cái lợi lớn của một nhà làm phim VN là cho dù ở thành phố hay nông thôn thì các bạn có những bối cảnh cho phim rất đẹp, rất lý thú về thị giác. Ðó là những thứ mà chúng tôi không thể tạo dựng ở Mỹ cho dù với hàng chục triệu USD.

Do đó tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách tận dụng các nét đẹp của VN để kể những câu chuyện bằng hình ảnh phù hợp với tất cả mọi người trên thế giới, về tình yêu, sự ruồng bỏ, đối đầu, phiêu lưu hay sợ hãi…

* Nhưng sự thật thì làm phim ở VN rất khác ở Mỹ, ông có biết điều đó?

– Tôi nghĩ sự khác biệt khi sản xuất một phim truyện tại VN chỉ khác Mỹ ở số khán giả, số lượng rạp và giá vé. Có nghĩa là để có thể kiếm lời từ một phim ở VN, ta chỉ nên duy trì kinh phí trong khoảng 100.000-500.000 USD, trong khi tại Hollywood người ta cần phải chi 10-100 triệu USD. Do mức lương thấp, sẽ không khó lắm để làm một phim có lợi nhuận tại VN nếu biết hạn chế, điều tiết kinh phí cũng như dùng những phương pháp quảng cáo và tiếp thị phù hợp. Hãy nhớ rằng tiếp thị là một phần quan trọng.

Hãy học cách khởi đầu khiêm tốn

* Ông nghĩ cơ hội nào cho những nhà làm phim VN khi đất nước chúng tôi mới chỉ đang phát triển, thị trường điện ảnh nhỏ và chưa bộ phim nào có kinh phí trên 1 triệu USD?

– Cơ hội cho các nhà làm phim Việt là rất lớn nếu tập trung làm phim cho thị trường VN. Nếu một phim thành công chỉ đạt trên 1 triệu USD tiền bán vé thì việc làm một phim kinh phí quá 500.000 USD là không tưởng.

Ngoài ra nếu bạn muốn bán phim sang Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc, sẽ không khó nếu như bạn mời một diễn viên từ các quốc gia này, trả 5.000-10.000 USD một người. Tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách tìm một diễn viên nổi tiếng từ Úc hay Anh, với 25.000-50.000 USD, để có thể làm phim và bán sang các thị trường này.

Bước kế tiếp là tôi sẽ giới thiệu đạo diễn của những phim này làm việc với các diễn viên nổi tiếng của Hollywoodvà Anh như Michael Cain và Brendan Fraser trong Người Mỹ trầm lặng. Cơ hội là có, nhưng các bạn cần học cách khởi đầu khiêm tốn, làm phim, từng phim một tiếp thị ra trong vùng, rồi ra thế giới và gia tăng kinh phí cho các phim sau.

* Ông từng xem một phim nào của VN hoặc liên quan đến VN chưa? Cảm tưởng của ông như thế nào?

– VN thật đẹp, do đó làm phim với những cảnh quay đẹp tại VN không khó. Tuy nhiên tôi chưa thấy một phim nào tại VN có thể kể một câu chuyện hoàn chỉnh (bao gồm câu chuyện chính, ba đường dây phụ đan xen, với các nhân vật đa cực). Thế nên tôi cũng sẽ hướng dẫn việc viết kịch bản theo cách mà người phương Tây ưa thích tại khóa học này.

Dov Simens và diễn viên Bruno Pinasco – Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo thông tin từ www.hfivn.com, những nhà làm phim từng tham gia khóa học của Dov Simens đã đoạt chín giải Oscar, 32 giải Emmy cùng 1.470 giải thưởng khác trong các kỳ liên hoan phim Mỹ và thế giới. Số lượng phim họ làm ra trong năm năm qua nhiều hơn cả lượng phim làm bởi sinh viên tốt nghiệp ba trường điện ảnh hàng đầu của Mỹ – USC, UCLA và NYU – cộng lại.

Tại VN, khóa học của ông thầy nổi tiếng từ Hollywood có 100 người tham gia, trong đó có nhiều người nổi tiếng như đạo diễn Việt Linh, Phạm Hoàng Nam, nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, vợ chồng diễn viên Hồng Ánh, diễn viên Trần Bảo Sơn, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, ca sĩ Hồng Nhung…

Theo Tuoitre