Nhật Trần: ‘Vẽ vời & làm đồ thủ công từ chất liệu đời sống tạo cho mình nhiều trải nghiệm mới’

Những cảm hứng tưởng chừng đơn giản, nguyên bản đến từ đời sống. Nó là chất liệu chính được Nhật Trần khai thác trong những bức vẽ kỹ thuật số và sản phẩm thủ công..

Thể nghiệm từ những bức vẽ trên máy sang tự tay làm đồ thủ công có tính ứng dụng cao 

Trần Minh Nhật hay với tên gọi là Nhật Trần được biết đến qua các dự án vẽ minh họa, làm đồ thủ công lấy cảm hứng từ những chất liệu văn hóa Việt. Anh tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa trường Đại học Nguyễn Tất Thành thành phố Hồ Chí Minh. “Mình rất thích vẽ vời, từ nhỏ những sắc màu, tranh ảnh làm mình thu hút và thực sự chìm đắm vào đó. Sau này, lớn lên mình cũng tự học thêm nhiều về kỹ thuật vẽ để phong phú thêm về phong cách.” – Nhật Trần chia sẻ

Chính sự ‘quyến rũ’ từ những sản phẩm bao bì, phim ảnh và tranh ảnh đời sống hàng ngày tạo nên một niềm yêu thích trong anh. Nhật Trần hiện đang là người vẽ minh họa và người làm về thủ công tự do. Điều đặc biệt, những sản phẩm của anh vẽ ra trên giấy được anh chàng tỉ mỉ tự tay làm thủ công với tính ứng dụng cao như bưu thiếp, bộ lô tô, sticker, bao lì xì.. Khi nói về công việc này, Nhật Trần rất hào hứng: “Chính nhờ những chất liệu xung quanh mình, mình đã thật sự được truyền cảm hứng. Mình cũng thích thử nghiệm làm những sản phẩm thủ công, chuyển từ kỹ thuật số ra ngoài đời, có thể chạm và sử dụng. Điều đó thật sự tuyệt vời!”

Đi nhiều và tham gia nhiều hoạt động để lấy ý tưởng

“Mình vốn không quá gò bó trong việc thể hiện cá tính, việc thử sử dụng những hình ảnh nhờ trải nghiệm, hoạt động trong cuộc sống kèm trí tưởng tượng của mình. Các sản phẩm mình làm được đón nhận nhiều, mình cảm thấy rất vui, mỗi lần nhìn chúng mình nghĩ ngay đến những tâm tư, thời gian và công sức mình dành cho nó. Nhờ đó mà mình thật sự phát triển, tiến bộ hơn về các kỹ năng của mình trong nghề này!” – Anh bày tỏ.

Có thể nói trải nghiệm từ việc ‘đi nhiều’ cũng mang lại kha khá điều đáng học hỏi. Các triển lãm, sự kiện, địa điểm anh chọn tham gia điều mang lại cảm hứng ‘không ít thì nhiều’ trong hành trình phát triển bản thân. “Mình bị đam mê trong việc đi đây, đi đó, mỗi lần đi ra ngoài, mình thu thập rất nhiều thứ bổ ích từ những hoa văn đặc trưng tại khu vực đó đến những thứ tưởng chừng rất ‘đời sống’, đơn giản, thô sơ. Mình thu nhặt lại, tập hợp nó vào trong điện thoại, khi ý tưởng đủ chiều sâu theo góc nhìn của mình, mình sẽ bắt đầu lên kế hoạch thực hiện nó.” – Anh chia sẻ.

Các tác phẩm của Nhật Trần cũng đa dạng trong chất liệu thể hiện, có khi là vẽ vector, có khi lại là digital painting (tạm dịch: vẽ kỹ thuật số bằng phần mềm photoshop với công cụ cọ brush) hay có khi là kết hợp cả hai.. Mỗi lúc, các tác phẩm làm người thường thức càng ấn tượng và hiểu ra nhiều nét đẹp được anh đưa vào đời sống. Anh chàng cũng ‘không kém’ việc tham gia các dự án vẽ vời trong cộng đồng nghệ sĩ minh họa. Các dự án tham dự như Hù project, Nảy Mầm, Year Of.. 2019, 2020, 2022, Quả Báo.. làm cho Nhật Trần ngày càng có nhiều chất liệu tốt để ra những sản phẩm mới mang đến dấu ấn, tính thương hiệu cá nhân của anh. 

Để ý tưởng sáng tạo có ‘chiều sâu’ mình đã tham khảo nhiều nguồn và thực hành nhiều dự án..”

Quá trình thực hiện dự án, anh tập trung nghiên cứu chủ đề thật kỹ trong khoảng thời gian đầu. Sau đó, tìm hình ảnh từ các kênh quen thuộc như google, pinterest, behance để làm moodboard (tạm dịch: những hình ảnh truyền cảm hứng sáng tạo cho người thiết kế). Anh nghĩ ngay đến chất liệu sau khi những bước chuẩn bị bên trên hoàn tất kể cả là phần làm thủ công. Bắt đầu sketch (tạm dịch: thể hiện ý tưởng bằng hình vẽ) thật nhiều phiên bản khác nhau, chọn lọc cái tốt nhất, dễ phát triển và hình thành nhất. Tiếp đến là lên màu, trộn màu cho các sản phẩm minh họa và bắt đầu làm chi tiết cùng ‘thi công’ ra ngoài đời thật..

“Các sản phẩm của mình đa dạng nhờ việc suy nghĩ ra nhiều tính ứng dụng và chọn ra cái phù hợp. Như ‘Digital Painting Moth’, những chiếc hình vẽ về bướm trong dự án này mình đã ứng dụng thành các bưu thiếp, bướm được nặn trên đất sét hay những cái pin thêu hình bướm, tất cả đều được mình tự tay làm ra. Các khách hàng rất thích thú về những sản phẩm và ủng hộ mình rất nhiều.” – Nhật Trần nói thêm.

Chia sẻ về dự án kỷ niệm của anh có thể kể đến ‘Lô Tô Lô Tô’. Sự hòa quyện giữa truyền thống trong những họa tiết vốn cổ ở Huế với những ván lô tô hay được bắt gặp ở miền Tây mang lại một nét đẹp rất là khác biệt. “Thật sự dự án này cho mình nhiều cảm xúc, được sự giúp đỡ từ người anh có nhiều kinh nghiệm đã góp ý cho mình. Sản phẩm đầu tay do chính mình thiết kế trên máy và được làm thủ công. Mình đã phải thể nghiệm khá nhiều chất liệu giấy, vải làm túi cho bộ lô tô và cả phần viết chữ lên phần vải bằng màu nước, thắt nút dây đồng tiền xu với túi vải. Trước đó, mình cũng từng làm dự án cá nhân đầu tiên sau ra trường là bao lì xì có tham khảo họa tiết tranh Đông Hồ nên cũng có nhiều kinh nghiệm.” – Anh chàng kể lại.

Lưu ý: Bài viết được thực hiện vào năm 2022, chỉ đúng trong thời điểm hiện tại với trải nghiệm của người viết và chia sẻ của nhân vật. Có thể ở một thời điểm khác những trải nghiệm sẽ được thay đổi với góc nhìn mới. RGB rất vui khi được chia sẻ bài viết này đến với quý độc giả!

Độc giả có thể xem thêm các dự án của Nhật Trần tại đây!

Viết bài: Lê Quan Thuận. Hình ảnh: Nhật Trần.