Thư Cao: “Mình có thể đặt một điều bất thường vào khung cảnh quen thuộc hằng ngày”

Rẽ hướng sang chuyên ngành minh họa, theo đuổi nó một cách nghiêm túc. Cô tìm thấy niềm vui và vẻ đẹp trong việc kết nối giữa vẽ minh họa và bản thân.

Thư Cao tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học Kiến Trúc TPHCM. Cô nhận ra bản thân thích minh họa kể từ đồ án năm 03 Đại học – nơi mà cô có thể thỏa sức chơi đùa giữa những câu chuyện và hình ảnh. Cô kể, câu chuyện thần thoại, cổ tích hay phép thuật là yếu tố cảm hứng với cô. Chúng dẫn dắt cô với những trải nghiệm thú vị, nó thật bất ngờ từ tình tiết này đến tình tiết khác, như thể được phiêu lưu ngay chính trong câu chuyện. Thư chia sẻ thêm, cô thích thú với những điều như thế, vậy nên, công việc vẽ minh họa kể chuyện và thiết kế nhân vật, là điều mà Thư quyết định lựa chọn sau khi ra trường.

Thư tập trung mô tả hình ảnh nhân vật, cách cô mô tả bằng hình dáng và những phụ kiện (chi tiết) xung quanh nhân vật, như thể muốn thổ lộ với người xem: “Hãy tìm hiểu thêm về tôi đi”. Một số tác phẩm với màu sắc vintage, trầm tĩnh, đôi lúc có sắc độ tương phản cao hoặc ánh sáng trong suốt. Đây là nét đặc trưng phát ra từ tranh của cô. Điều gì đó cổ điển, gần gũi với cuộc sống.

Bạn có thể kể với chúng tôi về những trải nghiệm của bạn về công việc vẽ minh họa?

Có lần mình nhận vẽ minh họa cho một câu chuyện thiếu nhi ngắn về cuộc phiêu lưu của cánh diều. Cánh diều bị mắc lên dây điện, bị gió cuốn ra biển, quấn vào một chú cá heo, cả hai vùng vẫy và cùng trôi dạt vào bờ biển đầy rác. May thay, một cậu bé nhìn thấy và giúp gỡ dây diều rối. Chú cá heo được quay về biển cả và cánh diều kết thúc hành trình tại khu vực rác tái chế. 

Thoạt đọc qua, mình thấy quá nhiều điều tiêu cực trong câu chuyện này, nào là bờ biển đầy rác thải nhựa, những túi nilon và nắp chai trôi dạt, những xác chim trên bờ cát, cảm giác đau đớn của cá heo khi vướng vào dây diều, cảm xúc hoảng sợ của cánh diều. Nhưng mình cố gắng chọn lọc và thể hiện ra những chi tiết dễ thương và tích cực để vẽ nên câu chuyện cho các bạn nhỏ. Mình vẽ bạn chai và bạn túi to mắt ngơ ngác vì bị trôi dạt, mình vẽ bạn cá và cánh diều tròn mắt bối rối vì vướng phải nhau, mình vẽ những màu sắc tươi sáng cho câu chuyện, và cuối cùng, tất cả đều vui vẻ gặp nhau ở khu rác tái chế, vì sắp trở thành một hình dạng mới và cùng nhau bảo vệ môi trường này. Trải nghiệm chung của mình sau mỗi lần vẽ minh họa cho một tác phẩm, là được biết thêm nhiều kiến thức mới, hiểu thêm về những góc nhìn khác nhau của con người. Đặc biệt là được từng chút một vẽ nên những câu từ thành bức tranh sống động trên trang giấy.

Cảm hứng mà bạn cho là “thói quen/nghi thức” mỗi khi bắt đầu thực hành vẽ là gì?

Mình thường nghe nhạc mỗi lần vẽ, và nhìn ngắm những bức tranh mình đã vẽ. Mình vẫn đang trong quá trình học hỏi, tìm tòi và muốn thử những chất liệu mới nên đôi khi mình bị trôi theo những bức tranh đẹp của người khác nhưng phong cách đó lại không hợp với bản thân và lạc lối, rơi vào áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Vậy nên nhìn ngắm lại tranh đã vẽ là một cách để mình dần hiểu về chính bản thân hơn, tìm ra mình thật sự muốn điều gì, giữ cho tâm trạng thoải mái, và bắt đầu vẽ. 

Tranh của bạn được mô tả nhiều về nhân vật, câu chuyện nhân vật, cụ thể bạn có thể kể câu chuyện liên quan đó không?

