Sức ảnh hưởng của bức “Ấn tượng mặt trời mọc” của Claude Monet tới Trường phái ấn tượng

Trường phái ấn tượng được coi là một cuộc cách mạng về nghệ thuật đầu tiên và đã tạo nhiều ảnh hưởng tới Nghệ thuật trừu tượng suốt nhiều năm sau đó. Được coi là chất xúc tác của nghệ thuật Hiện đại, Trường phái ấn tượng đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, với ảnh hưởng rõ ràng trong một loạt các hoạt động nghệ thuật.

Toàn bộ Trường phái này được khởi nguyên từ duy chỉ một tác phẩm – Ấn tượng mặt trời mọc (Impression, Sunrise) của Claude Monet được vẽ vào năm 1872. Bức tranh hoạ một phong cảnh nhẹ nhàng và thoáng mát này lần đầu tiên được trưng bày tại địa điểm mà sau này được gọi là Triển lãm của những người theo trường phái ấn tượng, ở Paris vào tháng 4 năm 1874.

Bức tranh đã được trưng bày cùng với hơn hai trăm tác phẩm của ba mươi nghệ sĩ, bao gồm Edgar Degas, Camille Pissaro, Pierre-Auguste Renoir và Alfred Sisley. Tuy nhiên, trong số tất cả các tác phẩm được trưng bày ở đó, Ấn tượng mặt trời mọc trở nên nổi tiếng nhất do thu hút được nhiều lời bình phẩm nhất, và chính điều này đã tạo nên tên gọi của trường phái.

Claude Monet, Impression, Sunrise (1872)

• • •

Claude Monet, Ấn tượng mặt trời mọc

Bức tranh nổi tiếng này vẽ lại cảnh sắc vùng Le Havre ở miền Tây Bắc nước Pháp, quê hương của Claude Monet. Monet đến thăm thành phố vào năm 1872 và thực hiện một loạt tranh về cảng tàu. Sáu bức tranh sơn dầu mô tả cảng “trong bình minh, ngày rạng, chiều tà và đêm xuống từ các góc nhìn khác nhau, một số từ bờ nước và những bức khác từ phòng khách sạn trông xuống cảng.”

Tác phẩm đặc biệt này mô tả cảnh cảng Le Havre lúc mặt trời mọc, với hai chiếc thuyền chèo nhỏ trên mặt nước ở phía trước, mặt trời mọc màu đỏ làm tâm điểm và những con tàu kéo có cột buồm cao ở phía sau. Ở phía hậu cảnh,  là một lớp sương mờ như khói từ những chiếc thuyền và tàu hơi nước, cùng với hình ảnh những cột buồm và ống khói đang in bóng trên nền trời. Vì được vẽ sau thất bại của Pháp trong Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870–1871, các nhà sử học nghệ thuật cho rằng bức họa là biểu tượng cho sự tái tạo của đất nước sau chiến tranh.

Một tấm bưu thiếp của cảng Norman ở Le Havre vào khoảng năm 1900, với Khách sạn Hôtel de l’Amirauté màu trắng ở trung tâm. Bằng chứng cho thấy Monet đã vẽ bức “Impression, Sunrise” từ một trong những cửa sổ của khách sạn vào ngày 13 tháng 11 năm 1872.

Nhà sử học nghệ thuật Paul Tucker cho rằng tác phẩm này của Monet là “một bài thơ của ánh sáng và bầu không khí” và cũng là “lời ca ngợi sức mạnh và vẻ đẹp của một nước Pháp đang hồi sinh.”

Trọng tâm của bức tranh “Ấn tượng mặt trời mọc” gần như hoàn toàn tập trung ở lối chơi màu và ánh sáng, nhấn mạnh vào ánh nắng chói chang và sự phản chiếu nhấp nhô của nó trên mặt nước. Monet đã cố gắng nắm bắt nét tinh mỹ của buổi sớm mai và việc sử dụng hài hòa màu xanh lam và cam đã thành công làm nên điều ấy. Một bản phác thảo nhỏ, được hoàn thành ngay tại chỗ, chỉ trong một lần ngồi bên cửa sổ phòng khách sạn của Monet, và còn khác xa với các bức tranh phong cảnh truyền thống cùng vẻ đẹp cổ điển, lý tưởng.

