Theo các ghi chép lịch sử, Vermeer chưa từng rời Delft quá lâu. Liệu cô gái với bông tai ngọc trai và ánh nhìn xa xăm này là đại diện cho chính Vermeer, bị giới hạn bởi khung tranh và bởi chính nghệ thuật, nhưng lại chan chứa mơ ước về những vùng đất xa xôi và những khao khát phiêu lưu?
• • •
Johannes Vermeer (1632 – 1675) mất trong cảnh nghèo khó và các tác phẩm của ông tương đối ít được biết đến bên ngoài quê hương ông, Delft. Điều này diễn ra mãi cho đến khi những nhà tiên phong người Pháp quan tâm tới vị họa sĩ ẩn dật hoạt động vào thế kỷ 17 này, đưa ông ra trước ánh đèn danh vọng và biến các tác phẩm của ông trở thành một trong những hình ảnh nổi bật nhất trong thế giới nghệ thuật ngày nay.
Vermeer sinh ra ở Delft, Hà Lan. Gia đình của ông là những người theo Kháng Cách, mặc dù sau đó ông đã cải đạo sang Công Giáo La Mã, có lẽ là do sự khăng khăng của mẹ vợ. Cha của Vermeer, Reynier, đã đăng ký làm một đại lý buôn bán các tác phẩm nghệ thuật trong thành phố – một nghề nghiệp có thể đã ảnh hưởng đến cậu con trai nhỏ của ông.
Vào thời điểm đó, các họa sĩ Hà Lan được yêu cầu phải trải qua một thời gian đào tạo cố định với một họa sĩ bậc thầy từ Hội Thánh Luke, nhưng không ai biết thầy của Vermeer là ai. Một số người suy đoán rằng đó có thể là Carel Fabritius. Cũng có ghi chép về việc Vermeer gia nhập Hội thánh vào năm 1653, cùng năm ông kết hôn với Catherina Bolnes.
Có tương đối ít thông tin về cuộc đời của Vermeer. Có vẻ như ông chủ yếu dành cuộc đời mình cho việc nghiên cứu nghệ thuật, mặc dù người ta cho rằng vợ ông đã sinh được mười bốn người con, bốn trong số đó đã chết khi còn nhỏ.
Các tác phẩm ban đầu của ông dường như bị ảnh hưởng bởi phong cách của danh họa Caravaggio và những người hưởng ứng. Vermeer cũng được cho là đã chịu ảnh hưởng bởi phát minh “phòng chụp tối” Camera Obscura của Carel Fabritius, người được biết là đã ở Delft từ năm 1650 đến năm 1654 và có ảnh hưởng đáng kể đến Vermeer, cho dù ông có chính thức dạy bảo Vermeer hay không. Ba bức tranh của Fabritius đã được tìm thấy trong nhà của Vermeer sau khi ông qua đời.
Ngày nay, chỉ có khoảng 35 bức tranh được biết đến là của Vermeer. Người ta cho rằng ông đã mất nhiều thời gian để hoàn thành từng tác phẩm một, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Ông được cho là chỉ vẽ khoảng 3 bức tranh mỗi năm, hầu hết là theo đơn đặt hàng. Người ta cũng cho rằng ông đã dành phần lớn cuộc đời của mình để sống và làm việc tại Delft, điều này đã hạn chế danh tiếng và các tác phẩm của ông trong thế giới nghệ thuật quá đỗi rộng lớn thời bấy giờ.
Mặc dù các tác phẩm của Vermeer đã thu hút được ít nhiều sự chú ý, nhưng ông không bao giờ bán đủ tranh để có được thu nhập ổn định. Thời kỳ mà ông sống là khi nghệ thuật Baroque đang đạt đến đỉnh cao, nên cách tiếp cận tinh tế và nỗi đau khắc khoải của ông không được công chúng ưa chuộng nhiều. Đến năm 1672, khi nền kinh tế suy thoái đến với Cộng hòa Hà Lan, ông đã gặp khó khăn về tài chính. Năm 1675, ông đột ngột qua đời, để lại vợ con sống trong cảnh cơ cực. Trong một tài liệu, vợ ông nói rằng nguyên nhân cái chết của Vermeer là do căng thẳng tài chính. Vợ ông đã bán một số bức tranh và tài sản của ông để trả nợ cho gia đình.
Tác phẩm của Vermeer hầu như không được biết đến trong gần hai thế kỷ, mãi cho đến thế kỷ 19, khi những người Paris phóng túng bắt đầu chú ý các tác phẩm của ông. Họ đã trân trọng nguồn ánh sáng mà ông chiếu vào cuộc sống bình thường, giản dị và những khoảnh khắc trôi qua. Đặc biệt, nhà phê bình Thoré-Bürger đã rất ngưỡng mộ Vermeer và đã đưa tác phẩm của ông trở thành tâm điểm chú ý của công chúng.
Các bức tranh của Vermeer tập trung vào nội thất trong nhà. Ông vẽ về những người giàu có, về tầng lớp lao động, về mọi ngóc ngách trong xã hội và ghi lại những khoảnh khắc cô đọng ấy bằng phong cách chính xác, chỉn chủ của mình.
