Pixar theo thông lệ, cứ trước mỗi dịp chiêu đãi khán giả bằng một bộ phim dài, họ sẽ trình chiếu một đoạn phim ngắn nhẹ nhàng, “ngon mắt”. Và bộ phim ngắn ấy, đã vinh dự nhận tượng vàng Oscar 2017, cho hạng mục “Phim ngắn xuất sắc nhất”.
“Piper trên bờ biển” là phim ngắn được chiếu trước chuyến hành trình của cô cá xanh Dory. Bộ phim như một câu chuyện ngụ ngôn về nỗi sợ, một bài học cho những bậc làm cha làm mẹ trong cách giáo dục con cái. Đồng thời thông qua bộ phim, hãng Pixar có thể tự hào “khoe” với khán giả thành tựu công nghệ, công sức làm việc và sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ nhân viên đầy tài năng của hãng.
Cảm hứng cho phim ngắn dài 6 phút bắt nguồn trong một lần tình cờ đạo diễn Allan Barillaro quan sát theo từng hành động của loài chim Choi Choi cát (Sanderling) tại vùng Emeryville, California cách Pixar Studios khoảng một dặm. Anh chia sẻ:
Nhìn cách phản ứng của các chú chim khi gặp sóng nước tôi biết rằng mình phải làm ngay một bộ phim về chúng. Con người chúng ta thường rất dễ dàng sống trong một môi trường an toàn với mình, tuy nhiên khi ở tại một nơi không còn thân thuộc nữa chúng ta rất giống những chú chim bé nhỏ trên bờ biển. Ai ai cũng đã đến bãi biển nhưng không phải ai cũng ngắm nhìn biển cả từ môt vị trí nhỏ bé nhất. Đó chính xác là góc nhìn đầy sợ hãi của những chú chim nhỏ.
Photo: Disney – Pixar
Không chỉ có những chú chim Choi Choi cát di cư đến đây, nhóm của Barillaro còn được dịp quan sát thêm các loài chim khác như chim Choắt (Western Sandpipers) cùng nhiều loài chim khác mà chúng ta được thấy trong đoạn phim ngắn. Riêng Barillaro liên tục theo dõi cho những hoạt động riêng biệt của loài Choi Choi cát.
Chúng có muôn vàn sắc thái và có những hành động vô cùng đáng yêu như “nhảy chân sáo” hay xù bộ lông của mình lên khi bị nước làm ướt vậy.
– Barillaro chia sẻ.
Nhưng làm sao để biến được những thứ xảy ra ngoài tự nhiên kia là điều quả thực không phải dễ dàng. Tất cả mọi hành động, nhân vật trong phim phải khiến khán giả tin là chúng thực sự xảy ra ngoài thế giới tự nhiên. Barillaro cũng mong muốn bộ phim sẽ không dùng thủ pháp nhân cách hóa (anthropomophic) trong diễn họa hoạt hình mà tất cả mọi chuyển động của nhân vật sẽ được mô tả một cách tự nhiên nhất.
Câu chuyện về “chuyển động” chưa dừng lại ở đó khi một bài toán khác được đặt ra: “Làm sao diễn tả lại chuyển động của mặt nước, cá và bộ lông của những chú chim ? ”
Những đề toán hóc búa làm đau đầu không chỉ riêng đạo diễn Allan Barillaro mà còn cho mọi thành viên trong nhóm của anh. Bởi nguồn tư liệu về những loài chim lớn, gia cầm sẽ dễ dàng có được hơn so với những loài chim và những sinh vật nhỏ khác.
Để giải quyết vấn đề này, đầu tiên Barillano buộc phải nghiên cứu những hình ảnh giải phẫu học của loài chim Choi Choi cát. Anh nhận thấy bộ lông của chúng gắn liền với thân mình. Nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế từng chiếc lông sẽ có những phản ứng, hình dạng khác nhau tương ứng với hành động và cách chúng tương tác với môi trường xung quanh (không khí, gió, nước, ánh sáng,…).
Trung bình một chú chim Choi Choi cát sẽ có từ 4,5 cho đến 7 triệu chiếc lông. Một bài toán nan giải và vô cùng rắc rối tiếp theo dành cho Barillaro và các cộng sự.
Khi quan sát thấy những chú chim bộc lộ cảm xúc và có những hành động khi bị đói, sợ hãi, bị ướt lạnh hay “vui mừng”,… Tôi đã nghĩ đó quả là những hình ảnh vô cùng độc đáo và tuyệt vời để có thể đưa lên màn ảnh.
