NASA tung ảnh hồng ngoại đầy mê hoặc của Sao Mộc chụp bởi kính viễn vọng James Webb

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã trải qua những tháng ngày vô cùng bận rộn kể từ khi NASA và Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên tiết lộ những hình ảnh đầu tiên chụp bởi thiết bị này vào tháng 7.

Giờ đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ một lần nữa vừa công bố những hình ảnh đầy mê hoặc của Sao Mộc do Máy ảnh hồng ngoại gần (NIRCam) của JWST ghi lại, cho thấy những chi tiết ngoạn mục trên hành tinh khí khổng lồ này vốn chưa từng được thấy trước đây.

“Chúng tôi đã không kỳ vọng là những hình ảnh thu được sẽ tốt đến như vậy”, Giáo sư Imke de Pater của Đại học California nhận xét.

Bằng cách sử dụng nhiều bộ lọc khác nhau, các nhà khoa học đã có thể tạo ra một bức tranh tổng hợp cuối cùng không chỉ cho thấy cực quang của Hành tinh khổng lồ này mà còn những luồng mây xoáy xung quanh cực bắc và cực nam của nó. Thêm vào đó, Great Red Spot — cơn bão khổng lồ có kích thước lớn hơn cả Trái đất và đã tồn tại nhiều thế kỷ — cũng xuất hiện trong hình ảnh này.

Ngoài ra, phiên bản trường rộng của hình ảnh cũng hiển thị các vành đai mờ nhạt của Sao Mộc và hai mặt trăng của nó là Amalthea và Adrastea, với các thiên hà mờ nhạt “photobomb” ở phía sau khung cảnh tuyệt đẹp này.

Thierry Fouchet, Giáo sư tại Đài thiên văn Paris, giải thích: “Hình ảnh này đưa ra cái nhìn tóm tắt về chương trình hệ thống Sao Mộc của chúng tôi, vốn nghiên cứu tính động lực học và hóa học của bản thân hành tinh này, cũng như các vành đai và hệ thống vệ tinh của nó.”

Theo một tuyên bố, có vẻ như các nhà nghiên cứu hiện đang phân tích dữ liệu do JWST thu thập với hy vọng tìm kiếm thông tin mới và tìm hiểu thêm về hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời.

Ảnh: NASA