Nhân vật chính là cô bé Thumbelina, đang hát một bài ca cho Chuột Chũi thưởng thức. Họ đang đứng trong ngôi nhà nhỏ của Chuột Đồng, với chiếc giường được đan bằng các cành cây và những tấm vải vụn đủ màu, Ngôi nhà được xây từ cây, đá, và các vật dụng mà con người đã vứt đi. Các hạt ngô được trữ trong góc phòng, và trong chiếc ấm trà đã vỡ một mảnh, với hi vọng Chuột Đồng sẽ đủ lương thực qua mùa đông. Tuyết rơi trên bệ cửa, trắng xóa. Ánh sáng mùa đông trong veo, lạnh lẽo chiếu vào khung cửa sổ. Chuột Chũi say mê giọng hát của Thumbelina, và ngỏ ý muốn cưới cô về làm vợ. Trang phục trong bức tranh được mình lấy cảm hứng từ trang phục Châu Âu những năm 1940 và phong cách Steampunk.

Cách bạn kết nối những chất liệu cuộc sống xung quanh vào hình họa là gì?

Mình quan sát xung quanh, chọn một đồ vật/bối cảnh, và dần dần quan sát kỹ hơn về nó. Ví dụ khi nhìn vào một chậu cây, mình nghĩ về hình thức của nó trước như lá cây xanh mướt, thân cây vươn dài, đất trồng tơi xốp, chậu sứ hiện đại. Sau đó mình tự hỏi chậu cây này đang nghĩ gì? Tán lá xanh mướt có được do hằng ngày đón nắng, những chiếc lá già đã sà xuống gần gốc cây thì bạc màu do phải nhường ánh sáng cho những chiếc lá trẻ hơn, thân cây chắc khỏe vì được uống nước mỗi ngày, chậu sứ thanh lịch hợp với nhiệm vụ làm đẹp cho quán cà phê mà chậu cây đang sống. 

Hằng ngày, chậu cây chứng kiến những câu chuyện khác nhau của những vị khách tới quán. Có vị khách khen chậu cây rất đẹp, có đứa trẻ thử chạm vào xem liệu lá cây có làm bằng nhựa không? Chậu cây có khi nào khó chịu vì bài hát đang phát không hợp gu? Hay rùng mình lạnh lẽo vì nhiệt độ điều hòa quá lạnh? Cảm nghĩ của mình có khi nào cũng là cảm giác của cây?

Thêm vào đó, mình có thể đặt một điều bất thường vào khung cảnh quen thuộc hằng ngày. Ví dụ, biết đâu trong chậu cây đó, có một nàng tiên nhỏ bé đang sinh sống? Biết đâu nàng đang viết nên một tác phẩm về những vị khách ghé vào quán cà phê nhỏ đó? Mình cứ nghĩ mãi nghĩ mãi như vậy, cuối cùng có một câu chuyện để vẽ rồi.

Trong giai đoạn trước khi thực hành vẽ, bạn đã phải chuẩn bị những tài liệu gì?

Trước khi vẽ, mình cần tìm hiểu thông tin và ảnh tư liệu. Ví dụ khi vẽ tranh về lồng đèn Trung Thu, mình tìm những hình ảnh thực tế về lồng đèn giấy, thông tin về cách làm lồng đèn, hình ảnh ngọn nến cháy trong bóng tối, hình ảnh rước đèn trung thu, hình ảnh trang phục nhân vật mà mình muốn vẽ. Tính cách nhân vật ra sao? Tương tác nhân vật và đồ vật trong tranh như thế nào? Câu chuyện mà mình muốn truyền tải là gì? Sau đó mình phác thảo nhiều bố cục nhỏ và chọn ra bố cục ưng ý nhất và bắt đầu vẽ. Giai đoạn vẽ chi tiết mình sẽ tham khảo thêm tranh vẽ về Trung Thu để lấy cảm hứng. Mình nghĩ quan trọng là tìm hiểu tài liệu thực tế trước khi vẽ, chứ không phải tài liệu hình vẽ. Nếu nhìn hình vẽ của người khác trước khi bắt đầu vẽ, mình sẽ vô hình trung bị ám thị về hình vẽ đó trong đầu và khó sáng tác ra hình vẽ mới mẻ.

Bạn có thể mô tả về cách bạn đi màu hay đi nét không? Nếu có một tên gọi, bạn sẽ gọi nó là gì và tại sao?

Mình đi nét bằng brush (cọ) bút chì (peppermint pencil trong procreate). Mình tô màu base (tạm dịch: màu lót), rồi đến shadow (đổ bóng) và ánh sáng. Sau đó mình trau chuốt lại tranh bằng brush sơn dầu, chú ý cách những màu sắc gần nhau ảnh hưởng lên nhau. Liên tục chuyển tranh về đen trắng để kiểm tra sắc độ và chỉnh sửa. Cuối cùng là đắp texture (chất liệu) giấy dó/giấy thủ công cho toàn bộ tranh. Mình không biết nên gọi nó là gì, mình muốn thử nghiệm phong cách sơn dầu phương Tây kết hợp với texture của Việt Nam, và mình sẽ còn thử nghiệm nhiều. 

Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!