Thương vụ 44 tỷ đô giữa Elon Musk và Twitter vừa qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: tại sao Elon lại mua Twitter và tương lai gì đang đợi chờ nền tảng này?
Tại sao Elon Musk mua lại Twitter?
Elon Musk là một người dùng Twitter nổi tiếng vì khá gây tranh cãi. Với hơn 83 triệu người theo dõi, ông chủ Tesla dùng Twitter để chia sẻ cho mọi thứ từ các meme vô thưởng vô phạt tới những thảo luận về công ty của mình, thậm chí xúc phạm các chính trị gia, lan truyền những tuyên bố sai lệch về Covid-19 và còn đưa ra những nhận xét mang tính xúc phạm về cộng đồng người chuyển giới.
Gần đây, Elon đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là thúc đẩy tự do ngôn luận trên nền tảng này và làm việc để “mở khóa” “tiềm năng phi thường” của Twitter.
Trong tuyên bố vào hôm thứ Hai vừa qua, Elon cho biết ông muốn “làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, tiêu diệt nạn spam và xác thực tất cả con người.” Elon hy vọng “ngay cả những người chỉ trích tôi tồi tệ nhất vẫn hiện diện trên Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận.”
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành bày tỏ lo lắng rằng mong muốn “thả rông” tự do ngôn luận của Elon trên Twitter có thể đồng thời cản trở việc hạn chế các phát ngôn mang tính thù hận, thông tin sai lệch, quấy rối và các nội dung có hại khác.
Những người khác đặt câu hỏi liệu ông chủ Tesla có thể khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump, vốn bị xóa vào đầu năm ngoái vì vi phạm chính sách của Twitter về việc kích động bạo lực sau Cuộc bạo động ở Điện Capitol hay không. Nếu điều này xảy ra thì nó có thể gây chia rẽ đáng kể cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sắp tới.
Mặc dù Twitter nhỏ hơn một số đối thủ mạng truyền thông xã hội khác, tuy nhiên nó có ảnh hưởng vượt trội vì nó được nhiều chính trị gia, nhân vật công chúng và nhà báo sử dụng và đôi khi đóng vai trò là mô hình cho các nền tảng khác noi theo về cách xử lý nội dung có hại.
Derrick Johnson, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP), cho biết trong một tuyên bố nhắm vào Elon: “Đừng để Twitter trở thành chiếc đĩa thí nghiệm cho các phát ngôn thù hận hay những lời nói dối trá phá hoại nền dân chủ của chúng ta”.
Một kỷ nguyên mới và không chắc chắn cho Twitter
Trong những ngày đầu kể từ khi Musk chào mua Twitter, nhiều người theo dõi đã tự hỏi liệu Twitter có cố gắng tìm một người mua khác hay không, đặc biệt là sau khi công ty này đã cố tình đưa ra những điều khoản để khiến việc mua lại của gặp khó khăn hơn và phải thông qua sự chấp thuận của họ.
Nhưng nhà phân tích cổ phiếu cấp cao của CFRA, Angelo Zino cho biết hôm thứ Hai rằng việc hội đồng quản trị của Twitter đã xem xét nghiêm túc hơn đề nghị của Musk là do họ nhận ra rằng “khó có thể có người nào khác đưa ra được mức thầu như vậy, đặc biệt là sau sự sụt giảm giá tài sản từ các công ty truyền thông xã hội trong thời gian gần đây.”
Không rõ liệu Agrawal – người đã tiếp quản vai trò CEO từ người sáng lập Twitter Jack Dorsey vào tháng 11 – có tiếp tục giữ vị trí cao nhất sau thương vụ này hay không. Trước đó, Musk đã tweet một meme so sánh Agrawal với cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Trong thư mời mua lại Twitter, Musk cũng nói rằng ông không “tin tưởng vào ban lãnh đạo”.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể chấm dứt gần một thập kỷ hỗn loạn tại Twitter với tư cách là một công ty đại chúng, vốn đang xoay vòng qua các đời CEO và vật lộn để thúc đẩy tăng trưởng cũng như kiếm tiền từ cơ sở người dùng có ảnh hưởng của mình.
Theo: CNN
Để lại đánh giá