Sức mạnh của trí tưởng tượng cùng Lady of Shalott của danh hoạ John William Waterhouse

Đôi khi, tôi là nạn nhân của trí tưởng tượng của chính mình. Tôi để tâm trí bay xa với những khát vọng ở tương lai tương lai và những điều mình muốn thay đổi về quá khứ. Và đôi khi, trí tưởng tượng đó lại bổ sung yếu tố sáng tạo mà tôi cần để hoàn thành một dự án phức tạp hay thêm điều dí dỏm vào một cuộc trò chuyện nhạt phèo.

Tôi đang xem qua các bức tranh của John William Waterhouse và trong đó có bức Nàng tiên xứ Shalott (The Lady of Shalott – 1888), dựa trên bài thơ cùng tên của Alfred Tennyson. Và tôi bắt đầu suy nghĩ về những điều mà bài thơ và bức tranh này nói về trí tưởng tượng để rồi bị dẫn vào một con đường đầy rẫy những giả thuyết “nếu vậy thì sao?”

• • •

Nàng tiên xứ Shalott

Tennyson là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh. Bài thơ “Nàng tiên xứ Shalott” được viết vào năm 1832, ngay sau cái chết của người cha bạo hành của ông, sau đó được sửa thêm lần nữa vào năm 1842, sau 10 năm bị tác giả quên lãng.

Hình minh họa cho bài thơ Nàng tiên xứ Shalott của Alfred Tennyson, bởi William Edward Frank Britten, 1901

Bài thơ kể về câu chuyện của một người phụ nữ sống trên một hòn đảo mang tên Shalott. Nàng sống trong một tòa tháp biệt lập được bao quanh bởi những cánh đồng, hoa cỏ và một con sông chảy xuống từ lâu đài của Vua Arthur ở Camelot. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu người đi ngang qua tòa tháp đi chăng nữa, thì cũng không ai nhìn thấy nàng ấy. Nàng phải ở ẩn bởi nàng sẽ bị nguyền rủa nếu nhìn ra cửa sổ hoặc rời khỏi tòa tháp của mình. Nhưng một tấm gương được treo trước mặt nàng có thể phản chiếu thế giới bên ngoài, và nàng dành cả ngày để thêu lại những hình ảnh mình nhìn thấy từ gương.

Khi nàng đã cảm thấy nhàm chán với những hình ảnh ấy, Lancelot đã đến và xuất hiện trong tấm gương của nàng. Lancelot, với vẻ ngoài cao lớn, điển trai đến nao lòng, đến nỗi khiến nàng phải bỏ ngỏ công việc dệt vải để nhìn ra ngoài cửa sổ. Và ngay giây phút ấy, chiếc gương nứt vỡ và nàng hiểu rằng: “Lời nguyền đã giáng xuống thân tôi.”

Nàng rời lâu đài và nhanh chóng lên một con thuyền mà trên đó nàng có đề “Nàng tiên xứ Shalott” và trôi theo dòng sông, nhưng không lâu sau, lời nguyền đã cướp đi mạng sống của nàng. Con thuyền chở thi thể vô hồn của nàng cứ mãi xuôi dòng cho đến khi tự cập bờ. Một nhóm hiệp sĩ đến gần và nhìn thấy một mảnh giấy trên ngực nàng với nội dung rằng:

“Tấm vải dệt như bị yểm phép lạ,
Lời nguyền ấy nay đã hóa vào hư vô.
Hãy lại gần, chớ đừng sợ hãi
Là ta đây, Nàng tiên xứ Shalott.”

Khoảnh khắc không thể quay đầu

Waterhouse chịu ảnh hưởng rất lớn từ Tennyson. Theo trang web của phòng trưng bày Tate, Waterhouse “sở hữu một bản sao các tác phẩm của Tennyson và ông vẽ các bản phác thảo bằng bút chì tại các trang trống của cuốn sách”. Trong bức tranh này, Waterhouse quyết định mô tả lại cảnh từ khổ thơ  sau:

With a steady stony glance—
Like some bold seer in a trance,
Beholding all his own mischance,
Mute, with a glassy countenance—
She look’d down to Camelot.
It was the closing of the day:
She loos’d the chain, and down she lay;
The broad stream bore her far away,
The Lady of Shalott.
Tác phẩm Nàng tiên xứ Shalott bởi John William Water, 1888
Với ánh mắt kiên định tựa đá chông–
Như nhà tiên tri cuồng ngông trong phút xuất thần
Trông hết thảy thế thái nhân tình
Tĩnh lặng, trong suốt tựa thủy tinh – 
Nàng trông về Camelot.
Đã tắt rồi những ánh sáng của hôm nay:
Tháo xích neo, nằm xuống thuyền say;
Dòng nước lạnh đưa nàng khỏi chốn này,
Ôi nàng tiên xứ Shalott.
(Tham khảo bản dịch của Câu lạc bộ sách Dostoevsky)