Kế đến, Barillaro đã tìm đến các chuyên gia về loài chim biển tại Monterey Bay Aquarium (một bể cá lớn tọa lạc tại Monterey, California) để có thể đảm mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cơ sở thực tế có trong tự nhiên. Tại đây, anh được các nhân viên hướng dẫn tận tình. Họ giới thiệu cho anh chú chim có tên Makana, thuộc loài hải âu Laysan. Chú chim này có những đặc điểm trên bộ lông gần tương tự với những thứ anh đang muốn tìm hiểu như chuyển động của lông vũ hay sắc độ của nó khi thay đổi trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Thậm chí khi Makana rụng lông, các nhân viên còn lưu giữ lại và gửi chúng đến văn phòng của Barillaro tại Pixar.
Càng quan sát loài choi choi cát, Barillaro càng nhận thấy nhiều điểm tương đồng thú vị giữa loài chim nhỏ bé này với con người, nhất là sự vụng về, lúng túng như một đứa trẻ. Hành vi tự nhiên đã cho anh một ý tưởng nhằm gửi gắm những thông điệp về cha mẹ và con cái đến người xem:
Người mẹ (ở đây chỉ nhân vật chim choi choi cát mẹ trong phim) là một hình mẫu phụ huynh mà tất cả chúng ta hằng ao ước. Họ là những người sẵn sàng tạo điều kiện để lũ trẻ trưởng thành bằng cách để cho chúng tự đứng lên từ những vấp ngã hay hoàn toàn đứng ngoài khi chúng đối mặt với nỗi sợ.
Trong bộ phim, hầu như chúng ta chẳng thấy có “lời thoại” nào được vang lên. Chữ “lời thoại” được người viết để trong ngoặc kép là bởi ngoài âm nhạc, phần âm thanh tự nhiên như tiếng sống biển, tiếng gió,… Đặc biệt là những tiếng kêu đều khiến người xem như cảm nhận được những nhân vật trong phim như muốn nói điều gì.
Để tạo được phần âm thanh cho phim, Barillaro cùng các cộng sự đã phải mất hàng giờ để “lắng nghe” những chú chim choai choai cát “nói chuyện”. Từ những đoạn âm thanh đó, họ chọn ra những loại đặc trưng nhất để biểu đạt cho sự ấm áp, yêu thương; lo lắng, sợ hãi; nhút nhát; e dè; vui sướng, hạnh phúc…
Trên đây là Poster khổ lớn được treo trong Studio của Barillaro như một lời cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng đặc biệt đối với John James Audubon vì nguồn tài nguyên thao khảo khổng lồ và vô cùng quý giá mà ông đã để lại.
Đó quả là một công trình nghiên cứu cực kỳ đồ sộ để chúng tôi, cũng như tất cả mọi người có thể tham khảo và tìm lấy cảm hứng. Chúng lại còn rất đẹp và cô cùng chi tiết nữa !
Sau 3 năm thực hiện hiện “Piper trên bờ biển”, từ một người chẳng lấy làm hứng thú khi nghĩ đến các loài chim. Nay Barillaro đã trở nên thích thú và vô cùng thoải mái khi ngắm nhìn sinh hoạt của lũ chim bên bờ biển:
Giờ đây tôi “nghiện” việc ra ngoài và quan sát lũ chim sinh sống và nghe chúng “nói chuyện” với nhau rồi !
Photo: Deborah Coleman/Disney – Pixar
Và tượng vàng Oscar dành cho anh và các đồng sự là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực và công sức thực hiện một tác phẩm nghệ thuật.
—————-
Một số chú thích:
_ John James Audubon (26 tháng 4 năm 1785 – 27 tháng 1 năm 1851) là một nhà điểu cầm học, tự nhiên học, thợ săn và hoạ sĩ người Mỹ gốc Pháp. Ông nổi tiếng với tuyển tập các bức minh hoạ những loài chim ở Bắc Mỹ. Bạn có thể truy cập vào Website www.audubon.org/birds-of-america để thao khảo nguồn tư liệu vô cùng quý giá này.
_ Sanderling (hay Sandpiper) có tài liệu dịch là Choi Choi cát hay Dẽ cổ xám thuộc họ Calidris, một chi Họ Dẽ (Scolopacidae). Tên gọi phổ biến bằng tiếng Việt của các loài trong họ này là “dẽ” (dẽ giun, dẽ gà), “nhát” (tên gọi khác của các loài trong chi Scolopax và Numenius), “choắt” (các chi Actitis, Heteroscelus, Limosa, Numenius, Tringa và Xenus). Phần lớn các loài ăn các loại thức ăn là động vật không xương sống nhỏ mà chúng kiếm được trong bùn hay đất. Chiều dài khác nhau của mỏ cho phép các loài khác nhau có thể cùng sinh sống trong một môi trường sống, cụ thể là ven biển, mà không có sự cạnh tranh trực tiếp về thức ăn. (Theo Wikipedia)
_ Bài viết này được tham khảo từ A Behind-the-Scenes Look at Pixar’s New Short Film “Piper” của tác giả Sabrina Imbler. Đăng trên trang Audubon.org, bạn có thể xem lại toàn bộ bài viết gốc tại đây.
Để lại đánh giá