Nghệ Thuật Có Thể Cho Ta Bài Học Nào Về Tình Yêu?: Bàn Về Tác Phẩm Bữa Tiệc Trưa Trên Thuyền Của Renoir (Phần 1)

Bài viết gồm 3 phần : 
1. Lý trí và Cảm xúc trong một Bức tranh và trong Tình yêu
2. Người Thứ Ba Trong Tình Yêu
3. Cá nhân và thế giới 

Được chia là 2 lần đăng tải.

Mọi phụ nữ đều muốn cảm thấy tự hào về cách cô ấy đánh giá một người đàn ông. Mọi phụ nữ đều muốn cảm nhận cái đẹp của tình yêu tương tự như khi cô ấy ngắm một bức tranh và thốt lên “Thật đẹp!”. Nhưng chúng ta chưa biết điều gì có thể khiến ta như vậy. Khi trả lời cho câu hỏi “Cái đẹp là gì?”, Eli Siegel đã khai sáng cho ta. “Tất cả cái đẹp”, ông khẳng định, “là việc hợp nhất những sự đối lập, và chính điều này là thứ chúng ta theo đuổi”.

Trong một lớp học về Chủ Nghĩa Hiện Thực Thẩm Mỹ (Aesthetic Realism) khi tôi 25 tuổi, thầy Siegel đã hỏi tôi rằng, “Em có tin rằng em biết cách yêu không?”. Tôi trả lời, “Không ạ”. Thầy giải thích, “Yêu thương là việc cảm nhận cái đáng yêu và cái đáng yêu tột cùng của một điều gì khác, theo một cách mà khiến chúng ta cảm thấy thăng hoa.” Tôi đã nhận ra rằng cảm giác ấy chính là thứ cảm xúc cần có trong tình yêu đích thực và cũng chính là cảm xúc tạo ra nghệ thuật. Tôi nghĩ đây là điều mà Pierre-Auguste Renoir đã cảm thấy khi ông vẽ bức tranh khổ lớn và rực rỡ mang tên Bữa tiệc trưa trên thuyền vào năm 1881, và đó là điều chúng ta đều có thể học hỏi.

Pierre-Auguste Renoir, Luncheon of the Boating Party (Le Déjeuner des canotiers) (1881)

Mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính đều bắt nguồn từ khao khát thấu hiểu và tôn trọng thế giới. Những rắc rối trong tình yêu đến từ việc ta coi trọng một người hơn thế giới mà ta coi là tầm thường, khó chịu. Ta cố gắng đạt được cảm giác lâng lâng bằng cách ngó lơ sự thật. Renoir không hề mắc phải sai lầm này; ông hợp nhất những sự đối lập thành một thể đẹp vô cùng.

• • •

1. Lý trí và Cảm xúc trong một Bức tranh và trong Tình yêu

Trong một lớp học vào thời kỳ đầu tìm hiểu về Chủ Nghĩa Hiện Thực Thẩm Mỹ (Aesthetic Realism) của tôi, thầy Siegel đã hỏi tôi:

Em có tin rằng một khoảng thời gian hào nhoáng để xua tan đi những câu hỏi là thứ em đang tìm kiếm? Một thoáng căng thẳng để nhấn chìm tất cả những câu hỏi mà em đặt ra – có đúng như vậy không?

Đây chính là điều mà tôi đã trải qua, và nó khiến tôi không thể tôn trọng bản thân – tôi đã đối xử bất công với người khác, người mà tôi sử dụng để trốn khỏi thế giới và chiến thắng nó. Tôi không hề hay biết rằng tôi căm ghét chính thế giới mà tôi hằng muốn thích.

Thầy Siegel giải thích điều tôi thật sự mong đợi khi thầy hỏi, “Trí tuệ có thể chấp thuận ảo mộng hay không? Em có biết khả năng điều đó trở thành thực là đến mức nào không?”. Tôi đã không biết, và tôi biết ơn Chủ Nghĩa Hiện Thực Thẩm Mỹ vì đã dạy tôi biết rằng khi ta thật sự quan tâm tới một người, sự quan tâm đó có nền tảng là tri thức và những lý do rõ ràng. Việc trí tuệ có thể chấp nhận những ảo tưởng là một trong những điều lớn lao mà nghệ thuật có thể dạy ta về tình yêu. 