Waterhouse tả lại khoảnh khắc khi Nàng tiên xứ Shalott tháo sợi xích neo của con thuyền. Nàng không hề nhìn vào xích neo mà nhìn chằm chằm vào khoảng không như thể đang trong một “trong phút xuất thần… trong suốt tựa thủy tinh.” Nàng vận đồ màu trắng, biểu tượng của sự tinh khiết và được bao bọc bởi những mảng tối của cảnh quan xung quanh. Nàng đang ngồi trên một tấm chăn có thêu những cảnh tai ương trong câu chuyện của chính mình, như thể nàng chính là “nhà tiên tri cuồng ngông”.

Câu hỏi không xác định

Phòng trưng bày Tate giải thích như sau: “Trong xã hội Victoria, phụ nữ thường bị bó buộc với việc chỉ ở trong nhà và lo cho cuộc sống gia đình, còn đàn ông được ra ngoài làm việc. Bài thơ có thể được coi như một lời cảnh báo cho những người phụ nữ không chịu tuân theo điều này”. Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể thu thập được nhiều tầng ý nghĩa tiềm tàng trong bài thơ và bức tranh đây hơn là chỉ tập trung vào những vấn đề mà chúng ta cho là quan trọng ngày nay.

Tác phẩm Sự ngọt ngào khi Chẳng phải làm gì (Sweet Doing Nothing), Auguste Toulmouche, 1877. Lột tả cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội thời kỳ Victoria, chỉ ở trong nhà với những bộ đầm lộng lãy mà không phải động tay động chân mà bất cứ việc gì, và cũng không được ra ngoài.

Tôi tưởng tượng rằng Nàng tiên xứ Shalott bị cản trở bởi quyền năng của lời nguyền độc đoán. Lời nguyền đã ngăn nàng rời khỏi tòa tháp và khám phá thế giới. Có thể chăng ngọn tháp là biểu tượng cho trí tưởng tượng của chúng ta? Không phải là nàng không được trải nghiệm thanh âm và cảnh quan của thế giới. Nàng vẫn cảm nhận được mọi thứ, nhưng không trực tiếp. Nàng có thể nghe thấy âm thanh từ bên ngoài và nhìn thấy quang cảnh bên ngoài qua gương.

Có phải trí tưởng tượng của chúng ta chỉ là một hình ảnh phản ánh thế giới “thực” và liệu có phải chúng ta có chỉ đang ngồi đây với cây kim và sợi chi, để thêu dệt nên những hình ảnh lấy cảm hứng từ thế giới “thực” bằng tâm trí của chính mình? Nếu vậy, mối nguy hiểm khi bỏ lại trí tưởng tượng để quay về thế giới “thực” sẽ là gì? Chiếc gương – chính là thứ truyền cảm hứng cho những hình ảnh mà Nàng tiên xứ Shalott dệt nên – bị vỡ nứt khi nàng nhìn vào thế giới “thực”.

Có phải Tennyson đang nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của trí tưởng tượng, thứ khiến cuộc sống của ta trở nên ý nghĩa hơn. Rằng nếu không có trí tưởng tượng – con mắt của trí óc, chúng ta sẽ chỉ là một thân xác vô hồn bị dòng chảy đẩy đưa vào một hành trình không thể kiểm soát?

• • •

Có vẻ như bức tranh của Waterhouse cũng cho thấy tầm quan trọng của trí tưởng tượng. Nàng tiên xứ Shalott đã không chú ý vào những việc đang làm mà chỉ nhìn chằm chằm vào khoảng không như thể bị quyến rũ bởi trí tưởng tượng của chính mình. 

Cận cảnh tấm chăn trong tác phẩm Nàng tiên xứ Shalott

Waterhouse mô tả nàng ấy là “nhà tiên tri cuồng ngông” – như thể nàng có thể nhìn trước được tương lai – dệt lên chăn hình ảnh về số phận của chính mình. Chiếc chăn nàng đắp khắc họa hình ảnh một người phụ nữ mặc đồ trắng đứng trước lâu đài, bên cạnh là cảnh một đám rước của các hiệp sĩ. Những hiệp sĩ này là những người đi cùng với Ngài Lancelot khi ấy, hay họ là những người sẽ tìm thấy thi xác vô hồn của nàng sau này? Nếu nàng là người tiên kiến, thì hẳn đó là vế thứ hai. Vậy làm thế nào, nếu không nhờ vào trí tưởng tượng, mà nàng ấy có thể dệt nên những phần của câu chuyện đời mình trước cả khi chúng xảy ra?