Chi tiết tranh Impression, Sunrise (1872), Claude Monet

Bức họa được vẽ bằng các nét phớt cọ, hàm ý chỉ gợi ý cảnh chứ không phải để mô tả một cách ngẫu hứng. Ông đã rất hạn chế sử dụng màu sắc và tô không quá mỏng. Cùng phân lớp màu xám và các tông màu khác nhau, người nghệ sĩ đã tạo ra chiều sâu mặc dù các chi tiết trong tranh không hoàn toàn chính xác. Với việc sử dụng hình khối mạnh mẽ, rõ ràng và màu sắc mạnh mẽ, dựa trên sự đối lập của các màu bổ túc hoặc gần bổ túc – màu cam và màu xanh lam, Mặt trời trở thành trung tâm của tác phẩm. Màu sắc được đặt cạnh nhau và được phối trộn theo phương pháp quang học và dù đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Triển lãm của những người theo trường phái ấn tượng

Monet đã đặt tiêu đề cho tác phẩm này ngay trước buổi triển lãm, ám chỉ phong cách vẽ mờ ảo của nó. Triển lãm diễn ra trong studio của Nadar, một nhiếp ảnh gia người Pháp, với hơn 200 tác phẩm tới từ Société Anonyme Coopérative des Artistes Peintres, Sculpteurs, Graveurs (Cộng đồng hợp tác ẩn danh giữa các Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc và Thợ chạm). Trong khi các tác phẩm khác cũng gây tranh cãi không kém, các nhà phê bình đặc biệt ngạc nhiên trước bức tranh của Monet – nhất là vì tiêu đề của nó. Tác phẩm của Monet đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích gay gắt từ công chúng vì họ tin rằng đây là một tác phẩm chưa hoàn thiện.

Jules Castagnary, tờ Le Siècle, đã viết:

Họ là những người theo trường phái ấn tượng vì không khắc hoạ phong cảnh, mà khắc hoạ cảm giác do phong cảnh ấy mang lại.

và đề cập thêm rằng bức Ấn tượng mặt trời mọc đã thoát ly thực tại và tiến vào phạm vi của chủ nghĩa duy tâm.  Emile Cardon của tờ La Presse thì viết:

Bôi 3/4 tấm vải bằng màu đen và trắng, quẹt phần còn lại với màu vàng, chấm thêm các đốm màu đỏ và xanh một cách ngẫu nhiên, và thế là ta sẽ có ấn tượng về mùa xuân khiến các đồng tông ngất ngây.

Hình 1: Địa điểm triển lãm của Cộng đồng hợp tác ẩn danh giữa các Hoạ sĩ, Nhà điêu khắc và Thợ chạm, tại Xưởng vẽ Nadar, 35 Đại lộ Capucines (Paris)
Hình 2: Thông báo về triển lãm đầu tiên của Cộng đồng

Louis Leroy của tạp chí châm biếm Le Charivari cũng đã xuất bản một bài phê bình, lấy tiêu đề là Triển lãm của những người theo trường phái ấn tượng, nơi ông kể về một cuộc trò chuyện hư cấu giữa hai du khách:

Chủ nghĩa ấn tượng, tôi biết điều đó; vì tôi thấy ấn tượng nên đây sẽ được gọi là Trường phái ấn tượng … Thật là tự do! Một cái nghề mới dễ làm sao! Giấy dán tường còn hoàn thiện hơn bức tranh cảnh biển này!

