Phạm Rồng: Dành cả “thanh xuân” để học tập, thích thử nghiệm vẽ đa chất liệu

Phạm Rồng là họa sĩ minh họa có bảy năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản và quảng cáo. Anh đang theo học lĩnh vực Fine Arts với chuyên ngành chính là Sơn mài – môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của Việt Nam. 

Thực hành nghệ thuật đồng thời với tư cách là một fine artist (nghệ sĩ làm về nghệ thuật / mỹ nghệ) và một họa sĩ minh họa, mình có kinh nghiệm sử dụng nhiều chất liệu từ truyền thống tới kỹ thuật số. Hiện tại mình muốn trở thành họa sĩ có khả năng kết hợp đa chất liệu, không phân biệt giữa chất liệu hội họa và các loại chất liệu khác trong đời sống,” Anh thổ lộ

Phạm Rồng & Những ngày vừa học, vừa làm nghề vẽ minh họa

Hành trình học vẽ của anh là chuỗi đan xen liên tục giữa làm và học. Anh chia sẻ bản thân từng nghỉ học Đại học Bách Khoa năm 2013, sau học kỳ I. Lúc này, anh có niềm đam mê tới lĩnh vực nghệ thuật nói chung, “nhưng mình không có mục đích rõ ràng. Mình không biết mình muốn trở thành nhà thiết kế đồ họa, thiết kế motion (chuyển động), Animator, hay họa sĩ minh họa, mình chỉ biết mình không muốn kết thúc cuộc đời với cương vị là một kỹ sư cơ khí”.  

Ngay sau đó, anh đăng ký khóa học dài hạn ở trung tâm đồ họa ADC Academy, anh dần tiếp xúc đa dạng với các khái niệm, trải nghiệm với ngành nghề liên quan khối mỹ thuật ứng dụng. Lúc này, anh chính thức quyết tâm trở thành một họa sĩ minh họa.

Năm 2015, mình cùng một số bạn bè ở ADC thành lập Vườn Illustration – một studio minh họa nhỏ, mình bắt đầu được va vấp với những công việc thực sự, được học hỏi nhiều hơn qua thực tế bằng cách làm việc và phối hợp với các bạn khác trong nhóm. Đến nay, nhóm chỉ còn hai thành viên, mình vẫn rất tin tưởng và luôn tìm kiếm lời khuyên từ người anh trong nhóm. Anh là người bạn, đồng thời cũng là người thầy tâm huyết và quan tâm nhất trong suốt hành trình học tập và làm việc của mình,

Năm 2018, anh quyết định thi vào ĐH Mỹ thuật T.P.HCM, theo học ngành Hội họa để có thể trau dồi khả năng tư duy và được tiếp xúc, kiểm soát những chất liệu mới. Theo học chuyên ngành Sơn mài, anh được làm quen với một chất liệu truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Với anh, chất liệu này khá khó kiểm soát, mỗi tác phẩm ra đời đều không thể tính toán chính xác từ trước, kết quả sau khi mài luôn đầy rủi ro, bất ngờ nhưng vẫn vô cùng thú vị. Học tập tại Đại học Mỹ thuật khiến trải nghiệm nghệ thuật của anh đa dạng hơn, góc nhìn nghệ thuật cũng thay đổi và được mở mang hơn rất nhiều

Trong quá trình học tập, mình vẫn tiếp tục làm việc với cương vị là họa sĩ minh họa để trang trải cho đời sống và học phí. Thực hành nghệ thuật với hai cương vị, nhiều lúc cũng va chạm về thời gian và quan điểm, nhưng mình đã dần quen với việc đó, và thấy hai  lĩnh vực này cũng bổ trợ cho nhau rất rất nhiều,” Phạm Rồng bộc bạch

“Một bức vẽ của mình là chuỗi phác thảo, bỏ, phác thảo, bỏ đến tô, bỏ, tô, bỏ và tô màu..”

Những dự án cá nhân, anh thường hướng tới những đề tài văn hóa, xã hội, lịch sử, con người Việt Nam trong những khoảnh khắc hết sức đời thường, đó cũng có thể là một câu chuyện hay một khoảnh khắc rung động đến với mọi người.