Nhưng rồi tôi đọc được bức thư được tìm thấy trên người Nàng tiên xứ Shalott, rằng:

“Tấm vải dệt như bị yểm phép lạ,
Lời nguyền ấy nay đã hóa vào hư vô.
Hãy lại gần, chớ đừng sợ hãi
Là ta đây, Nàng tiên xứ Shalott.”

Và tôi tự hỏi: Có phải Waterhouse và Tennyson cũng đang cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm tiềm tàng của trí tưởng tượng hay không?

Nàng ấy đã dệt nên những hình ảnh lấy cảm hứng từ thế giới “thực” với sự tò mò muốn trải nghiệm thế giới “thực” ấy. Lời nguyền khiến nàng bị giới hạn bởi hình ảnh phản chiếu trong gương đã hoàn toàn bị phá vỡ khi khát vọng của nàng chuyển hướng từ những hình ảnh trong gương sang thế giới thực. Trí tưởng tượng của chúng ta đôi khi có thể kích thích những ham muốn không lành mạnh, có khả năng tổn thương ta khi ta thực sự theo đuổi chúng. Ngay cả khi chúng ta biết những ham muốn ấy sẽ gây hại cho mình – giống như việc Nàng tiên xứ Shalott dệt nên những tai ương của nàng trong bức tranh của Waterhouse – thì đôi khi chúng ta vẫn thấy mình bị dục vọng kéo xuống con đường mà ta vốn có thể tránh được.

Tác phẩm Nàng tiên xứ Shalott của William Holman Hunt, 1850. Mô tả cảnh nàng đang dệt lại những hình ảnh thấy được từ thế giới ‘thực’

Hoặc có lẽ Waterhouse và Tennyson đang hàm ý rằng trí tưởng tượng và những ham muốnđược kích thích bởi trí tượng tượng sẽ mang tới cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình. Trí tưởng tượng của ta cho ta sức mạnh để đối mặt với cái chết, và như vậy, ta có thể hiểu hơn rằngsự chân thực đối với chính bản thân mình có ý nghĩa như thế nào. Đây có phải là lý do Nàng tiên xứ Shalott viết: “Hãy lại gần, chớ đừng sợ hãi, – Là ta đây, Nàng tiên xứ Shalott.”?

Nàng khuyên nhủ bất cứ ai tìm thấy thi thể của mình rằng hãy đến gần bên và đừng sợ hãi. Đối với tôi, dường như nàng ấy đang nói rằng: không có lý do gì để sợ hãi cái chết. Người tìm thấy nên đến gần để nhìn thấy thân xác vô hồn của nàng và chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết của chính họ. Bản thân nàng đã tìm thấy sự chân thực trong việc chiến thắng nỗi sợ hãi về cái chết.

Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời luôn kích thích ra nhiều câu hỏi.

• • •

Tennyson và Waterhouse đã nhắc nhở tôi về sức mạnh của trí tưởng tượng, đặc biệt là khi nó được kích thích bởi một câu hỏi rồi lại sinh ra những câu hỏi khác. Qua những câu hỏi được kích thích bởi các tác phẩm nghệ thuật này, tôi đã được dẫn dắt để thêu dệt nên những hình ảnh mà mình thường không bao giờ nghĩ tới.  Cũng trong quá trình ấy, tôi được nhắc nhở rằng trí tưởng tượng là một thứ mạnh mẽ, có thể tạo ra những hậu quả tích cực hoặc tiêu cực dựa trên cách ta sử dụng chúng.

Và còn điều gì khác có khả năng chỉ đạo sức mạnh của trí tưởng tượng ngoài trí tuệ? Có thể tóm tắt thông điệp của Tennyson và Waterhouse như sau: Trí tưởng tượng sẽ trở nên nguy hiểm nếu không có trí tuệ và trí tuệ sẽ vô hồn nếu không có trí tưởng tượng.

Bài viết gốc “The Power Of The Imagination. Reaching Within: What Traditional Art Offers The Heart”
Bởi Eric Bess
Lược dịch bởi Artplas