Trong khi đa phần đều có ý chế nhạo phong trào mới nhưng chính những nhà phê bình này lại giúp thúc đẩy trường phái Ấn tượng. Sau những đánh giá của họ, Société Anonyme Coopérative des Artistes Peintres, Sculpteurs, Graveurs đã đổi tên thành Những người theo trường phái ấn tượng. Bất chấp sự nghi ngờ của người đương thời, bức tranh đã được bán ngay lập tức và sau đó được tặng cho Bảo tàng Marmottan ở Paris.

Di sản

Trong suốt nhiều năm, Ấn tượng mặt trời mọc của Claude Monet đã được tôn vinh như một biểu tượng tinh túy của Trường phái ấn tượng. Trường phái đã ngày càng trở nên phổ biến và trong đó, đi đầu là Monet. Monet tiếp tục phát triển phong cách trường phái ấn tượng của mình hơn nữa, ghi lại những “ấn tượng” về môi trường xung quanh trong suốt phần còn lại của sự nghiệp. Trong vài năm sau đó, ông đã áp dụng phong cách này cho các tác phẩm nổi tiếng trong loạt tranh Haystacks và Nhà thờ Rouen. Monet cũng tiếp tục sở thích vẽ và trưng bày một loạt các bức tranh có chung chủ đề và phối cảnh, đáng chú ý nhất là loạt tranh Hoa Súng (Water Lillies) bao gồm 250 bức tranh khổ lớn được ông vẽ trong suốt 30 năm.

Claude Monet, Water Lilies (1917-1919)

Tuy nhiên, bức Ấn tượng mặt trời mọc luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim danh họa. Ông từng hồi tưởng: Phong cảnh chỉ là một cảm nhận, một cảm thức tức thời. Tôi đã gửi cho họ bức tranh mà mình đã thực hiện từ cửa sổ phòng tôi ở Le Havre, cảnh Mặt Trời trong sương mù và ở tiền cảnh, một vài cột buồm đang chĩa lên trời. Người ta hỏi tôi về tiêu đề của bức tranh, cái tên ‘Một góc nhìn ở Le Havre’ đã không được chấp thuận, tôi liền trả lời: ‘Hãy để là Ấn tượng đi’. Rồi họ gọi đó là trường phái Ấn tượng và thế là những lời đùa cợt ngày càng nhiều lên…”

Ngày nay, bức Ấn tượng mặt trời mọc vẫn là một phần của bộ sưu tập vĩnh viễn tại Bảo tàng Marmottan Monet, tiếp tục thu hút khách tham quan bằng bảng màu rạng rỡ và nét vẽ biểu cảm.

• • •

Biên tập viên khuyên đọc: 

“Ấn tượng mặt trời mọc” của Monet: Tiểu sử của một bức tranh

undefined
Monet’s Impression Sunrise: The Biography of a Painting, tác giả Anne-Marie Bergeret-Gourbin và Claude Monet

Cuốn sách tuyệt đẹp này cùng một cuộc triển lãm lớn được tổ chức nhằm kỷ niệm 140 năm Triển lãm Trường phái Ấn tượng ra đời. Cuốn sách cung cấp một tiểu sử đầy màu sắc về Ấn tượng mặt trời mọc của Monet, từ những ảnh hưởng dẫn đến việc sự hình thành của bức họa vào năm 1872, quá trình tác phẩm được trưng bày hai năm sau đó và đến cuối cùng được mua lại bởi Bảo tàng Marmottan Monet vào giữa thế kỷ 20. Nghiên cứu về bức tranh nổi tiếng thế giới này cũng khơi lại dòng thảo luận, phân tích sự tái khám phá lịch sử – nghệ thuật của tác phẩm trong những thập kỷ gần đây và việc lưu giữ nó như một bức tranh đã tạo nên nền tảng của lịch sử nghệ thuật hiện đại.

Bài viết gốc How This One Painting Sparked the Impressionist Movement
Bởi Elena Martinique, tại Wide Wall, 26.05.2022
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải lại

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!