Anh hài hước chia sẻ, về quy trình thực hiện một tác phẩm vẽ với các bước: (1) Nhận yêu cầu từ dự án (brief). (2) Tìm hiểu (research) các tư liệu cả chữ viết và hình ảnh. (3) Bật một danh sách nhạc hay, một bộ phim hay đôi lúc là podcast, những âm thanh tự nhiên, chủ yếu là ‘có âm thanh’ khi làm việc. (4) đến (11) Phác thảo, bỏ, phác thảo, bỏ, phác thảo, bỏ, phác thảo – chốt. (12) Bắt đầu lên màu (13) đến (21) Tô, bỏ, tô, bỏ.. tô màu đến khi ưng ý.

Nếu chính xác trong quá trình vẽ thì công đoạn nào mình cũng thấy khó cả. Lắm lúc mình chỉ muốn xé toạc cái tranh, gạt hết sang một bên, đắp chăn đi ngủ cho ấm từ chân lên đầu, không có vẽ vời gì hết. Nhưng khó khăn lớn nhất của mình là việc cân bằng giữa các hoạt động khác nhau: công việc freelance (tự do), học chính quy ở trường, vẽ dự án cá nhân, học Anh văn, ngoài ra còn có sắp xếp thời gian gặp gỡ gia đình, bạn bè, và cả các sở thích cá nhân nữa.

Đối với mình, việc làm dày những trải nghiệm cá nhân là vô cùng quan trọng đối với một họa sĩ. Mình nghĩ là một người làm sáng tạo nên đa dạng quỹ thời gian của mình càng nhiều càng tốt vì việc dành thời gian hoàn toàn cho công việc có thể khiến bản thân bị stress (áp lực) và rơi vào bế tắc trong suy nghĩ,” Anh chia sẻ thêm

Dự án gần đây nhất cuốn sách Tìm mẹ dài hơn 150 trang, giai đoạn nước rút hoàn thành 50% trong tổng số trang và anh cũng phải hoàn thành 5 bức tranh Sơn mài ở trường. Diễn ra trong 3 tháng quay cuồng

Vì không còn đủ sức để làm mọi thứ cùng một lúc nên có khoảng một tháng mình gần như nghỉ học hẳn ở nhà để hoàn thành cuốn sách cùng các job freelance (công việc tự do). Mình cố gắng duy trì một tuần chạy lên trường một lần để tranh thủ toát sơn trong lúc chờ tranh sơn mài khô. 

Sau khi bàn giao các file (tệp) công việc xong, mình tức tốc chạy lên trường hoàn thiện năm bức tranh sơn mài trong cơn hoảng loạn điên rồ, vì bạn bè trong lớp đã làm gần xong hết rồi, trong khi mình mới đang ở giai đoạn đầu. Lúc đó chỉ còn đúng một tháng là chấm bài. Ngày nào mình cũng ở trường từ 8:00 AM đến 9:00 PM, sáu ngày một tuần, khi về nhà là phờ phạc hẳn và không còn sức làm gì luôn. 

Có hôm mình còn suýt bị nhốt ở trường vì về muộn quá. May mắn là vào những ngày cuối, thầy cho mình thêm năm ngày để có thể hoàn thiện bài tốt hơn. Mình đã tự hứa với lòng sẽ không lặp lại việc đó một lần nào nữa trong đời, nhưng không, bất ngờ chưa, bây giờ mình còn lụt kinh khủng hơn cả thế

Bận rộn với công việc và học tập, Rồng bày tỏ bản thân sẽ tiếp tục học hỏi và trở thành một tác giả sách tranh chuyên nghiệp, có thể tự sáng tác và kể những câu chuyện của mình bằng hình ảnh. “Bên cạnh đó, mình cũng muốn hoàn thành thật tốt việc học Đại học và có thể học tiếp lên các bậc học cao hơn. Đồng thời mình cũng muốn tiếp tục thực hành nghệ thuật với vai trò là 1 họa sĩ sơn mài nữa..

Viết bài: Lê Quan Thuận

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!