Vào những năm 1930, Vermeer vô tình trở thành nạn nhân của một vụ bê bối lớn, khi Hans van Meegeren đã nhái các tác phẩm của ông và đây là một trong những vụ đạo tranh lớn nhất lịch sử nghệ thuật. Các tác phẩm của ông bước ra khỏi bóng tối để thành biểu tượng văn hóa, đồng thời cũng thu hút sự chú ý của những kẻ giả mạo gian trá.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Vermeer là Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with a Pearl Earring), được vẽ vào năm 1665, 10 năm trước khi Vermeer qua đời. Bức họa đã được gọi bằng nhiều cái tên trong nhiều thế kỷ, còn tên gọi hiện tại thì được đặt vào thế kỷ 20. Hiện bức tranh đang được treo tại Bảo Tàng Hoàng Gia Moritz (Mauritshuis), thành phố De Haag, Hà Lan. Năm 2006, nó được bình chọn là bức tranh đẹp nhất Hà Lan. Tác phẩm khác biệt so với các bức hoạ khác của Vermeer bởi nội dung của nó chỉ đơn giản là phần đầu và vai của một người phụ nữ trẻ trên nền tối (ngày nay có ý kiến cho rằng phần nên ban đầu được sơn tông màu xanh lá cây). Bức họa tựa một nghiên cứu đầu người thiếu nữ, chứ không chỉ là một bức chân dung bình thường.
Hình ảnh này đã làm nảy sinh nhiều cách giải thích trong cả văn học lẫn thơ ca, với nhiều suy đoán về danh tính và lý do cho cách ăn mặc khác thường của nàng. Dù có là ai, nàng cũng đang nhìn xuyên qua khung tranh, môi hơi hé mở – một tư thế tạo cảm giác thân mật và thấu hiểu.
Cũng cần lưu ý rằng một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu bản thân chiếc bông tai có thực sự là một viên ngọc trai hay không, bởi từ kích thước và độ sáng bóng, có nhiều khả năng nó được làm bằng thiếc. Các nhà phê bình khác lại cho rằng đó rõ ràng là một viên ngọc trai cực lớn và là một phần tạo nên sự kỳ lạ trên trang phục của người thiếu nữ.
Ngọc trai được cho là tượng trưng cho sự thông thái, thuần khiết, hào hiệp và chính trực. Trong nhiều nền văn hóa, ngọc trai được đánh giá cao vì sự quý hiếm và vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Ở Ai Cập cổ đại, những người giàu có được chôn cùng với ngọc trai của họ. Có thông tin cho rằng Cleopatra đã hòa tan một phần ngọc trai vào một ly giấm và uống nó. Nhờ gắn liền với đồ trang sức, ngọc trai cũng gắn liền với sự lãng mạn, tình yêu và thường có mặt trong các đám cưới. Ở Hy Lạp cổ đại, ngọc trai được cho là nước mắt của các vị thần. Trong một vài truyền thống Cơ đốc giáo, người ta cho rằng những giọt nước mắt của Eve sau khi bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng đã biến thành ngọc trai.
Vì ngọc trai được tìm thấy dưới nước, chúng cũng thường được kết hợp với những cuộc phiêu lưu kỳ lạ đến những bờ biển xa. Chúng cũng gắn liền với vẻ đẹp nữ tính và sang trọng, bởi chỉ những người giàu sang mới có khả năng chi trả cho những món đồ quý hiếm và sở thích du lịch.
Trong Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, Vermeer đặt viên ngọc trai lên bông tai của người phụ nữ trẻ đang nhìn thẳng ra ngoài khung vẽ, màu vàng của chiếc khăn trên đỉnh đầu tương phản nhẹ nhàng với màu xanh của khăn xếp. Viên ngọc trai và lớp vải quấn tóc của nàng cho chúng ta biết rằng có điều gì đó kỳ lạ. Khăn turban này là phụ kiện thời trang phổ biến lúc bấy giờ, nhưng người phụ nữ trẻ này có cảm giác vượt ra khỏi danh giới địa phương, như thể nền thời trang trên toàn thế giới rộng lớn đã chạm tới nàng, và khuyến khích nàng tìm kiếm những cuộc phiêu lưu bên ngoài khuôn khổ đang giới hạn nàng. Người thiếu nữ trông ngây thơ, nghiêm nghị, và bằng cách nào đó vẫn khôn ngoan và thông tuệ vạn vật, như thể nàng đang nhìn vào người xem với những bí mật muốn kể, những ý tưởng muốn bộc bạch và những cuộc phiêu lưu muốn trải nghiệm.
Viên ngọc trai đầy nữ tính tỏa sáng giữa bức họa – nhưng không phá cách, không tinh tế mà to lớn, quá khổ và lấn chiếm không gian. Viên ngọc là đại diện của vẻ đẹp tự nhiên, sự sang trọng, tinh tế và giàu có, đồng thời, vì kích thước và sự kết hợp với khăn xếp, là đại diện của sự hào nhoáng, của những cuộc phiêu lưu vĩ đại ngoài tầm mắt.
• • •
Theo các ghi chép lịch sử, Vermeer chưa từng rời Delft quá lâu. Liệu cô gái với bông tai ngọc trai và ánh nhìn xa xăm là đại diện cho chính Vermeer, bị giới hạn bởi khung tranh và bởi chính nghệ thuật, nhưng lại chan chứa mơ ước về những vùng đất xa xôi và những khao khát phiêu lưu?
Bài viết gốc Symbolism of the Earring in the Girl with a Pearl Earring
Bởi Kitty Jackson, tại Art Dependence, 06.12.2019
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải lại
Để lại đánh giá