Eli Siegel – Nhà sáng lập Aesthetic Realism Foundation

Trong 15 Câu hỏi mang tính lịch sử, “Có phải cái đẹp là sự hợp nhất hai thái cực hay không?”, Eli Siegel đặt câu hỏi về Lý trí và Cảm xúc:

Liệu ta có thể tìm thấy sự logic trong mỗi tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tranh vẽ, hoặc một thiết kế dễ được lý trí chấp nhận, hay những chi tiết được thể hiện một cách chuẩn xác và được sắp đặt mạch lạc, rõ ràng hay không? – và liệu có điều gì có thể làm lay động một người, khuấy động những cảm xúc của anh ta mà không hề bị kìm lại, khiến anh cảm thấy tràn ngập sự yên bình nhưng lại bất mãn với thực tại, khơi dậy cảm xúc trong lòng anh ta hay không?

Bức vẽ Bữa Tiệc Trưa Trên Thuyền – hiện đang nằm trong Bộ sưu tập Phillips đặt tại Washington, DC – đã khiến khán giả xúc động đến mức rơi nước mắt vì hạnh phúc; nó đã tác động đến tôi như vậy. Bức tranh này, với chiều dài 4 feet (~121,92 cm) và chiều rộng 7 feet (~213,36 cm), lộng lẫy vô cùng, thậm chí có sức mê hoặc. Điều đầu tiên thu hút ta chính là sự ấm áp, sự đông đúc, ánh sáng lấp lánh và vùng tối, và những tông màu tươi tắn, rực rỡ.

Bức tranh Luncheon of the Boating Party trong khuôn khổ phòng triển lãm Bộ sưu tập Philips tại Washington D.C

Ta thấy có rất nhiều người, họ đang ngồi tại bàn ăn hoặc đứng trên ban công của một nhà hàng hướng ra sông Seine. Trông bức tranh rất thân thuộc; ta có thể bắt gặp một khung cảnh y hệt như vậy ở ngoài đời. Vậy nhưng khi ta ngắm nhìn kĩ, ta sẽ nhận ra bức tranh có một cấu trúc đặc biệt, vừa cân đối lại vừa bất cân đối, khiến ta cảm thấy “tràn ngập sự yên bình nhưng lại bất mãn với thực tại”.

Giả dụ như, theo chiều dọc, bức tranh được chia thành bốn phần bằng nhau – hai phần được chia theo hai mái hiên, và một phần khác được tính từ góc tranh có hàng cây màu xanh đậm ở phía trên đến khuỷu tay của người đàn ông đang ngồi bên dưới. Đó là sự đối xứng. Hai phần ở góc trái bao gồm ba người và một chú chó. Và tất cả mọi người còn lại ngồi ở phía bên phải. Đó là sự bất cân đối. Tuy nhiên, bức tranh vẫn có sự hài hòa. Có rất nhiều ánh sáng chiếu vào góc bên phải – trên tấm khăn trải bàn, trên chiếc áo trắng, chiếu vào chiếc áo khoác dễ thương màu vàng nhạt, ánh sáng lướt qua cổ áo và tay áo, và chiếu trên bầu trời. Hơn nữa, những mảng màu tối đem đến sức nặng cho những mảng màu sáng, cũng như hướng dốc xuống của mái hiên vậy. Bức tranh hội tụ cả sự chói lóa lẫn logic, và sự hội tụ của cả hai yếu tố đó là điều khiến bức tranh này tuyệt vời như vậy.

Phân mảnh bức tranh Luncheon of the Boating Party (Le Déjeuner des canotiers)

2. Người Thứ Ba Trong Tình Yêu

Một cách mà lý trí và cảm xúc có thể cạnh tranh trong tình yêu chính là: một cặp đôi có thể hài hòa lẫn nhau dù đó không phải cảm xúc thật của họ. Hai người có thể làm thành một cặp ăn ý, ủng hộ người kia và giữ lại sự chỉ trích cho riêng mình. Vậy nhưng như ta đã nói với phái nữ trong những buổi thảo luận về Chủ Nghĩa Hiện Thực Thẩm Mỹ, không người phụ nữ nào có thể thật sự yêu một người đàn ông không chê trách cô ấy những khi cô đối xử tệ với thế giới và mọi người xung quanh. Và sẽ không có một người phụ nữ nào khi yêu lại không chê trách người đàn ông của mình và muốn anh ta đạt được hết những mong ước của bản thân cả. Chúng ta cần có cái nhìn chân thực về sự kết hợp giữa yên bình và bất mãn này, và đây cũng chính là điều mà Renoir đã làm trong bức tranh này.

(Còn tiếp)

Bài viết gốc What Can Art Teach Us About Love?
Renoir’s Luncheon of the Boating Partyarked the Impressionist Movement
Bởi Carrie Wilson, tại Aesthetic Realism
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải lại